Ngày 30/9/2020, tại Hà Nội, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Thời báo kinh tế Sài Gòn tổ chức Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2020 với chủ đề “Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách”. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh tham dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Tham dự Diễn đàn còn có đại diện một số Bộ, ngành; đại diện các tổ chức tài chính quốc tế; Lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc NHNN; chuyên gia tài chính, ngân hàng; lãnh đạo một số ngân hàng thương mại (NHTM).
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) là văn bản có giá trị pháp lý rất quan trọng, khi lần đầu tiên các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành Ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi nhằm đảm bảo quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Cùng với đó, Quyết định 1058/QĐ-TTg (Quyết định 1058) tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm từ thực tế triển khai tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm đổi mới mạnh mẽ và toàn diện các TCTD, trong đó đặc biệt chú trọng đổi mới mô hình quản trị, điều hành; nâng cao năng lực tài chính, tăng cường năng lực đánh giá, kiểm soát rủi ro; chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng đa dạng và hiện đại hóa các sản phẩm dịch vụ; tăng cường đổi mới công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; cơ cấu lại các TCTD theo từng nhóm.
Phó Thống đốc nhận định, đến nay, Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 đã đi vào triển khai được hơn 3 năm, có thể khẳng định các giải pháp đồng bộ trong 2 văn bản trên đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD gắn với các mục tiêu phát triển ngành Ngân hàng trong thời gian tới, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Quốc hội và Chính phủ, tạo niềm tin đối với hệ thống các TCTD nói riêng và của cả xã hội nói chung.
Cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự quyết liệt của NHNN trong chỉ đạo điều hành, triển khai tích cực của hệ thống các TCTD, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, công cuộc tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu theo Quyết định 1058 và Nghị quyết 42 đã đạt những kết quả quan trọng. Dư luận và cử tri đánh giá cao sự quyết liệt, chủ động của NHNN trong việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống các TCTD, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 42 và đã đạt những kết quả tích cực.
Về hoàn thiện pháp lý, NHNN tiếp tục tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng nói chung và công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu nói riêng. Các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng được ban hành đã tạo hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, minh bạch cho việc tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm sự ổn định, an toàn, lành mạnh của thị trường tài chính, tiền tệ.
NHNN cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan rà soát để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, xung đột pháp lý giữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành Ngân hàng với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác, ban hành các văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các giải pháp nêu tại Nghị quyết 42 của Quốc hội và Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả.
Đối với các Bộ, ngành, địa phương, về cơ bản, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình/kế hoạch hành động triển khai Quyết định 1058 và các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị quyết 42; tại các địa phương, UBND các tỉnh, thành phố đã có văn bản chỉ đạo tới các Sở, Ban, Ngành trên địa bàn phối hợp trong công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD.
Ông Trần Đăng Phi – Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cho biết, đến nay khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng và xử lý nợ xấu được hoàn thiện phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam; sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững. Quy mô, năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành được nâng cao, mở rộng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tính minh bạch trong hoạt động tín dụng của TCTD từng bước được cải thiện. Chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu giảm dần qua các năm. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Việc triển khai Basel II tiếp tục được các TCTD tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn. Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý một bước quan trọng, tình trạng cổ đông/ nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát. Kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ và lĩnh vực ngân hàng được chấn chỉnh và nâng cao, góp phần ổn định, bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ.
Theo ông Đỗ Giang Nam – Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), Nghị quyết 42 đã khẳng định rõ ràng hơn quyền của chủ nợ của VAMC và TCTD; góp phần nâng cao ý thức của cá nhân, tổ chức trong việc trả nợ; tạo động lực khuyến khích các TCTD bán nợ xấu theo giá trị thị trường; giúp tạo lập thị trường mua bán nợ theo giá thị trường, bảo đảm nguyên tắc thị trường trong xử lý nợ xấu; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Theo đó, Nghị quyết 42 ra đời đã hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn. Kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 bằng hình thức khách hàng trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện. Khách hàng chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ TCTD. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết số 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.
LG-MT - Theo Tạp chí Ngân hàng