Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế trong quý II/2024 đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước. Còn tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng đạt 6,42%. Con số này đang ở mức cao, chỉ thấp hơn cùng kỳ của năm 2022 trong giai đoạn 5 năm vừa qua (2020-2024) và đang hướng tới chỉ tiêu 6-6,5% của cả năm 2024.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát cũng đang ở mức khá cao, với lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước đạt 4,08%. Mặc dù mức này đã vượt qua cận dưới chỉ tiêu lạm phát 4-4,5% cho cả năm 2024, nhưng với các đợt điều chỉnh mạnh về giá cả hàng hóa cơ bản như giáo dục, y tế và năng lượng ngay từ đầu năm thì kết quả này vẫn đáng ghi nhận về công tác điều hành chính sách về kiểm soát giá cả trong 6 tháng đầu năm 2024.
Nhìn chung, nền kinh tế đang trên đà phục hồi khá rõ ràng, hướng tới việc hoàn thành các chỉ tiêu năm 2024. Một số động lực chính của tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng gia tăng khá rõ ràng, cụ thể:
Về xuất nhập khẩu, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5%, còn kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau khi thâm hụt với nhập siêu 0,46 tỷ USD trong tháng 5/2024, sang tháng 6/2024, cán cân thương mại đã trở lại trạng thái thặng dư với xuất siêu đạt 2,94 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, mức thặng dư đạt hơn 11,63 tỷ USD.
Về đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 1.451,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến ngày 20/6/2024, tổng vốn đăng ký đạt gần 15,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước, còn tổng vốn thực hiện ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Qua đó cho thấy, hiệu quả của các chính sách tài khóa như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống 8%, gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước… đã tác động tích cực đến hiệu quả thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, những động thái sắp tới như thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư dự kiến sẽ khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.
Đối với tình hình doanh nghiệp cũng có những tín hiệu khả quan, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có gần 119,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023, còn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 110,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã cao hơn số doanh nghiệp rút lui là 9 nghìn doanh nghiệp, hoàn toàn đảo ngược lại xu hướng tăng trưởng âm về số lượng doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2024. Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã tăng mạnh lên 54,7 điểm trong tháng 6/2024, so với mức 50,3 điểm của tháng 5/2024. Kết quả này cho thấy, triển vọng tăng trưởng lĩnh vực sản xuất tiếp tục được cải thiện tháng thứ 3 liên tiếp, phản ánh tình trạng tăng của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới vào thời điểm giữa năm.
Tuy nhiên, động lực tiêu dùng vẫn phục hồi khá yếu. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng trưởng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023 và đây đang là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 3 năm gần đây (cùng kỳ năm 2022 tăng 10,7%; cùng kỳ năm 2023 tăng 11,3%). Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, tức là còn thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế (6,42%) của 6 tháng đầu năm 2024. Do đó, thúc đẩy tiêu dùng cần được quan tâm hơn nữa trong 6 tháng cuối năm.
Trong 3 động lực của tăng trưởng kinh tế thì đầu tư và tiêu dùng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất của chính sách tài khóa và tiền tệ trong khi xuất khẩu phụ thuộc vào kinh tế thế giới nhiều hơn. Vì vậy, việc điều tiết được 2 động lực này sẽ đóng vai trò quan trọng đối với khả năng hoàn thành chỉ tiêu về tăng trưởng và việc đạt được chỉ tiêu này cũng quyết định đến các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội khác của năm 2024.
Đối với thúc đẩy đầu tư, trong bối cảnh năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn yếu, chính sách tài khóa cần được xem là trọng tâm, còn chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ, cụ thể:
Chính sách tài khóa cần ưu tiên tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, từ đó, tạo lan tỏa sang đầu tư tư nhân; tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí phù hợp với điều kiện thực tế; thực hiện rà soát, tiếp thu, chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, đảm bảo quy trình, thủ tục nhận hỗ trợ rõ ràng, minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận cho nhà đầu tư.
Đối với chính sách tiền tệ, tiêp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy được tăng trưởng tín dụng hướng tới đạt chỉ tiêu cả năm 2024, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn của doanh nghiệp, đặc biệt tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên khác như năng lượng sạch, kinh tế xanh,...
Đối với tăng cường tiêu dùng, chính sách tiền tệ cần được xem là trọng tâm, chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ, cụ thể:
Chính sách tiền tệ nên thúc đẩy tín dụng dành cho tiêu dùng thông qua các chương trình ưu đãi lãi suất tín dụng, trong đó có dành cho tiêu dùng bất động sản, ở mức hợp lý, hướng đến lan tỏa cho các ngành kinh tế khác.
Về chính sách tài khóa, có thể xem xét giãn thời gian nộp, giảm thuế liên quan đến thu nhập cho người dân; triển khai kịp thời chế độ tiền lương mới và các chế độ đãi ngộ khác cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước… gắn với kiểm soát hiệu quả giá cả trên thị trường, nhằm tăng cường khả năng mua sắm, tiêu dùng của người dân.
Nguyễn Công Toàn - Đinh Tấn Phong