Doanh nghiệp Hàn Quốc lo mất ưu đãi khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

21/03/2024 - 23:03
(Bankviet.com) Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam bày tỏ lo lắng, việc Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào năm 2024 sẽ khiến họ mất ưu đãi thuế.
Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản tại Việt Nam Doanh nghiệp Hàn Quốc dẫn đầu về đầu tư vào tỉnh Đồng Nai

Lo ngại quy định thuế tối thiểu toàn cầu

Ông Hong Sun – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đưa ra một số đề xuất, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Cụ thể, liên quan đến việc Việt Nam áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu vào năm 2024, ông Hong Sun cho rằng, quy định này đang gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam về việc các ưu đãi thuế họ đang được hưởng có thể gần như vô nghĩa.

Doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất nhiều nội dung tạo thuận lợi cho đầu tư tại Việt Nam
Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Ảnh: Lê Quân)

Cụ thể, theo ông Hong Sun, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cơ bản của Việt Nam là 20%, tuy nhiên thuế suất có hiệu lực thực tế đối với các tập đoàn lớn có sự chênh lệch trong khoảng 5-10%, do đó nếu doanh nghiệp phải nộp khoản thuế đối với mức chênh lệch này thì hiệu quả miễn giảm thuế hiện tại sẽ bị mất đi.

Nội dung dự thảo Nghị định được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai lấy ý kiến bao gồm kế hoạch thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư, nhằm thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và các nội dung về ưu đãi hỗ trợ, phạm vi và phương pháp hỗ trợ thông qua Quỹ Hỗ trợ đầu tư, tuy nhiên mức hỗ trợ chưa rõ ràng nên chưa đủ để thu hút sự quan tâm và đồng tình từ các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, theo nội dung của dự thảo Nghị định này, đối tượng hỗ trợ chỉ giới hạn ở quy mô vốn đầu tư từ 500 triệu USD trở lên, gây ra lo ngại về việc số doanh nghiệp có khả năng được hưởng hỗ trợ rất ít và phần lớn doanh nghiệp nước ngoài không được hưởng ưu đãi. Trường hợp hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp này bị thu hẹp lại do quy định này, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn bộ các doanh nghiệp cung ứng đã đầu tư vào Việt Nam theo doanh nghiệp đó, cuối cùng sẽ gây ra trở ngại cho việc mở rộng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, đại hiện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc đề nghị, Chính phủ Việt Nam sẽ phân tích kỹ lưỡng và dự báo tác động của việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, lấy ý kiến rộng rãi của các ngành về nội dung Nghị định để sửa đổi, bổ sung, qua đó có biện pháp để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất nhiều nội dung tạo thuận lợi cho đầu tư tại Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng, thời gian và chi phí xin phê duyệt báo cáo tác động môi trường gia tăng, gây ra gánh nặng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

Báo cáo đánh giác tác động môi trường đang làm tốn chi phí của doanh nghiệp

Liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường, ông Hong Sun cho rằng, đối với các doanh nghiệp sản xuất đầu tư vào Việt Nam, căn cứ theo Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam được sửa đổi từ ngày 1/1/2022, thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường được thay đổi từ cấp tỉnh thành cấp cơ quan trung ương, cụ thể là Bộ Tài nguyên và Môi trường, tùy theo khả năng gây ô nhiễm môi trường và công suất.

“Điều này khiến thời gian và chi phí xin phê duyệt báo cáo tác động môi trường gia tăng, gây ra gánh nặng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp” – ông Hong Sun khẳng định.

Bên cạnh đó, phụ lục được ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP có quy định rõ danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên trên thực tế ngay cả dự án sản xuất sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường như: Linh kiện, thiết bị điện, điện tử nếu có công suất vượt quá mức tiêu chuẩn (từ 1.000 tấn sản phẩm/năm hoặc 1 triệu thiết bị, linh kiện/năm trở lên) thì cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng không phải là cấp tỉnh mà là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, ngay cả trường hợp mở rộng nhà máy thông qua đầu tư bổ sung hay đầu tư mới, nếu vượt quá điều kiện này cũng phải xin phê duyệt từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong khi đó, theo ông Hong Sun, đa phần các doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện tử đều có công suất trên 1 triệu linh kiện, thiết bị/tháng nên hầu hết các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện và điện tử của Hàn Quốc sẽ thuộc diện đối tượng này. Với lý do đó, các doanh nghiệp cần xin phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường mới, như doanh nghiệp đầu tư mới hoặc doanh nghiệp đầu tư mở rộng đều lo ngại về việc thời gian kéo dài và phát sinh nhiều chi phí, gây ra khó khăn cho kế hoạch sản xuất của nhà máy.

Bởi hiện nay, thời gian đánh giá tác động môi trường đang mất ít nhất từ 2 tháng (60 ngày) đến 3 tháng (90 ngày), hồ sơ trình xin phê duyệt cũng tăng khoảng 50-60% so với hồ sơ đã nộp trước đây để xin phê duyệt ở cấp tỉnh. Điều này đang là trở ngại cho hoạt động đầu tư nhanh chóng của các nhà đầu tư.

Do đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất, cần điều chỉnh có tính thực tế các tiêu chí để Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cụ thể, thay vì mất 60 đến 90 ngày như hiện nay, báo cáo đánh giá tác động môi trường nên có thời gian giải quyết trong khoảng 30-40 ngày, nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương