Hacker mới đây đã lấy trộm được lượng tiền mã hoá với giá trị tương đương gần 615 triệu USD từ một dự án blockchain được kết nối với trò chơi ăn khách Axie Infinity.
Ronin, nền tảng mạng lưới cho phép người dùng chuyển các đồng tiền mã hoá đến các blockchain khác nhau, cho biết hacker đã lấy khoảng 173.600 token ether và 25,5 triệu USD giá trị token USDC từ ngày 23/3.
Ở thời điểm vụ việc được công bố, số tiền bị lấy đi có giá trị khoảng 615 triệu USD. Tuy nhiên, nếu tính ở lúc số tiền bị hack, chúng có giá trị khoảng 540 triệu USD. Dù sao đi nữa, đây cũng là một trong những vụ tấn công tiền mã hoá lớn nhất thế giới.
Hacker đã lấy trộm khoảng 610 triệu USD vào tháng 8/2021 từ Poly Network, một nền tảng hỗ trợ thực hiện các giao dịch token ngang hàng. Dù vậy, các hacker đứng đằng sau sự vụ này sau đó đã hoàn trả lại gần như toàn bộ số tiền đã lấy trộm.
Vụ hack Poly Network để lộ rõ nhiều điểm yếu trong lĩnh vực tài chính phi tập trung (DeFi), nơi người dùng có thể vay, mượn và tiết kiệm bằng các đồng token số. Toàn bộ quá trình này không có sự tham gia của các đơn vị trung gian truyền thống như ngân hàng hay các sàn giao dịch.
Vào tháng 1/2018, hacker đã lấy trộm số lượng tiền mã hoá có giá trị khoảng 530 triệu USD ở thời điểm đó từ sàn giao dịch Coincheck. Kẻ gian đã tấn công một trong những “ví nóng”, một thư mục lưu trữ trực tuyến, của Coincheck và rút sạch tiền. Sự việc này làm dấy lên những quan ngại về tính bảo mật của các sàn giao dịch.
Bên cạnh đó, vụ tấn công cũng đặt ra nhiều câu hỏi ở Nhật Bản về việc quản lý thị trường tài sản số. Cơ quan tình bán Hàn Quốc khi đó cho biết một nhóm hack Hàn Quóc có thể là người đứng sau vụ việc.
Ở một trong những vị hack tiền mã hoá xuất hiện sớm và nổi tiếng nhất, số lượng bitcoin tương đương giá trị gần 500 triệu USD đã bị lấy trộm từ sàn giao dịch Mt.Gox ở Tokyo từ năm 2011 đến năm 2014. Thời điểm đó, Mt.Gox là sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới.
Mt.Gox, sàn giao dịch từng thực hiện 80% số lượng giao dịch trao đổi bitcoin trên toàn thế giới, nộp hồ sơ xin phá sản vào đầu năm 2014 sau khi vụ hack được công bố. 24.000 khách hàng đã mất khả năng tiếp cận với vốn của mình.
Tháng trước, website cung cấp dịch vụ tài chính phi tập trung Wormhole đã bị tấn công 320 triệu USD khi hacker lấy được 120.000 đồng token số được kết nối với đồng ether.
Jump Trading, đơn vị sở hữu các lập trình viên đứng đằng sau Wormhole, đã quyết định đền bù số tiền nói trên để “giữ gìn sự toàn vẹn cho các thành viên cộng đồng và hỗ trợ Wormhole khi nó tiếp tục phát triển”.
Hoàng Hà
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam