Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 hướng đến mục tiêu 54 - 55 tỷ USD Trung Quốc đứng Top đầu thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam năm 2023 |
1. Thu về 13,4 tỷ USD, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lần đầu ghi nhận không tăng trưởng
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 16,2% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 9,2 tỷ USD, giảm 22,9% so với năm 2022. Với kết quả này, ngành gỗ mới thực hiện được khoảng 79% mục tiêu 17,5 tỷ USD đặt ra hồi đầu năm 2023.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023 chỉ thu về 13,4 tỷ USD |
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng toàn cầu còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, nên tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng cuối năm 2023 gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và không thiết yếu, khiến mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu khó phục hồi.
Năm 2024, khó khăn với ngành gỗ được dự báo có thể kéo dài khi những yếu tố bất lợi vẫn hiện hữu như khủng hoảng địa chính trị lan rộng, suy thoái kinh tế thế giới, các thị trường xuất khẩu chính chưa phục hồi. Mặc dù, hàng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ chính có xu hướng giảm, nhưng đà phục hồi còn tương đối chậm, tiêu dùng toàn cầu vẫn chưa thấy sự phục hồi rõ nét.
Cùng với đó, ngành gỗ vẫn đối mặt với những thách thức như đơn hàng phải cạnh tranh và yêu cầu về mẫu mã, chất lượng càng trở nên cao. Bởi các rào cản thương mại nước ngoài ngày càng khắt khe, các chứng chỉ về quản lý rừng bền vững hay chứng chỉ giảm phát thải carbon sau này bắt buộc sản phẩm gỗ khi xuất sang thị trường các nước phải tuân thủ.
Năm 2024, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu còn rất nhiều thách thức, ông Nguyễn Quốc Trị - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, những chỉ tiêu này khá cao và đề nghị Cục Lâm nghiệp xem xét lại chỉ tiêu này.
2. Thu về 5,69 tỷ USD, rau quả có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất trong các mặt hàng nông lâm thủy sản
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết thúc năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69% so với năm 2022. Đây là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất trong các mặt hàng nông lâm thủy sản.
2023 là năm chứng kiến quá trình “đổi ngôi” trong ngành rau quả. Vượt qua thanh long, sầu riêng, ngành rau quả đã trở thành mặt hàng có doanh số xuất khẩu cao nhất |
Đáng chú ý, mặt hàng sầu riêng đã có đóng góp rất tích cực vào tăng trưởng ngành rau quả với tỷ trọng hơn 40%, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt hơn 2,2 tỷ USD, gấp 5 lần năm 2022.
Trong năm 2024 tới, với góc nhìn lạc quan, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) nhận định, ngành hàng rau quả của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí sẽ tiến tới mốc 7 tỷ USD, từ đó là động lực để vươn tới trở thành cường quốc xuất khẩu rau quả.
Ông Đặng Phúc Nguyên kỳ vọng, sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường 1,4 tỷ dân sẽ mở rộng hơn về mặt hàng, quy mô, thị phần.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, nếu thời gian tới Việt Nam ký kết được Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, giá trị xuất khẩu chắc chắn sẽ tăng cao hơn. Bên cạnh sầu riêng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng dừa cũng là mặt hàng có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Hiện nay, diện tích trồng dừa ở Việt Nam khoảng 194.000 ha, sản lượng 1,4 triệu tấn.
3. Xuất khẩu gạo thu về 4,78 tỷ USD, đạt đỉnh 34 năm qua
Năm 2023 được đánh giá là năm thành công của ngành lúa gạo Việt Nam khi hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa, từ đó, giúp xuất khẩu gạo thu về 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái với sản lượng khoảng 8 triệu tấn (theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Đáng chú ý, mặc dù diện tích gieo trồng năm 2023 giảm 9 nghìn ha nhưng năng suất tăng 1 tạ/ha, đem lại kết quả sản lượng gạo cả năm 2023 vẫn đạt 43,5 triệu tấn.
Xuất khẩu gạo: Đạt đỉnh 34 năm qua |
Theo ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2024, kế hoạch sản xuất lúa gạo năm 2024 có điều chỉnh 1 chút, chúng ta chỉ gieo trồng 7,1ha lúa, diện tích có giảm đôi chút nhưng Việt Nam phấn đấu sản lượng lúa vẫn thu hoạch đạt trên 43 triệu tấn.
Giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới được dự báo vẫn ở mức cao trong năm 2024 - 2025, đây là những thuận lợi cho sản xuất lúa gạo của Việt Nam.
Nếu tình hình thuận lợi, kế hoạch sản xuất được đảm bảo, những tác động của hiện tượng El Nino được giảm thiểu thấp nhất, không xảy ra dịch bệnh, thiên tai trên quy mô lớn, lãnh đạo Cục Trồng trọt dự báo kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ đạt con số từ 7,5 – 8 triệu tấn.
4. Xuất khẩu cà phê thu về 4,18 tỷ USD
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2023 đạt xấp xỉ 1,61 triệu tấn, trị giá 4,18 tỷ USD, giảm 9,6% về lượng, nhưng tăng 3,1% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân cà phê năm 2023 đạt mức 2.834 USD/tấn, tăng 14,1% so với năm 2022.
Xuất khẩu cà phê thu về 4,18 tỷ USD. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta tăng mạnh. Thời điểm cuối năm, giá cà phê Robusta trên thế giới chạm đỉnh 28 năm do lo tồn kho ở mức thấp và tình trạng hạn chế bán ra.
Dự báo năm 2024, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, niên vụ 2023/2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 – 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với 1,78 triệu tấn niên vụ 2022/2023.
Năm 2024, ngành cà phê Việt Nam chú trọng nhiều giải pháp cho việc phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là việc đáp ứng quy định chống mất rừng EUDR của EU. Đây sẽ là một trong những yếu tố giúp ngành cà phê Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.
Nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra dự báo xuất khẩu cà phê năm 2024 có thể đạt từ 4,5 đến 5 tỷ USD.
5. Xuất khẩu hạt điều thu về 3,63 tỷ USD
Sau 2 lần điều chỉnh kế hoạch theo hướng giảm giá trị thì xuất khẩu hạt điều vẫn thu về 3,63 tỷ USD (theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cao hơn dự tính trước đó (khoảng 3,18 tỷ USD).
Xuất khẩu hạt điều thu về 3,63 tỷ USD |
Việt Nam là nước nhập khẩu điều thô nhiều nhất và xuất khẩu nhân điều lớn nhất (chiếm đến khoảng 70% thị trường thế giới). Việt Nam cũng là đất nước làm chủ và sản xuất ra gần hết các thiết bị để chế biến hạt điều, còn trở thành quốc gia xuất khẩu máy móc, thiết bị được các nước tìm mua. Hơn nữa, chất lượng hạt điều Việt Nam, được các nhà tư vấn, nhập khẩu, chiên rang thế giới đánh giá là có hương vị thơm, ngon, rất đặc trưng so với hạt điều nước khác.
Các doanh nghiệp ngành điều nhận định, xuất khẩu điều năm 2024 có triển vọng tốt bởi nhiều thị trường thế giới như EU, Nhật Bản… vẫn có nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ điều.
6. Xuất khẩu tôm năm 2023 chỉ thu về 3,38 tỷ USD
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2023 xuất khẩu tôm của Việt Nam chỉ thu về 3,38 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu tôm năm 2023 chỉ thu về 3,38 tỷ USD |
Lý giải cho sự sụt giảm này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, trong tháng cuối năm 2023, sự sụt giảm mạnh mẽ từ các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc bởi biến động kinh tế và tồn kho trước đó tại các thị trường, cộng với sự cạnh tranh của con tôm các quốc gia khác.
Ông Dương Long Trì - Phó tổng thư ký Hội Thủy sản Việt Nam cho rằng, đến nay, sản lượng tôm nuôi khoảng 1,1 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu vẫn chỉ dao động từ 3,5 - 4 tỉ USD, trước đây, sản lượng của chúng ta có 700 nghìn tấn cũng đạt giá trị xuất khẩu tương đương. Vì vậy, cần xem xét giải pháp sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Tôm Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 150 nước. Tuy nhiên, không chỉ riêng tôm Việt Nam có thể chinh phục thị trường thế giới mà nhiều quốc gia khác đang cạnh tranh với tôm Việt bằng ứng dụng khoa học kĩ thuật trong sản xuất tôm. Do đó, để tôm Việt Nam giữ vững được vị thế cạnh tranh này, các chuyên gia cùng cho rằng, ngành tôm Việt Nam bắt buộc phải có những hướng đi riêng.
Nguyễn Hạnh