Nhằm giúp các nhà đầu tư cá nhân kết nối với các cơ quan hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, các chuyên gia tư vấn để chủ động nắm bắt thông tin, linh hoạt, chủ động tìm kiếm cơ hội, lựa chọn kênh đầu tư hiệu quả với các sản phẩm đầu tư từ các đơn vị uy tín. Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023) với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy”.
Diễn đàn thu hút 300 khách tham dự trực tiếp là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp niêm yết, công chúng đầu tư. Đồng thời, diễn đàn thu hút lượng lớn người xem trực tuyến trên các nền tảng báo điện tử, mạng xã hội của Báo Đầu tư, Cộng đồng cố vấn tài chính Việt Nam.
Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023: “Bơi trong dòng xoáy” |
Bơi trong dòng xoáy
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp. Trong khi hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn kéo dài thì xung đột Nga - Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt… Tất cả khiến kinh tế toàn cầu đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Những khó khăn, thách thức được Thứ trưởng Trần Quốc Phương chỉ ra gồm: lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ bị thắt chặt, lãi suất tăng cao và kéo dài, dẫn đến suy giảm tăng trưởng và cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia, đối tác lớn của Việt Nam, như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, là một nền kinh tế có độ mở lớn, nhưng khả năng thích ứng, sức chống chịu đối với các cú sốc bên ngoài, cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới.
"Chúng ta đã chịu "tác động kép", không chỉ từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài, mà còn từ những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm qua. Đó là tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài; các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp, dự án thua lỗ, chậm tiến độ dù đang được xử lý nhưng chưa thực sự dứt điểm và hiệu quả; các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều bất cập..." - ông Phương nhấn mạnh.
Bởi thế, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù rất nỗ lực và đã có những tín hiệu khả quan hơn, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm mới ước đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Điều này đặt áp lực nặng nề lên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay.
Hơn thế, điều đáng quan ngại là hiện nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch Covid-19, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng…
Bên cạnh đó, các thách thức lớn hiện nay là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chào bán chứng khoán còn khó khăn… Dư nợ tín dụng đến hết tháng 6 chỉ tăng 4,28%, thấp hơn so với con số 9,44% của cùng kỳ năm 2022.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại diễn đàn |
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư buộc phải chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư trong bối cảnh thị trường mua bán sáp nhập (M&A) không thuận lợi, hoặc chưa muốn vay do sản xuất - kinh doanh đình trệ, không có lãi. Việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức…
"Có thể nói, các doanh nghiệp nói riêng, cả nền kinh tế nói chung, đang phải “bơi trong dòng xoáy khó khăn”. Thị trường tài chính Việt Nam cũng vậy, không chỉ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà còn cả thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… đang đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có" - Thứ trưởng Phương nói.
Ông Phương nhận định, điểm tích cực là xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn. Các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công… đều cho thấy điều đó. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 đã tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước… Tính chung 7 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài đã lần đầu tiên trong năm tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 16,24 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 195,4 tỷ USD, vẫn giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất siêu trên 16,5 tỷ USD…
“Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kể từ đầu năm tới nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực” - Thứ trưởng Phương khẳng định.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, trong những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ cả tình hình thế giới, khu vực biến động khó lường và những hạn chế, khó khăn trong nội tại của nền kinh tế. Để kinh tế Việt Nam có thể trụ vững và tiếp tục tăng trưởng và phát triển, để khu vực doanh nghiệp được tiếp sức vượt qua khó khăn, sự vững mạnh của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có ý nghĩa rất quan trọng.
“Trong bối cảnh đó, tôi mong rằng, Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam, với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy” với các phiên thảo luận chuyên sâu để “Giải mã biến số” và “Truy tìm cơ hội”, với sự tham gia của các diễn giả sẽ cùng phân tích, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về kinh tế vĩ mô Việt Nam, đặc biệt là thị trường tài chính, tiền tệ, những thách thức và cơ hội, các triển vọng trong tương lai, từ đó đưa ra giải pháp nhằm phát triển các thị trường này, hỗ trợ không chỉ hệ thống tài chính - ngân hàng, các công ty chứng khoán, cộng đồng doanh nghiệp nói chung… vượt thách thức, đón bắt cơ hội, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc, phát triển” - Thứ trưởng Phương bày tỏ.
Giải mã biến số
Trước đó, phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng, Việt Nam đang trong một môi trường đầu tư, kinh doanh với rất nhiều biến số cần giải mã. Chỉ trong vòng một năm, nền kinh tế thế giới và trong nước chứng kiến sự đảo chiều liên tục của những dòng chảy thông tin, dự báo và sự kiện. Những lo sợ về cơn bão lạm phát và "bóng ma" suy thoái ở các nền kinh tế lớn vẫn còn hiện hữu, nhưng bắt đầu được đan xen bằng những dòng chảy lạc quan, tích cực với sự hậu thuẫn của những dữ liệu thống kê cho thấy thực tế đang “không xấu như dự kiến”. Nhưng liệu những lo lắng đó có là thái quá hay sự lạc quan có đến hơi sớm vẫn cần được cắt nghĩa và giải đáp.
“Môi trường đó giống như một dòng xoáy buộc các nhà đầu tư, kinh doanh phải ngụp lặn để truy tìm cơ hội - những cơ hội ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ khi có nhiều thêm những biến số phức tạp và khó giải mã. Những câu hỏi như lớp tài sản nào nên ưu tiên, nhóm ngành nào sẽ vượt lên thời gian tới, đâu là những xu hướng đầu tư đang nổi lên… sẽ khó trả lời hơn trong một môi trường đầu tư đã thiết lập trạng thái mới nhưng không hề dễ thích ứng bởi sự xuất hiện của những vấn đề tinh vi, phức tạp và chưa từng có tiền lệ. Trong các vùng xoáy đó, những cố vấn tài chính chuyên nghiệp, tài năng và tâm huyết sẽ là một sự lựa chọn hữu ích để tiếp cận các kênh đầu tư hiện đại, đầy tiềm năng với tỷ suất sinh lời cao nhưng giảm bớt được rủi ro” - ông Lê Trọng Minh khẳng định.
Trong hai phiên thảo luận “Giải mã biến số” và “Truy tìm cơ hội” diễn ra chiều nay, các diễn giả sẽ cùng phân tích, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về kinh tế toàn cầu, cũng như kinh tế vĩ mô Việt Nam, đặc biệt là thị trường tài chính, tiền tệ, những thách thức và cơ hội, các triển vọng trong tương lai, từ đó đưa ra giải pháp nhằm phát triển các thị trường này, hỗ trợ không chỉ hệ thống tài chính - ngân hàng, các công ty chứng khoán, cộng đồng doanh nghiệp nói chung… vượt thách thức, đón bắt cơ hội, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc, phát triển.
Hoàng Lan