Xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc: Doanh nghiệp cần lưu ý gì? Năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 53,22 tỷ USD |
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 16,928 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra, tăng 6,1% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,85 tỷ USD, tăng 7%. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU vẫn là 5 thị trường xuất khẩu chính gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,85 tỷ USD |
Năm 2022 được đánh giá là một năm rất khó khăn đối với các ngành hàng xuất khẩu nói chung và xuất khẩu gỗ và lâm sản nói riêng. Nguyên nhân do lạm phát tại các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đặc biệt là tại Hoa Kỳ và EU (hai thị trường có kim ngạch xuất khẩu chiếm trên 65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành) khiến tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang hai thị trường này sụt giảm nghiêm trọng trong quý III/2022.
‘Một trong những động lực quan trọng hình thành tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay là do mở rộng xuất khẩu tại Trung Quốc và Nhật Bản và Hàn Quốc’, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định.
Năm 2023, xuất khẩu gỗ và lâm sản hướng đến mục tiêu 17,5 tỷ USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu tôm năm 2022 đạt kỷ lục mới 4,33 tỷ USD. Đây là con số đáng khích lệ cho 1 năm với không ít sóng gió đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói chung và tôm nói riêng khi phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như nhu cầu thị trường thế giới sụt giảm do lạm phát toàn cầu tăng cao kỷ lục, xung đột Nga – Ukraine, biến động tiền tệ, chi phí sản xuất gia tăng, nguồn nguyên liệu hạn chế, nguồn vốn để quay vòng sản xuất hạn hẹp và phải đối mặt với cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt 1,72 triệu tấn, trị giá 3,94 tỷ USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê năm 2022 ở mức 2.293 USD/tấn, tăng 16,6% so với năm 2021.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt 1,72 triệu tấn, trị giá 3,94 tỷ USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với năm 2021 |
Năm 2022 thị trường cà phê toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn khi lạm phát toàn cầu tăng phi mã, người tiêu dùng có xu hướng “thắt lưng buộc bụng” khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm. Mặc dù vậy, ngành cà phê Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng ghi nhận khi xuất khẩu tăng trưởng ở mức 2 con số so với năm 2021.
Dù đạt con số xuất khẩu trên 3 tỷ USD, tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra cho những năm tới đây đối với ngành hàng này đó là cần giảm bán hàng theo ‘bao’ tăng bán hàng theo ‘gói’, và hướng đến phát triển bền vững ngành cà phê.
Dự báo năm 2023, ngành cà phê Việt Nam sẽ vẫn được hưởng lợi nhờ nhu cầu thế giới có khả năng phục hồi và nguồn cung trong nước được đảm bảo cả về sản lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2022, xuất khẩu gạo 3,49 tỷ USD. Đây là một kết quả đầy ấn tượng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động khi đầu năm giá gạo đi xuống và phải đến quý III giá gạo mới tăng lên. Trong năm qua, có thời điểm giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và đứng đầu thế giới.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2022 đạt 3,34 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2021 (3,55 tỷ USD). Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng chi ra trên 2 tỷ USD nhập khẩu rau quả trong năm 2022, tăng 35% so với năm 2021. Như vậy, cả năm nay, rau quả xuất siêu hơn 1,3 tỷ USD.
Rau quả Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất đến 10 thị trường chính, gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan, Úc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Lào. Ngược lại, 10 thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Myanmar, Nam Phi, Hàn Quốc, Campuchia, Ấn Độ và Thái Lan.
Năm 2023, Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 20 - 30%, đạt khoảng 4 tỷ USD |
Vào ngày 8/1/2023, thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn, chấm dứt chính sách ‘Zero Covid’. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ đã chính thức mở cửa cho trái bưởi của Việt Nam; quả nhãn, mắc ca cũng được Nhật Bản cho phép nhập khẩu; Newzeland mở cửa cho trái chanh xanh của Việt Nam… Đây đều là các thị trường tiêu thụ khó tính, tuy nhiên xuất khẩu hàng rau quả vào được các thị trường này, thì cơ hội cho ngành hàng rau quả của Việt Nam ngày càng mở rộng.
Năm 2023, Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 20 - 30%, đạt khoảng 4 tỷ USD.
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải qian cho biết, năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 và kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu sao su của Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan.
Ước tính, năm 2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn, trị giá 3,31 tỷ USD, tăng 9,6% về lượng và tăng 1,1% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.547 USD/tấn, giảm 7,8% so với năm 2021.
Nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu phục hồi là yếu tố thúc đẩy xuất khẩu cao su trong năm qua. Tuy nhiên trước biến động tỷ giá USD tăng cao, trong khi giá mủ cao su lại xuống thấp trong mấy tháng cuối năm, khiến cho mối tương quan giá thành sản xuất cao su và giá bán mất cân đối.
Trong năm 2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang phần lớn các thị trường đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam, chiếm 70,8% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước. Đứng thứ hai là Ấn Độ, chiếm 6,6% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu hạt điều năm 2022 đạt 3,07 tỷ USD. Dù kim ngạch xuất khẩu vượt 3 tỷ USD, nhưng kết quả đạt được thấp hơn mục tiêu ban đầu mà ngành hàng này đã đặt ra (3,8 tỷ USD) do thị trường khó khăn.
Xung đột giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hạt điều của Việt Nam. Các nền kinh tế lớn suy thoái, lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng có xu hướng tăng tiết kiệm… là những nguyên nhân khiến xuất khẩu điều của Việt Nam gặp khó.
Để hỗ trợ cho ngành Điều, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành cho hạt điều và các sản phẩm phụ của cây điều để có cơ sở đánh giá chất lượng; đánh giá, quy hoạch ổn định lâu dài các vùng trồng điều. Trong điều kiện khó gia tăng diện tích điều trong nước, cần có giải pháp hợp tác khai thác và phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và Lào để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu...
Nguyễn Hạnh