Theo chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu, nếu nguồn vốn dài hạn được coi là “huyết mạch” đối với DN, thì vốn lưu động chính là bài toán cấp thiết để duy trì hoạt động kinh doanh và đây có thể xem là một trong rất nhiều thách thức mà doanh nghiệp (DN) phải đối mặt trong thời hậu Covid.
Còn theo bà Đỗ Thị Minh, Giám đốc công ty Cổ phần Đô thị Việt Úc, nếu không lập tức bổ sung nguồn vốn lưu động, các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị ngưng trệ, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ sản xuất cũng như uy tín của DN, thậm chí là mất đi cơ hội kinh doanh.
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, việc tiếp cận nguồn vốn vay tại ngân hàng vốn luôn là “cánh cửa hẹp” đối với các DN vừa và nhỏ, bởi đặc thù thiếu tài sản đảm bảo và các thủ tục thẩm định phức tạp. Đặc biệt sau Covid, ngân hàng lo nợ xấu nên không thể hạ điều kiện tín dụng và ngày càng thận trọng hơn trong quá trình thẩm định.
Giải pháp từ các mô hình huy động vốn tiên tiến
Đứng trước thách thức về tài chính, nhiều DN vừa và nhỏ đã tìm đến giải pháp huy động vốn P2P Lending (cho vay ngang hàng) – mô hình huy động vốn kết nối cộng đồng nhà đầu tư trên nền tảng công nghệ 4.0 trực tuyến.
Thông qua trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn (Big Data), P2P Lending có khả năng hỗ trợ thẩm định, phê duyệt hồ sơ nhanh chóng, đáp ứng vốn lên đến 1 tỷ đồng, thời hạn linh hoạt từ 10 đến 90 ngày, đảm bảo nguồn vốn lưu động kịp thời cho DN.
Là một trong những DN đã huy động vốn thành công nhiều lần trên các sàn P2P Lending, bà Đỗ Thị Minh nhận xét các thủ tục qua P2P Lending rất nhanh gọn, tiện lợi. DN chỉ cần xác nhận khoản vay qua mail và điện thoại, và nếu qua được quá trình thẩm định thì dù ở bất kỳ đâu, P2P Lending đều có thể chấp nhận khoản vay này.
“DN mới lên sàn huy động thì có thể mất đến 2 ngày. Nhưng khi đã trở thành khách hàng thường xuyên thì chỉ trong vòng 1 ngày, DN đã có thể nhận được vốn vay”, bà Minh nói.
Về lãi suất, cũng theo bà Minh, lãi suất mà DN đang huy động qua 1 kênh P2P trung bình thường là 16-17%/năm. Mặc dù có chênh so với lãi suất ngân hàng (9-11%/năm), nhưng thời hạn vay vốn lưu động chỉ trong tối đa 1 vài tháng nên khoản lãi chênh lệch này không đáng kể.
“Quan trọng hơn, với DN, thời gian là vàng bởi đôi khi chỉ cần chậm 1 ngày so với hợp đồng thì tiền phạt đã lên tới hàng trăm triệu hoặc hơn. Với những DN đang cần giải ngân gấp cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì lãi suất hàng chục % mỗi năm vẫn có thể xem là hợp lý, chứ chưa nói đến mức lãi tương đối “mềm mại” nói trên”, Giám đốc một DN sản xuất hàng gia dụng tại Hà Nội nhận định.
Quản trị rủi ro tối ưu
Tuy nhiên, huy động vốn qua mô hình P2P Lending cũng đang đặt ra nhiều câu hỏi về hệ thống quản trị rủi ro. Cách thức kiểm soát các DN lên sàn như thế nào để giảm thiểu rủi ro tối đa cho nhà đầu tư, đồng thời cũng đảm bảo tính bền vững cho một kênh huy động vốn mới, hiệu quả cho DN?
Chia sẻ trải nghiệm thực tế khi huy động vốn tại VNVON.COM - một sàn P2P Lending dành riêng cho DN đang rất được chú ý gần đây, bà Minh nhận định dù thủ tục đơn giản nhưng “hoàn toàn không dễ để có mặt trên hệ thống của DN P2P Lending này”. Công ty bà Minh phải trải qua quy trình thẩm định chặt chẽ và chỉ khi đội ngũ thẩm định xác nhận “sức khỏe tài chính” – chỉ tiêu trên báo cáo và nguồn tài chính rõ ràng, bảo đảm thì DN mới đủ điều kiện lên sàn.
“Chỉ cần một tiêu chí không đáp ứng, đặc biệt là có tiền sử về nợ xấu thì DN chắc chắn sẽ bị loại khỏi hệ thống. Ngoài ra, DN cũng cần có những giải trình cụ thể về mục tiêu huy động vốn vay. Ví dụ, tôi muốn huy động 1 tỷ đồng, tôi cần chứng minh 1 tỷ đồng này nhằm giải ngân cho dự án nào, hợp đồng ký kết đến đâu…”, bà Minh nói và nhận định rằng chính những yếu tố này đã khiến DN của bà cũng như nhà đầu tư có thêm niềm tin vào mô hình huy động vốn nhiều lợi thế này.
“DN của tôi lên sàn VNVON có khi chỉ mất chưa đầy 1 tiếng là huy động được số vốn mong muốn. Và rất bất ngờ khi nhà đầu tư có nhiều người chính là cán bộ nhân viên của mình. Có bạn chia sẻ là ngồi chờ cả buổi sáng, đợi DN lên sàn để góp vốn, vì nếu mang đi gửi tiết kiệm mấy chục triệu đồng thì lãi suất không đáng là bao. Có những câu chuyện như vậy để thấy rằng mô hình này đang thực sự mang lại nhiều lợi ích cho cả cộng đồng DN lẫn nhà đầu tư”, bà Minh cho hay.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến Dự thảo quy định về cơ chế thử nghiệm (Sandbox) có kiểm soát cho hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có P2P Lending. Thông tin này được cho là sẽ tạo ra cơ chế hiệu quả hơn cho một kênh tiếp cận vốn mới, linh hoạt và thuận tiện cho cộng đồng DN Việt Nam.
Hải Linh
Theo Tạp chí Người làm báo (Link gốc)