Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2021, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 57,54 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020. Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 15,18 tỷ USD, tăng 23%; sang thị trường Mỹ đạt trị giá 9,69 tỷ USD, tăng 10,3%; sang EU (27 nước) đạt 7,89 tỷ USD, giảm 9,1%... so với năm trước.
Trong khi đó, nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện xuất khẩu đạt 50,83 tỷ USD trong năm 2021, tăng 14% so với năm 2020.
Ngoài linh kiện điện thoại và các sản phẩm máy vi tính, Việt Nam có 6 nhóm mặt hàng khác đạt giá trị xuất khẩu hơn 10 tỷ USD, gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (38,34 tỷ USD); Hàng dệt may (32,35 tỷ USD); Giày dép các loại (17,75 tỷ USD); Gỗ và sản phẩm gỗ (14,81 tỷ USD); Sắt thép các loại (11,8 tỷ USD); Phương tiện vận tải, phụ tùng (10,62 tỷ USD).
Xuất khẩu điện thoại và các loại linh kiện tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu các nhóm hàng. Nếu như năm 2010, xuất khẩu điện thoại và linh kiện mới chỉ đạt 2,3 tỷ USD thì 5 năm sau đó đã tăng thêm 13 lần, đạt 30,2 tỷ USD và liên tục tăng trưởng. Tính đến nay kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này đã tăng 25 lần so với năm 2010.
Trong năm 2021, tổng trị giá xuất khẩu đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19%, tương ứng tăng 53,68 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 1/2022 đạt gần 12,96 tỷ USD, giảm 30,6% (tương ứng giảm 5,72 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 12/2021.
Trị giá xuất khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 1/2022 giảm so với nửa cuối tháng 12/2021 ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,21 tỷ USD, tương ứng giảm 43,5%; điện thoại các loại & linh kiện giảm 1,2 tỷ USD, tương ứng giảm 39,5%; máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng khác giảm hơn 1 tỷ USD, tương ứng giảm 42,2%; hàng dệt may giảm 576 triệu USD, tương ứng giảm 28,5%...
Nguyễn Hồng
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán