Điện Biên: Ứng dụng khoa học công nghệ nâng tầm giá trị nông sản

27/10/2023 - 14:13
(Bankviet.com) Không chỉ tạo cơ chế thuận lợi từ chính sách, tỉnh Điện Biên còn chú trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Ecofarm Pay Rest Stop - Hội tụ và lan toả sản phẩm nông sản Việt chất lượng Bắc Kạn: Mở rộng thị trường cho sản phẩm nông sản thế mạnh

Hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm

Qua 5 năm tổ chức thực hiện Nghị định số 98/2018/NÐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Nghị quyết số 05/2018/NQ-HÐND của HÐND tỉnh Ðiện Biên về chính sách hỗ trợ nông nghiệp đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp. Qua đó giúp từng bước thay đổi phương thức tổ chức, trình độ sản xuất; thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao trình độ, thu nhập của người dân.

Trong đó, số lượng dự án liên kết được phê duyệt và nghiệm thu đến hết năm 2022 là 200 dự án, với sự tham gia của gần 8.000 hộ dân, 19 hợp tác xã, 20 doanh nghiệp; nguồn kinh phí thực hiện triển khai liên kết theo các nội dung hỗ trợ là 107,297 tỷ đồng.

Điện Biên: Ứng dụng khoa học công nghệ nâng tầm sản phẩm nông sản
Lãnh đạo huyện Tuần Giáo thăm vườn xoài đang thu hoạch tại xã Rạng Đông. Ảnh: Nguyễn Hiền

Ðến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm như: Lúa, rau an toàn vùng lòng chảo huyện Ðiện Biên, dứa tại huyện Mường Chà, chè Shan tuyết huyện Tủa Chùa... Một số sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh như: Quả đỗ leo 4 mùa, mật ong rừng Chà Nưa, chè tuyết Shan, gạo Séng cù, gạo Bắc thơm số 7...

Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các tổ hợp tác, doanh nghiệp và nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, bước đầu trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm sản xuất theo chuỗi, đem lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất và bảo đảm thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, dần hạn chế tình trạng “được mùa mất giá” và ngược lại.

Điển hình là dự án liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm xoài Ðài Loan do Công ty Cổ phần Giống rau hoa quả Trung ương liên kết với các hộ dân trên địa bàn xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo thực hiện trên diện tích 11ha. Công ty cung ứng giống, vật tư đầu vào trong sản xuất; thu mua và tiêu thụ sản phẩm quả xoài tươi.

Dự án góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất nương kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao. Ðặc biệt là người tham gia là 100% người dân tộc thiểu số đã được tiếp cận với quy trình kỹ thuật tiên tiến; giúp từng bước thay đổi phương thức tổ chức sản xuất từ nhỏ lẻ sang liên kết phát triển sản xuất hàng hóa.

Ðến nay với diện tích xoài đang cho thu hoạch, Công ty thu mua với giá 7.000 - 10.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ quả, dự kiến năm 2023 thu mua khoảng 10 tấn quả. Mặc dù, sản lượng xoài chưa cao song bước đầu đã tạo niềm tin, sự phấn khởi cho người dân để tiếp tục đầu tư chăm sóc nâng cao năng suất, mẫu mã, chất lượng sản phẩm trong thời gian tới.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất

Không chỉ có các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, một trong những điểm sáng của tỉnh thời gian qua là nhiều tổ chức, hộ dân trên địa bàn đã có những cách làm hay, sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó góp phần nâng tầm sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Điện Biên: Ứng dụng khoa học công nghệ nâng tầm sản phẩm nông sản
Ông Trần Quốc Cường, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh kiểm tra chất lượng bí xanh

Điển hình như tại tổ 1, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà), hợp tác xã Nam Dương phối hợp với các hộ dân chuyển đổi gần 1,7ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng bí xanh. Để nâng cao giá trị, ứng dụng công nghệ sản xuất mới, hợp tác xã Nam Dương liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh (TP. Điện Biên Phủ) triển khai trồng và chăm sóc bí theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng, an toàn.

Toàn bộ luống bí được phủ kín nilon để hạn chế thoát hơi nước, cỏ dại, sâu bệnh hại; thay thế giàn làm từ tre, gỗ bằng giàn lưới cho dây bí leo; áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel để giữ độ ẩm cho đất, đảm bảo dinh dưỡng cho quả, tiết kiệm chi phí thuê nhân công. Mô hình trồng bí xanh công nghệ cao đã được Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh đầu tư nhân rộng tại các xã Thanh Hưng, Thanh An (huyện Điện Biên).

Ông Trần Quốc Cường - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh cho biết: Các sản phẩm của hợp tác xã chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, Hải Dương và các nhà bếp tại các khu công nghiệp. Đây là những thị trường lớn, khó tính, chính vì vậy quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm luôn được hợp tác xã đặt lên hàng đầu, bởi sự lựa chọn của khách hàng chính là thước đo chất lượng sản phẩm.

Từ hiệu quả của mô hình trồng bí xanh, huyện Mường Chà đang vận động người dân, các tổ chức tiếp tục liên kết trồng khoai tây marabel, cây dược liệu và rau xanh tại các xã Sa Lông, Mường Tùng, Sá Tổng, Ma Thì Hồ, Na Sang, Huổi Lèng theo hướng công nghệ cao.

Tương tự, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã được Công ty TNHH Trà Phan Nhất Điện Biên thực hiện trong cả phát triển vùng nguyên liệu và trong quá trình sản xuất chè chất lượng cao với hệ thống máy móc công nghệ hiện đại. Nhờ đó sản phẩm chè của công ty đã được người tiêu dùng ưa thích, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Ông Phan Trọng Nhất, Giám đốc Công ty TNHH Trà Phan Nhất Điện Biên cho biết: Công ty phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm chè, đồng thời quảng bá sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Hiện nay, công ty đã xuất bán thành công 3 đơn hàng sang thị trường Hàn Quốc và được đối tác đánh giá cao. Mới đây, một số đối tác của Trung Quốc cũng đặt vấn đề thu mua sản phẩm trà của công ty. Đây chính là tín hiệu tốt, là cơ hội để các sản phẩm trà của công ty vươn ra “biển lớn”.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương