Phát huy giá trị tự nhiên để phát triển du lịch phía Tây Quảng Trị Quảng Trị: Tích cực triển khai đảm bảo tiến độ 2 dự án giao thông trọng điểm |
Những ngày đầu xuân tháng Giêng âm lịch đoàn phóng viên chúng tôi có cơ hội đi dọc đường Hồ Chí Minh nhánh phía Đông đoạn nối giữa tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Đi hết cung đường này làm cho chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước cảnh đẹp và sự hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây. Mây giăng trắng lối đi, những khúc đường quanh co bao quanh bản làng của bà con dân tộc người Bru- Vân Kiều. Có thể nói, đây là một trong những cung đường rừng trải nghiệm đẹp ở nước ta.
Cảnh đẹp thiên nhiên trên cung đường Hồ Chí Minh Đông |
Chênh vênh Sa Mù
Qua hết địa phận Quảng Bình, chạy thêm 30km dọc cung đường giữa đại ngàn Trường Sơn, hơi gió mát lạnh và tai dần ù lên báo hiệu cho điểm đến mới lạ mà khác biệt với khí hậu nóng bức của miền Trung.
Đèo Sa Mù là điểm đến khiến các thành viên trong đoàn phải ngỡ ngàng. Đèo Sa Mù nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Trị, nối liền hai xã Hướng Phùng và Hướng Việt của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Cung đèo có độ cao gần 1.450m so với mặt nước biển giáp biên giới Việt - Lào. Sở dĩ, con đèo được đặt tên là Sa Mù bởi vì con đèo nơi đây mây phủ trắng xóa có độ dài gần 20km. Nơi đây, được gọi là “giao điểm” giữa đất và trời.
Mây bao phủ những cung đường ở Sa Mù |
Đúng như tên gọi, khi đặt chân đến đây, từng dải băng mây tràn kín các rặng rừng nguyên sinh ở dãy Trường Sơn. Một lớp không khí khác biệt hoàn toàn ở khu vực “gió Lào cát trắng” nắng nóng ở miền Trung. Cái lạnh mát, sảng khoái mà dịu nhẹ không gắt làm cho con người như hoà mình với đất trời.
Ngày nay, khi tới đỉnh Sa Mù ta còn thấy được những dấu tích trong những năm tháng chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Trong lịch sử, Sa Mù - Khe Sanh có địa thế hiểm trở, vùng đất gắn liền với nhưng trận lịch sử, ác liệt nhất. Người dân địa phương nơi đây kể lại, trước đây bộ đội vận chuyển vũ khí, lương thực vào phía trong phải đi vòng qua đất bạn Lào khoảng 30 km vì con đèo quá cao, hiểm trở, nhiều dốc đứng, quanh co, rất khó để đi qua.
Tiềm năng về khí hậu và vị trí địa lý cho thấy việc khai thác phát huy các tiềm năng du lịch tại khu vực đèo Sa Mù rất lớn.
Ngọn đồi trên đỉnh Sa Mù nhìn xuống |
Anh Trần Xuân Cương- Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành du lịch Quảng Bình chia sẻ, dư địa về lợi thế du lịch ở Sa Mù rất dồi dào. Có nhiều thuận lợi khi có một cụm du lịch nhiều điểm đến tại khu vực này. Phía Bắc Sa Mù có điểm thác Tà Puồng như bức tranh sơn thuỷ giữa núi rừng Trường Sơn. Du khách sẽ đi qua thôn Trăng Tà Puồng với những nếp nhà sàn yên bình của đồng bào Pa cô, Vân Kiều, trải qua một cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn trải dài chúng ta sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của thác Tà Puồng.
Bãi cỏ ở đồi Chênh Vênh |
“Ngoài ra còn nhiều điểm đến rất đẹp khi đến Sa Mù như thác Chênh Vênh, làng Chênh Vênh, bãi săn mây, rừng tre Vầu…”- anh Cương hào hứng cho biết.
Lên “đỉnh mây” gieo hạt giống
Tại điểm đèo Sa Mù, đoàn đã ghé thăm mô hình trồng cây các loại hoa và quả cao cấp tại Trạm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ Bắc Hướng Hoá- Sở Khoa học Công nghệ Quảng Trị (Trạm) nằm ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, thuộc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin Khoa học & Công nghệ Quảng Trị.
Tại đây, vợ chồng anh Phạm Trường Học và chị Trần Thị Hương là nhân viên nuôi trồng, nhân giống hoa và trái cây tại đây đã niềm nở đón tiếp đoàn. Chia sẻ về những ngày đầu gian khó và khi những thành quả đầu tiên “đơm hoa nở nhuỵ” tại đây.
Hệ thống nhà kính trồng hoa và trái cây ở Trạm |
Chị Trần Thị Hương chia sẻ, lúc đầu mới lên vùng đất này, không nghĩ sẽ gắn bó lâu dài tại đây. Cuộc sống mới đầu khó hoà nhập và rất vất vả, khung cảnh vắng vẻ nơi đây, đặc biệt là những ngày mưa lạnh càng cô đơn. Khi đã quen và thân thuộc, chúng tôi gắn bó và không muốn rời xa nơi này. Từng hòn đất từng ngọn cây như là người thân với chúng tôi.
“Nhà cách trung tâm 12km, hai vợ chồng suốt ngày làm việc ở trung tâm nên 2 cháu lớp 9 và lớp 6 đã biết tự lập ở nhà, tự nấu ăn và tự đi học, cuối tuần đạp xe lên chơi với bố mẹ cho đỡ buồn”- chị Hương chia sẻ.
Chị Trần Thị Hương- Nhân viên Trạm thu hoạch dâu tây |
Theo chân các nhân viện trạm vào trong những giàn nhà kính rộng và dài nằm chơ vơ giữa lưng đồi, những quả dâu tây chín, căng mộng treo lủng lẳng điểm đỏ ửng cả gian nhà. Đây là “trái ngọt” sau thời gian nghiên cứu tìm tòi và đưa ra sản phẩm cho thị trường.
Anh Phạm Trường Học, Phó Trưởng Trạm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ Bắc Hướng Hoá- Sở Khoa học Công nghệ Quảng Trị chia sẻ, về khí hậu nơi đây mang tính đặc thù nhiệt độ trung bình 22 độ C. Trạm nằm cao 1030m so với mực nước biển nên kể cả vào mùa hè, khu vực miền Tây Quảng Trị bị ảnh hưởng gió Lào nóng rát, khô hanh, nhưng trên đỉnh đèo không khí vẫn còn lạnh và mát mẻ.
“Với khí hậu như thế này, tại trung tâm đã nghiên cứu trồng và gây giống nghiên cứu các đối tượng hoa quả cao cấp như Lan hồ điệp, Tulip, hoa Ly… và đặc biệt dâu tây, cà chua cherry được trồng ở đây có mùi vị thơm ngon, ngọt, chất lượng đường cao rất đặc trưng. Ở đây cũng đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo, thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu trồng thêm thất diệp nhất chi hoa ”- anh Học chia sẻ.
Anh Học và chị Hương- nhân viên của Trạm bên các giỏ hoa Lan hồ điệp |
Anh Học cho biết thêm, hiện nay có 5 viên chức, 1 người dân tộc thiểu số, đồng thời tạo công ăn việc làm cho gần 20 địa phương, tuy điều kiện làm việc xa xôi nhưng anh em tâm lý rất thoải mái. Ai cũng mong muốn kết hợp với bà con nông dân nơi đây để nghiên cứu sản phẩm và phát triển du lịch”.
Chị Trần Thị Hương- Nhân viên Trạm chia sẻ, sản phẩm ở trung tâm đa phần khách trong tỉnh Quảng Trị và các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng đặt mua nhiều nhiều. Thời gian qua rất đông khách du lịch ghé thăm và chụp hình ở nơi đây. Những ngày giáp Tết có ngày 8-10 đoàn ghé thăm, chụp ảnh.
Sản phẩm dâu tây ở Trạm nghiên cứu |
“Các sản phẩm trồng và đưa ra thị trường vừa qua chúng tôi không đủ nguồn cung khi lượng khách đặt và ủng hộ quá đông”- chị Hương chia sẻ thêm.
Ở nơi đây, mở mắt ra là thấy mây thấy núi, lặng lẽ giữa rừng già Trường Sơn. Những con người này luôn mong muốn đưa ra các sản phẩm hoa và trái cây tốt và chất lượng, khách du lịch biết đến nhiều hơn để tạo ra việc làm và thu nhập cho bà con địa phương. Chia tay Sa Mù, ai nấy đều quyến luyến và tin rằng Sa Mù sẽ là một điểm du lịch thu hút du khách trong tương lai không xa.
Thành Long