Doanh nghiệp tư nhân được hành nghề công chứng: Vẫn còn nhiều băn khoăn

13/08/2024 - 22:54
(Bankviet.com) Một số ý kiến đề nghị quy định mô hình tổ chức của văn phòng công chứng chỉ là công ty hợp danh như dự thảo Luật do Chính phủ trình.
Đề nghị bổ sung tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân Xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Đề xuất độ tuổi hành nghề của công chứng viên đến 70 tuổi

Bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ của quy định về công chứng điện tử

Ngày 13/8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: QH)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: QH)

Báo cáo một số vấn lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về các loại giao dịch phải công chứng để thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật.

Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật thống nhất với Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị không quy định cụ thể trong Luật Công chứng các loại giao dịch phải công chứng (giữ quy định của dự thảo Luật như Chính phủ trình trên cơ sở kế thừa Luật Công chứng hiện hành).

Điều đó phù hợp với tính chất của Luật Công chứng là luật hình thức và tập trung quy định về trình tự, thủ tục công chứng, không điều chỉnh loại giao dịch nào phải công chứng để tránh chồng lấn với luật nội dung và gây ra sự thiếu ổn định của Luật khi các luật nội dung thay đổi phạm vi giao dịch phải công chứng; phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, để tăng cường tính minh bạch trong áp dụng pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu công chứng giao dịch, loại ý kiến này đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thống kê các giao dịch bắt buộc phải công chứng, chứng thực đang được quy định tại các luật, nghị định, thông tư để xây dựng Danh mục các giao dịch phải được công chứng, chứng thực và công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; bổ sung vào Điều 71 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc xây dựng Danh mục và thường xuyên rà soát, cập nhật Danh mục này để bảo đảm đầy đủ, chính xác.

Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật một điều quy định về các giao dịch phải công chứng trên cơ sở rà soát, tổng hợp các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành.

Về công chứng điện tử (mục 3 Chương V), theo ông Hoàng Thanh Tùng, vấn đề này có một số nhóm ý kiến như sau: Nhất trí với quy định của dự thảo Luật; đề nghị giới hạn một số giao dịch không được công chứng điện tử như giao dịch bất động sản, thừa kế để bảo đảm yêu cầu chặt chẽ của công chứng nội dung; cần thực hiện thí điểm công chứng điện tử hoặc giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện; đề nghị cụ thể hóa quy trình, thủ tục công chứng điện tử hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ của quy định về công chứng điện tử, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị tiếp thu, giải trình nội dung này như sau: Chỉnh lý điểm b khoản 1 Điều 62 của dự thảo Luật theo hướng làm rõ: Công chứng điện tử trực tuyến là việc các bên tham gia giao dịch dân sự có yêu cầu công chứng không có mặt tại cùng một địa điểm và giao kết giao dịch thông qua phương tiện trực tuyến trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên.

Với quy định này, mọi hoạt động của người yêu cầu công chứng khi xác lập giao dịch đều phải có sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên nên hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của việc công chứng nội dung theo phương thức truyền thống.

Do công chứng điện tử là vấn đề mới, để bảo đảm tính ổn định của Luật và tính khả thi, dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề cơ bản về công chứng điện tử, đồng thời giao Chính phủ quy định phạm vi các giao dịch được công chứng điện tử, lộ trình thực hiện, quy trình, thủ tục cụ thể trong công chứng điện tử.

Cân nhắc quy định về mô hình văn phòng công chứng

Liên quan tới một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng (Điều 20), một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về mô hình của văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

Một số ý kiến đề nghị các phương án như sau: Văn phòng công chứng được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; Loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân áp dụng đối với văn phòng công chứng được thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.

Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị tiếp tục kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định mô hình tổ chức của văn phòng công chứng chỉ là công ty hợp danh như dự thảo Luật do Chính phủ trình nhằm bảo đảm tính ổn định của loại hình tổ chức này, đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, phù hợp với tính chất của dịch vụ công chứng là dịch vụ công nên yêu cầu quan trọng là phải bảo đảm tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ.

"Văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân do 1 công chứng viên làm chủ khó đáp ứng được yêu cầu này" - ông Hoàng Thanh Tùng nêu, đồng thời cho hay, một số bất cập trong thực tiễn liên quan đến mô hình công ty hợp danh của văn phòng công chứng đã được giải quyết bằng các quy định của dự thảo Luật về trách nhiệm và nghĩa vụ của công chứng viên khi chấm dứt tư cách thành viên hợp danh.

Nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về mô hình văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh trên phạm vi cả nước hoặc quy định theo hướng: Loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với văn phòng công chứng thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh. Quy định này có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập văn phòng công chứng.

Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định cho phép văn phòng công chứng được thuê công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động, qua đó đã khắc phục được những bất cập của văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân phụ thuộc vào 1 công chứng viên duy nhất.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương