Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024: Hướng đến một ASEAN kỹ thuật số

24/04/2024 - 01:49
(Bankviet.com) Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, tương lai của ASEAN là tương lai kỹ thuật số. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các đối tác.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với Tổng thư ký ASEAN Đối thoại giữa Tổng Thư ký ASEAN với thanh niên các nước ASEAN Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN Thủ tướng: Chung sức, đồng lòng để "ngôi nhà chung" ASEAN phát triển vững mạnh

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, tương lai của ASEAN là một ASEAN kỹ thuật số. Để xây dựng ASEAN kỹ thuật số, còn một chặng đường dài phía trước.

Sau phiên khai mạc, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 (ASEAN Future Forum 2024 - AFF 2024) bước vào hai phiên thảo luận với chủ đề “ASEAN phát triển nhanh vì tương lai bền vững” và chủ đề "Bảo đảm an ninh toàn diện về Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm".

Tương lai của ASEAN là một ASEAN kỹ thuật số

Trong phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “ASEAN phát triển nhanh vì tương lai bền vững”, điều hành Phiên họp Đại sứ, Tiến sỹ Dino Patti Djalal, Người sáng lập Cộng đồng Chính sách Đối ngoại của Indonesia nhấn mạnh các mục tiêu xây dựng Cộng đồng của ASEAN được liên kết chặt chẽ với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững và Kế hoạch Tổng thể Kỹ thuật số ASEAN 2025 (ADM 2025).

Diễn đàn lần này là nơi để các bên liên quan thể hiện cam kết và hành động của Hiệp hội trong việc tham gia một sự đồng thuận toàn cầu mới về các giải pháp đa phương cho các thách thức hiện tại và tương lai.

Trong số các chương trình nghị sự nổi bật có nội dung ASEAN có thể cải cách quản trị toàn cầu hướng tới một hệ thống đa phương hiệu quả hơn, đáng tin cậy hơn, toàn diện hơn và được trang bị tốt hơn để tận dụng các cơ hội của một thế giới tương lai với các công nghệ đặc trưng như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), 5G và blockchain.

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024: Hướng đến một ASEAN kỹ thuật số
Với chủ đề “ASEAN phát triển nhanh vì tương lai bền vững”, Phiên thảo luận thứ nhất Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 tập trung thảo luận về những định hướng tương lai nhằm thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, bao trùm và tự cường. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Diễn đàn Tương lai ASEAN, sáng kiến của Thủ tướng Việt Nam, là cơ hội để các nước, các bên liên quan trao đổi quan điểm và thảo luận về tương lai của ASEAN, một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, phát triển nhanh phải là phát triển kỹ thuật số. Phát triển bền vững phải là phát triển xanh. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là những nhân tố quan trọng nhất trong thập kỷ tới. Trong kỷ nguyên số, bàn về tương lai của ASEAN, chủ yếu đề cập đến chuyển đổi số, hướng đến một ASEAN số hóa.

Chủ đề của ASEAN năm 2024 là “Tăng cường kết nối và tự cường." Kết nối và tự cường là những yếu tố cơ bản để ASEAN có thể số hóa trong tương lai. “Tương lai của ASEAN là tương lai kỹ thuật số. Chúng ta cần một thể chế kỹ thuật số mới, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mới và nguồn nhân lực kỹ thuật số mới", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chia sẻ một số quan điểm về hợp tác kỹ thuật số trong ASEAN, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng trước hết khu vực cần phát triển một thể chế kỹ thuật số mới.

Theo Bộ trưởng, chuyển đổi kỹ thuật số giống như một cuộc cách mạng về thể chế hơn là về công nghệ. Do đó, các nước trong khu vực cần một khuôn khổ pháp lý mới, để đảm bảo tính hợp pháp của các doanh nghiệp kỹ thuật số và được pháp luật bảo vệ. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ASEAN phải có công suất cao, bền vững, xanh, thông minh, cởi mở và an toàn.

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024: Hướng đến một ASEAN kỹ thuật số
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Phiên thảo luận thứ nhất. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Lĩnh vực hợp tác thứ ba, đó là phát triển nguồn nhân lực số mới. Công nghệ số sẽ trao quyền cho con người nhưng chỉ khi họ làm chủ kỹ năng số. Gần 700 triệu công dân ASEAN cần có kiến thức cơ bản về kỹ thuật số để trở thành công dân điện tử. Song đây là thách thức rất lớn vì hơn 50% dân số ASEAN đang sống ở khu vực nông thôn.

Việt Nam có nhiều sáng kiến nhằm cung cấp kỹ năng số cơ bản cho người dân như: Làng số, nhóm số trong mỗi cộng đồng, sử dụng nền tảng số và các khóa học trực tuyến mở đại trà...

Khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các đồng nghiệp ASEAN liên quan đến những sáng kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh và nêu rõ tương lai của ASEAN là một ASEAN kỹ thuật số. Và để xây dựng ASEAN kỹ thuật số, vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghệ số sẽ trao quyền cho con người nhưng chỉ khi họ làm chủ kỹ năng số. Gần 700 triệu công dân ASEAN cần có kiến thức cơ bản về kỹ thuật số để trở thành công dân điện tử. Song đây là thách thức rất lớn vì hơn 50% dân số ASEAN đang sống ở khu vực nông thôn.

Bảo đảm an ninh toàn diện vì Cộng đồng lấy người dân làm trung tâm

Phiên toàn thể thứ hai thảo luận về cách tiếp cận toàn diện của ASEAN trong bảo đảm an ninh khu vực, thông qua xem xét tất cả các khía cạnh kinh tế, xã hội, và môi trường, trao đổi, đề xuất những hướng đi giúp ASEAN đóng góp hiệu quả hơn vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu, khẳng định vai trò và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh khu vực và toàn cầu do Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt Nam chủ trì với các diễn giả chính là: Nghị sĩ Sue Lines, Chủ tịch Thượng viện Australia (thông điệp ghi hình), Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ TS Subrahmanyam Jaishankar (thông điệp ghi hình).

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024: Hướng đến một ASEAN kỹ thuật số
Phiên toàn thể thứ hai với chủ đề "Bảo đảm an ninh toàn diện về Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm" thảo luận về cách tiếp cận toàn diện của ASEAN trong bảo đảm an ninh khu vực. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Tại Phiên này, các đại biểu sẽ cùng trao đổi những nội dung trọng tâm: Phương cách thúc đẩy khuôn khổ an ninh khu vực toàn diện, nâng cao năng lực thích ứng trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đi đôi với tăng trưởng kinh tế; các biện pháp xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số an toàn, đáng tin cậy và tăng cường khả năng ứng phó trước các mối đe dọa an ninh mới nổi.

Chiến lược của ASEAN nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực trong giải quyết các thách thức xuyên quốc gia, đi đôi với tôn trọng chủ quyền và lợi ích đa dạng của các quốc gia; Khả năng tận dụng những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học và phân tích dữ liệu lớn để phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm đảm bảo an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Phát biểu tham luận tại Phiên thảo luận, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi khẳng định an ninh luôn là vấn đề quan trọng với ASEAN. Với ASEAN, an ninh bao gồm rất nhiều lĩnh vực như chính trị, quốc phòng, kinh tế, xã hội, môi trường… Mỗi lĩnh vực đều quan trọng như nhau và việc bảo đảm an ninh đều phải toàn diện nhất có thể.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia chỉ ra cấu trúc an ninh khu vực và thế giới tiếp tục có những biến chuyển khó lường với xung đột, chiến tranh, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, tội phạm xuyên quốc gia… đòi hỏi ASEAN phải có các biện pháp thích ứng và sáng tạo hiệu quả.

