Thị trường cà phê đã và đang có nhiều biến động về giá cả và nguồn cung. Tình hình hạn hán trên thế giới đã tác động mạnh đến nguồn cung cà phê trên thế giới. Bên cạnh đó, sự thay đổi về tỷ giá đã và đang khiến giá cà phê biến động thất thường.
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, cà phê là mặt hàng có mức sụt giảm mạnh nhất trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới. Trong đó, giá cà phê Arabica hạ 3,32% xuống 5.095,98 USD/tấn; giá cà phê Robusta cũng lao dốc tới 3,44%, xuống 4.327 USD/tấn.
Tỷ giá USD/BRL dần leo lại mức cao nhất trong hơn hai năm đã tạo áp lực lên diễn biến giá. Chỉ số Dollar Index giảm nhẹ, trong khi đồng Real nội tệ của Brazil yếu đi đã đẩy tỷ giá USD/BRL tăng 1,24%. Việc đồng USD mạnh so với đồng Real tạo tâm lý nông dân Brazil sẽ đẩy mạnh bán cà phê do thu về nhiều ngoại tệ hơn, nguồn cung trên thị trường dồi dào hơn, từ đó gây sức ép lên giá.
Ngoài ra, báo cáo tiến độ cho thấy Brazil vẫn đang đẩy mạnh hoạt động thu hoạch cà phê. Theo hãng tư vấn Sfras&Mercado, tính đến ngày 17/7, Brazil đã thu hoạch 74% sản lượng cà phê vụ 2024-2025, cao hơn mức 66% của cùng kỳ năm ngoái và 70% của trung bình 5 năm gần nhất. Thời tiết khô ráo dự kiến sẽ nông dân Brazil đẩy nhanh tốc độ, hướng tới việc hoàn thành sớm hoạt động thu hoạch vụ này.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (25/7), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ diễn biến đồng pha với giá thế giới khi giảm so với ngày hôm qua, hiện dao động quanh 124.000 - 124.700 đồng/kg đồng/kg.
Quan sát trong 10 ngày qua, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2024 trên sàn ICE Futures Europe đã giảm 5,0%, từ 4.617 USD/tấn về 4.386 USD/tấn. Tương tự, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 trên sàn ICE Futures US giảm 6,2%, từ 248,30 US cent/lb về mức 232,85 US cent/lb hôm nay.
Mức giảm này được cho là nhờ vào sự phục hồi của tồn kho cà phê trên sàn ICE Futures US, với lượng tồn kho cà phê Robusta tăng lên mức cao nhất trong một năm trở lại đây.
Dù vậy, giá cà phê thế giới vẫn đang cao hơn 27% so với thời điểm đầu năm và đã tăng 47% trong vòng 12 tháng qua. Các chuyên gia giữ quan điểm rằng giá cà phê sẽ tiếp tục neo cao cho đến giữa năm sau trong bối cảnh chuỗi cung ứng chịu áp lực mạnh vì nguồn cung thiếu hụt.
Trong bối cảnh thị trường cà phê toàn cầu đang chứng kiến những biến động mạnh mẽ, giá cà phê tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng tăng giá. Các doanh nghiệp trong ngành cà phê đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung khi kho hàng dần cạn kiệt, đặc biệt là khi mùa thu hoạch mới chỉ bắt đầu vào tháng 10. Sự thiếu hụt này đã góp phần đẩy giá cà phê nhân lên mức cao chưa từng có, tạo ra áp lực lớn lên cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Các địa phương đang nỗ lực nâng cao chất lượng cà phê |
Trong bối cảnh đó, các địa phương, doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư cho chất lượng cà phê. Đơn cử, Lâm Đồng hiện có gần 176.000 ha cà phê với sản lượng bình quân đạt 600.000 tấn/năm. Lâm Đồng đang định hướng sản xuất nông nghiệp bền vững nói chung, sản xuất cà phê nói riêng. Nguồn nước tưới dành cho cà phê, quá trình chăm sóc không dùng thuốc bảo vệ thực vật, hóa học để canh tác bền vững và sản xuất có trách nhiệm với thiên nhiên. Làm được những điều này là ngành cà phê đã thực hiện rất tốt vấn đề sản xuất nông nghiệp không gây mất rừng mà còn tăng cao giá trị.
Đắk Lắk hiện là địa phương có diện tích sản xuất cà phê lớn nhất cả nước. Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 (doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê chủ lực tại Đắk Lắk) đang đặt mục tiêu trong năm 2024, xuất khẩu 125.000 tấn cà phê. Điểm tựa cho mục tiêu này là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 đã liên kết với gần 50.000 hộ dân để thực hành sản xuất nông nghiệp bền vững.
Đến nay, theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai, sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 148.000 tấn với trị giá 452 triệu USD. Sản lượng cà phê xuất khẩu chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH MTV Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hoa Trang, Công ty TNHH MTV Sơn Huyền Phát Gia Lai. Trong đó, Cà phê Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp nổi tiếng trong ngành cà phê vì chủ trương đẩy mạnh sản xuất theo hướng xanh, sạch, hữu cơ.