Đồ sơ sinh Ếch Cốm vi phạm mang tính hệ thống?

15/06/2024 - 03:45
(Bankviet.com) Nhiều cửa hàng thuộc hệ thống Đồ sơ sinh Ếch Cốm bày bán sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa, các sản phẩm may mặc không có chứng nhận hợp quy.
Hộp thư ngày 11/6: Phản ánh về ‘thần dược’ bỏ đói tế bào ung thư; nhà nghỉ Trường Hưng Sản phẩm may mặc tại Đồ Sơ sinh Ếch Cốm thiếu chứng nhận hợp quy Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tăng dần cả về quy mô, số vụ việc

Ngày 11/6/2024, Báo Công Thương có đăng tải bài viết: “Sản phẩm may mặc tại Đồ sơ sinh Ếch Cốm thiếu chứng nhận hợp quy”. Nội dung bài viết phản ánh cửa hàng Ếch cốm có địa chỉ tại 287 Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy đang bày bán nhiều sản phẩm may mặc là quần, áo, chăn, mũ,… dành cho em bé từ 1 đến 6 tuổi không có chứng nhận hợp quy (CR) theo quy định của pháp luật.

Đồ sơ sinh Ếch Cốm vi phạm mang tính hệ thống?

Cửa hàng Éch Cốm địa chỉ số 322 Hồ Tùng Mậu

Ngay sau khi báo đăng, tòa soạn đã nhận được nhiều thông tin bạn đọc phản ánh về những vi phạm trên tại một số cửa hàng thuộc hệ thống Đồ sơ sinh Ếch Cốm trên địa bàn TP. Hà Nội. Từ những thông tin bạn đọc phản ánh, phóng viên tiếp tục tìm hiểu thực tế một số cửa hàng thuộc hệ thống Đồ sơ sinh Ếch Cốm tại các đại chỉ 148 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy; 322 Hồ Tùng Mậu, quận Nam Từ Liêm; 59 Nguyễn Hoàng, Nam Từ Liêm.

Tại các cửa hàng trên phóng viên ghi nhận tình trạng chung, nhiều sản phẩm may mặc là quần, áo, chăn, mũ,… dành cho em bé không có chứng nhận hợp quy (CR), thông tin về nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm được nhập từ nước ngoài thì thông tin về tem, nhãn phụ tiếng Việt không đầy đủ, thiếu nhiều thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, gây khó khăn cho người tiêu dùng.

Đồ sơ sinh Ếch Cốm vi phạm mang tính hệ thống?
Một số sản phẩm may mặc thiếu thông tin về nhãn hàng hóa.

Thông tư số 07/2018/TT-BCT về việc sửa đổi Thông tư số 21/2017/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành, từ ngày 01/01/2019, các sản phẩm dệt may, hàng may mặc trước khi đưa ra thị trường bắt buộc phải được chứng nhận phù hợp Quy chuẩn QCVN 01:2017/BCT về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các Amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may.

Theo Quy chuẩn này, từ ngày 1/1/2019, danh mục sản phẩm dệt may chịu sự điều chỉnh của quy chuẩn gồm: Quần, áo, váy, các loại vải may mặc, các loại thảm trải sàn, hàng phụ kiện may mặc như tất, khăn, mũ, găng tay, cà vạt, chăn, ga, gối, đệm, rèm cửa, giày, dép thể thao, giày tennis, giày bóng rổ, giày thể dục, giày luyện tập và các loại tương tự… chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy và đăng ký hồ sơ chứng nhận hợp quy theo quy định.

Tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 cũng quy định rất rõ, nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu.

Để quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP, ngày 9/12/2021 quy định về nhãn hàng hóa, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2022. Theo đó, quy định về nhãn hàng hóa đối với sản phẩm dệt, may, da, giày phải bao gồm các thông tin: Thành phần hoặc thành phần định lượng; Thông số kỹ thuật; Thông tin cảnh báo; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản; Năm sản xuất.

Đồ sơ sinh Ếch Cốm vi phạm mang tính hệ thống?
Một số sản phẩm may mặc tại cửa hàng Đồ sơ sinh Ếch Cốm mà phóng viên ghi nhận thiếu chứng nhận hợp quy.

Theo thông tin từ Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), nếu tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa thì theo quy định mới tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hàng hóa có giá trị từ 5 triệu đồng đến trên 100 triệu đồng; trong một số trường hợp vi phạm cụ thể còn bị tịch thu hàng hóa có nhãn vi phạm có liên quan đến chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, thuần phong mỹ tục, bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm …

Như vậy có thể thấy việc bán hàng tại một số cửa hàng thuộc hệ thống Đồ sơ sinh Ếch Cốm đang có dấu hiệu thực hiện chưa đúng theo các quy định pháp luật hiện hành. Điều này không chỉ gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm mà còn tiềm ẩn nguy cơ tới sức khoẻ người tiêu dùng nếu hàm lượng formaldehyde có trong sản phẩm dệt may vượt quá mức chuẩn cho phép.

Đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ vấn đề nêu trên tại hệ thống các cửa hàng Đồ sơ sinh Ếch Cốm và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có), để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Đăng Khoa

Theo: Báo Công Thương