Chia sẻ về những đường hướng mà ASEAN có thể sử dụng để vượt qua các thách thức, bà Retno Marsudi cho rằng ASEAN cần tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy những biến chuyển trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hợp tác trong khu vực. Điều cần thiết hiện nay là xây dựng một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ, hùng cường và tiếp tục duy trì vai trò trung tâm để ứng phó với các thách thức. Đồng thời, ASEAN cần đoàn kết hơn để khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục duy trì hòa bình, hợp tác, và phát triển, trong đó đối thoại đàm phán, đôi bên cùng thắng được thúc đẩy.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Retno Marsudi cũng đề cao sự cần thiết của việc tuân thủ luật pháp quốc tế và thực hiện luật pháp quốc tế một cách nhất quán. Người đứng đầu ngành giao Indonesia nhấn mạnh, ASEAN cần lưu tâm tới quản trị số và nâng cao kỹ năng số cho người dân trong thời đại mới.

Bà Retno Marsudi khẳng định: “Chúng ta cần tiếp tục lắng nghe tiếng nói của người dân, tiếp tục nỗ lực đảm bảo các tiến trình đều phải lấy người dân làm trung tâm. Tôi tin rằng rời khỏi Diễn đàn này, chúng ta có thể tự tin nói rằng chúng ta đã đóng góp vào các tiến trình của ASEAN lấy người dân làm trung tâm trong tương lai”.

Trong thông điệp ghi hình, Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines ghi nhận sáng kiến của Việt Nam trong việc tạo ra Diễn đàn mới này để tạo sân chơi thảo luận về các vấn đề quan trọng định hình tương lai của ASEAN.

Theo bà Sue Lines, năm 2024 đánh dấu 50 năm kể từ khi Australia trở thành đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN. Ngày nay, mối quan hệ của Australia và ASEAN không chỉ dựa trên cơ sở địa lý gần gũi mà còn dựa trên 50 năm hợp tác, tôn trọng, đối tác và tin cậy và được củng cố bởi quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên. "Hơn 1 triệu người Australia sinh ra hoặc có tổ tiên ở Đông Nam Á. Người dân của chúng ta gắn bó với nhau và tương lai của chúng ta cũng như vậy", bà nói.

Tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Australia tháng 3/2024 tại TP. Melbourne, các nhà lãnh đạo hai bên đã cùng nhau nhìn lại 50 năm quan hệ đối tác và hướng tới tương lai. Tuyên bố Melbourne được thông qua tại Hội nghị đã tái khẳng định cam kết chung của hai bên đối với một khu vực cởi mở, toàn diện và minh bạch.

Đây là một khu vực mà vai trò trung tâm của ASEAN hết sức quan trọng trong việc duy trì các nguyên tắc đã được thiết lập và hình thành các chuẩn mực khu vực, nơi mà các quốc gia có quyền tự do quyết định tương lai của chính mình. Đây cũng là khu vực có các thị trường mở, tạo điều kiện thuận lợi cho luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn và ý tưởng.

"Thành công của ASEAN ngày nay nằm ở việc tập trung thúc đẩy hợp tác ở mọi cấp độ trong xã hội cũng như giữa các chính phủ. Tầm nhìn ASEAN với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một ví dụ liên quan mật thiết đến điều này và được Australia ủng hộ mạnh mẽ" - bà Sue Lines nhấn mạnh.

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 với chủ đề "Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm" là một sáng kiến quan trọng do Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần 43 vào tháng 9/2023.

Đây là ý tưởng mới của Việt Nam với mong muốn tạo diễn đàn chung cho các nước thành viên ASEAN cũng như các bạn bè đối tác của ASEAN, người dân ASEAN cùng đóng góp vào việc thúc đẩy, định hình con đường phát triển cho tương lai của ASEAN.

Điểm khác biệt lớn nhất của Diễn đàn Tương lai ASEAN so với các diễn đàn khác, đây là diễn đàn dành riêng cho ASEAN, của ASEAN, vì ASEAN và vì người dân của ASEAN.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương