Doanh nghiệp Việt sẵn sàng vào sân chơi mới

28/12/2023 - 22:21
(Bankviet.com) Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) được ký ngày 5/5/2015 đã mở ra một chương mới trong quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia và tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm- Giám đốc điều hành Hệ thống sản xuất gia dụng, Tổng công ty CP Phong Phú (PPC):

Sản xuất hàng phù hợp nhu cầu thị trường

Phong Phú đánh giá rất cao về thị trường đầy tiềm năng Hàn Quốc đối với sản phẩm khăn bông. Hiện nay, Phong Phú đã xuất khẩu khăn bông cho một số khách hàng ở thị trường Hàn Quốc, nhưng số lượng và trị giá chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường.

Việt Nam hiện đang chiếm tỷ lệ khăn nhập khẩu cao nhất vào Hàn Quốc. Tuy nhiên, sản phẩm khăn xuất khẩu cho Hàn Quốc chủ yếu là khăn giá rẻ của các doanh nghiệp phía Bắc. Hầu hết sản phẩm trung và cao cấp do các công ty FDI của Hàn Quốc thực hiện. Vì vậy, chính sách, tâm lý ưu tiên hàng của doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất (nội địa hoặc FDI) là một trong những khó khăn đối với việc mở rộng thị trường Hàn Quốc.

Tâm lý của nhà nhập khẩu Hàn Quốc đối với hàng Việt Nam là tìm nguồn hàng giá rẻ, chất lượng thấp. Do đó, Phong Phú đang xúc tiến nghiên cứu để sản xuất khăn giá rẻ phù hợp với nhu cầu của khách hàng trên thị trường Hàn Quốc.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) được ký ngày 5/5/2015 đã mở ra một chương mới trong quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia và tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc. Định hướng mở rộng thị trường của Phong Phú trong thời gian tới là tích cực tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, tiếp cận các nhà nhập khẩu tiềm năng của Hàn Quốc, phát triển các mặt hàng chất lượng phù hợp với thị hiếu của thị trường...

Bà Huỳnh Thị Cẩm Châu- Phó giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới:

Hàn Quốc là thị trường tiềm năng

Công ty đánh giá thị trường Hàn Quốc là một trong những thị trường tiềm năng. Công ty đang xem xét việc mở rộng thị phần tại đây, tuy nhiên, việc giao dịch không được tiến triển nhanh do số khách hàng Hàn Quốc quan tâm đến sản phẩm của công ty không nhiều như những thị trường khác.

Trong thời gian qua, công ty đã tiếp xúc với đại diện của Tập đoàn Lotte Hàn Quốc, đã bán hàng qua Lotte Việt Nam nhưng doanh thu còn ít. Trong quá trình làm việc, phía Hàn Quốc có nhiều đánh giá cao về các sản phẩm của Công ty Lương Quới nhưng hiện vẫn chưa nhận được các phản hồi tích cực tiếp theo.

Ông ODA HIROYUKI Giám đốc Công ty cuộc sống tốt lành (Goodlife):

Vướng về điều kiện xuất khẩu

Thị trường Hàn Quốc là một thị trường tiềm năng đối với các loại trái cây xuất khẩu như: Thanh long, xoài, dừa, dứa, sầu riêng, chuối... Hiện nay, Goodlife gặp khó khăn là bị hạn chế vùng trồng xoài, phía Hàn Quốc giới hạn những công ty có nhà máy đặt tại Đồng bằng sông Cửu Long thì mới được xuất khẩu xoài sang thị trường Hàn Quốc. Nhưng nhà máy của GoodLife lại nằm ở Củ Chi, do đó vẫn chưa được phép xuất khẩu xoài đi Hàn Quốc. Do vậy đề nghị các cơ quan quản lý các cấp gỡ khó cho doanh nghiệp trong vấn đề này.

BàNguyễn Thị Thanh Hà Phó giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (Hưng Yên):

Tạo kết nối giao thương thực sự

Thị trường Hàn quốc nằm trong thị trường chiến lược của Thanh Bình. Tuy nhiên, thiếu chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong việc xây dựng thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế, việc xây dựng thương hiệu Việt vô cùng khó khăn, dường như là bất khả thi, nên trên 90% doanh nghiệp Việt chọn con đường OEM (làm gia công) cho các công ty nước ngoài. Thiết nghĩ, cần nhiều và nhiều hơn nữa kỳ hội chợ quốc tế, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Hàn Quốc, nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng Hàn Quốc các sản phẩm của Việt Nam, các hoạt động kết nối giao thương thực sự giữa các nhà phân phối, các doanh nhân Hàn Quốc có nhu cầu giao thương với doanh nghiệp Việt.

Công ty Thanh Bình hoạt động trong lĩnh vực dệt may- lĩnh vực được cho là còn rất nhiều cơ hội trong việc thâm nhập thị trường nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc. Sản phẩm của Thanh Bình được coi là sản phẩm ngách của lĩnh vực dệt may, mặt hàng chính là chăn- ga- gối- đệm với thương hiệu Grand. Ngoài ra, Thanh Bình còn phát triển thêm bông- sản phẩm phụ trợ quan trọng không thể thiếu trong lĩnh vực may mặc. Hai mặt hàng này của Thanh Bình đã và đang phát triển rất tốt tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, với mong muốn mang sản phẩm thương hiệu Việt ra thị trường quốc tế, những năm qua, Thanh Bình đã tham gia rất nhiều kỳ hội chợ quốc tế, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.

BàLê Thị Hương Giám đốc Công ty TNHH sợi dệt nhuộm may Phúc An:

Doanh nghiệp nhỏ gặp khó

Hàn Quốc là thị trường tiềm năng của các doanh nghiệp sản xuất may mặc. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang ngày càng phát triển các công nghệ mới để tạo ra được những tính năng cần thiết, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng như: Vải thấm hút mồ hôi nhanh, khử mùi hôi, chống tia cực tím... Điểm thuận lợi cho hàng may mặc xuất khẩu đi Hàn Quốc là được phép sử dụng mẫu AK miễn thuế. Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn khi ký kết hợp đồng với phía Hàn Quốc, do các nhà xưởng của Việt Nam chưa thể đáp ứng ngay theo quy chuẩn, các bên cần tạo điều kiện hỗ trợ trong thời gian đầu để doanh nghiệp nhỏ Việt Nam cải thiện từng bước và có cơ hội tiếp cận thị trường.

TIN LIÊN QUAN
VKFTA- Rộng đường cho nông thủy sản Việt
VKFTA: Cơ hội cho doanh nghiệp XK thủy sản Việt nam
VKFTA sẽ giúp quan hệ Việt-Hàn đi vào thực chất và hiệu quả
VKFTA - Cam kết cắt giảm 762 dòng thuế

Lan Anh (ghi)

Theo: Báo Công Thương