Đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham dự Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 lần thứ 27

08/05/2024 - 01:04
(Bankviet.com) Ngày 3/5/2024, tại Tbilisi, Georgia, Đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do Phó Thống đốc Đào Minh Tú dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 (AFMGM+3) lần thứ 27. Hội nghị là dịp để các Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 gặp gỡ, trao đổi và chỉ đạo về định hướng hợp tác trong khuôn khổ tiến trình hợp tác tài chính ngân hàng ASEAN+3.
Ngày 3/5/2024, tại Tbilisi, Georgia, Đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do Phó Thống đốc Đào Minh Tú dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 (AFMGM+3) lần thứ 27. Hội nghị là dịp để các Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 gặp gỡ, trao đổi và chỉ đạo về định hướng hợp tác trong khuôn khổ tiến trình hợp tác tài chính ngân hàng ASEAN+3.
 
 

Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 (AFMGM+3) lần thứ 27
 
Hội nghị có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao đến từ NHTW, Cơ quan Quản lý tiền tệ, Bộ Tài chính của các thành viên ASEAN+3, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Phó Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Phó Tổng Thư ký Ban Thư ký ASEAN.

Về kinh tế vĩ mô khu vực và thế giới

Đại diện các tổ chức quốc tế đã chia sẻ về diễn biến và triển vọng kinh tế vĩ mô khu vực và thế giới. IMF nhận định tăng trưởng toàn cầu phục hồi nhưng không đồng đều giữa các nền kinh tế, dự báo ở mức 3,2% năm 2024 (cao hơn 0,2% so với mức dự báo đưa ra vào tháng 10/2023). Lạm phát thế giới có xu hướng giảm trong năm 2024 và 2025 trong khi nợ công có xu hướng gia tăng, triển vọng tăng trưởng toàn cầu khá mờ nhạt ở mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ qua. Trong bối cảnh đó, Châu Á vẫn tiếp tục là động lực của tăng trưởng toàn cầu với mức tăng trưởng theo dự báo của AMRO đạt 4,5% năm 2024 và 4,3% năm 2025.

Nhận định về các rủi ro tác động tới triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, IMF cho rằng kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với thách thức từ việc đồng USD tăng giá, gây áp lực lên tỷ giá hối đoái. Đối với khu vực ASEAN+3, ADB nhận định sự suy giảm của bất động sản, giảm phát tại Trung Quốc, sự phân mảnh trong hoạt động thương mại và gia tăng căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu sẽ là các lực cản chính đối với triển vọng phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Theo đó, ADB khuyến nghị các nền kinh tế trong khu vực cần có các phản ứng chính sách phù hợp với hoàn cảnh của từng nước theo hướng tập trung củng cố tài khóa để hạn chế gia tăng nợ công, quản lý thận trọng mức lạm phát để đạt mục tiêu, bảo vệ ổn định tài chính, triển khai các cải cách để thúc đẩy tăng trưởng.

Về phía AMRO, tổ chức này cho rằng tăng trưởng của khu vực ASEAN+3 đang phải đối mặt với các thách thức như biến đổi khí hậu và già hóa dân số, gia tăng căng thẳng địa chính trị, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, kinh tế toàn cầu yếu kém từ đó làm hạn chế không gian chính sách và gia tăng áp lực nợ. Tuy nhiên, kinh tế khu vực cũng có những thuận lợi như điều kiện thị trường tài chính ổn định, kinh tế toàn cầu được cải thiện, sự mở cửa lại của nền kinh tế Trung Quốc, sự phát triển của công nghệ và sự lành mạnh của lĩnh vực tài chính. Theo đó, AMRO dự báo tăng trưởng khu vực sẽ cải thiện trong năm 2024 và ở mức vừa phải trong năm 2025 nhờ cầu nội địa tăng trưởng mạnh, chi tiêu hộ gia đình ổn định, đầu tư tiếp tục phục hồi, xuất khẩu được cải thiện. Lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục ở mức vừa phải song vẫn có nguy cơ gia tăng do tác động từ căng thẳng địa chính trị và điều kiện thời tiết bất lợi. AMRO cho rằng để biến thách thức thành cơ hội cần có các chính sách phù hợp như tận dụng xu hướng già hóa dân số, thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo, xây dựng lại niềm tin và thúc đẩy phát triển toàn diện để thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật số, kinh tế xã hội, địa lý, nhân khẩu học và giới. Triển vọng kinh tế tích cực là cơ hội để khu vực tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của nền kinh tế.

Tại Hội nghị, các Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 đã chia sẻ về tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, các thách thức trong điều hành chính sách vĩ mô. Các nước cùng ghi nhận các khó khăn, thách thức do căng thẳng địa chính trị và việc Mỹ duy trì mức lãi suất cao làm gia tăng chi phí vay, gây biến động tỷ giá và thị trường ngoài hối. Thực tế này đòi hỏi các nước phải nỗ lực tìm kiếm các giải pháp chính sách đồng bộ và kịp thời để ứng phó. Các đại biểu đồng quan điểm về việc triển vọng tích cực của khu vực ASEAN+3 mang lại cơ hội để xây dựng lại không gian chính sách đã bị thu hẹp trong đại dịch. Ưu tiên của chính sách tài khóa trong khu vực là khôi phục vùng đệm tài chính và tăng cường tính bền vững tài chính đồng thời cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, các Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 đã chia sẻ một số giải pháp chính sách đối với khu vực, bao gồm: (i) Duy trì, phát triển các diễn đàn, cơ chế thương mại đa phương dựa trên các quy tắc cởi mở, tự do, công bằng, toàn diện, minh bạch và không phân biệt đối xử để tạo thuận lợi cho luồng chu chuyển thương mại tự do, giảm các rào cản phi thuế quan, hạn chế chủ nghĩa bảo hộ và tăng cường xu hướng hội nhập, hợp tác vì sự phát triển bền vững; (ii) Thúc đẩy phát triển xanh và bền vững thông qua quá trình chuyển đổi công bằng trên cơ sở phát huy vai trò trung tâm của khu vực và thu hút sự tham gia của các bên liên quan; (iii) Nâng cao vai trò chủ động, tích cực của các tổ chức quốc tế trong hoạt động giám sát kinh tế vĩ mô thông qua các hoạt động như hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách; và (iv) Tận dụng xu hướng phát triển khoa học công nghệ và số hóa để thúc đẩy tăng trưởng song cần lưu ý đến vấn đề an ninh mạng và khích lệ sự tham gia tích cực của thế hệ trẻ.

Hội nghị ghi nhận và nhấn mạnh tầm quan trọng của mạng lưới an toàn tài chính khu vực (như CMIM) nhằm đảm bảo sự ổn định của khu vực. Tiến trình hợp tác tài chính ngân hàng ASEAN+3 đã và đang đóng vai trò quan trọng với vai trò là diễn đàn hợp tác để các thành viên cùng nhau tìm ra các giải pháp nhằm giải quyết các thách thức chung của khu vực.

Tiến trình hội nhập tài chính ngân hàng ASEAN+3

Tại Hội nghị, lãnh đạo các NHTW và Bộ Tài chính ASEAN+3 đã trao đổi, thảo luận về các sáng kiến nhằm nâng cao tính sẵn sàng của Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) để kịp thời hỗ trợ các thành viên CMIM giải quyết khó khăn khẩn cấp về cán cân thanh toán và thanh khoản, qua đó thực hiện mục tiêu ổn định tiền tệ và kinh tế vĩ mô. Hội nghị đánh giá cao tiến độ triển khai các sáng kiến nhằm tăng cường mạng lưới an toàn tài chính khu vực như xây dựng các cơ cấu tài chính hiệu quả hơn và các thể thức hỗ trợ mới để ngăn chặn, giảm thiểu và giải quyết các cuộc khủng hoảng trong tương lai một cách hiệu quả. Việc xây dựng cấu trúc chênh lệch lãi suất CMIM mới và xác định mức chênh lệch lãi suất phù hợp cho CMIM góp phần nâng cao khả năng tiếp cận CMIM như một lựa chọn tài chính hiệu quả cho các thành viên khi cần thiết.

Hội nghị hoan nghênh nỗ lực của các thành viên trong việc nghiên cứu, xây dựng các thể thức hỗ trợ mới để ngăn chặn, giảm thiểu và xử lý hiệu quả các cuộc khủng hoảng trong tương lai; nhất trí về các lợi ích của việc đóng góp vốn thực (paid-in capital) để tăng cường tính sẵn sàng và hiệu quả của mạng lưới an toàn tài chính khu vực.

Hội nghị đã thông qua việc thiết lập Thể thức Hỗ trợ nhanh (RFF) trong khuôn khổ CMIM nhằm đa dạng hóa các thể thức hỗ trợ cho các thành viên trong trường hợp phải đối mặt với các cú sốc ngoại sinh như thiên tai, dịch bệnh. Hội nghị cũng hoan nghênh việc hoàn thành đợt chạy thử nghiệm CMIM lần thứ 14 bằng tiền thật vào tháng 9/2023.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thảo luận về các sáng kiến nhằm tăng cường và mở rộng hợp tác tài chính ASEAN+3 về các chủ đề đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm như cơ sở hạ tầng bền vững, phát triển xanh, công nghệ tài chính (Fintech), ngân hàng mở, tài chính số.

Kết thúc Hội nghị, các Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị.

Hội nghị AFMGM+3 năm 2025 sẽ được tổ chức tại Milan, Italia dưới sự đồng chủ trì của Malaysia và Trung Quốc.

Theo Phòng HNĐP - Vụ HTQT/sbv.gov.vn


Theo: Tạp chí Ngân hàng