Doanh nghiệp xuất khẩu: Chủ động ứng phó thách thức Xuất khẩu thủy sản tìm hướng giảm tác động từ lạm phát Doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì để vượt “rào cản” kỹ thuật các thị trường FTA |
Nỗ lực xoay chuyển đơn hàng, tìm kiếm thị trường
Những tháng cuối năm, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Trung An đang tăng tốc đóng hàng để xuất khẩu sang Châu Âu (EU), từ hơn 1 tháng nay, lượng đơn hàng tăng và giá gạo xuất khẩu cũng tăng mạnh. Hầu hết các loại gạo thơm, gạo 5% tấm, 25% tấm và 100% tấm đều tăng rất lạc quan.
Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ: Gạo 5% tấm OM18 giá 570USD/tấn, gạo 5% tấm Đài Thơm 8 xuất khẩu đi EU đã có giá 650USD/tấn giá CIF (giá của bên bán hàng đã bao gồm giá thành của sản phẩm, cước phí vận chuyển và phí bảo hiểm). Đơn hàng về nhiều, lại vào thời điểm cuối năm hàng tồn không có nhiều nên Trung An đang rất nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của đối tác.
Với ngành dệt may, mặc dù ngành dệt may đạt được thành tích kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp dệt may đang thiếu đơn hàng trong những tháng cuối năm.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh, cho hay, tình hình xuất khẩu sẽ còn khó khăn trong những tháng cuối năm nay. Thời điểm này các doanh nghiệp đang xoay xở để duy trì hoạt động, những doanh nghiệp lớn có đơn hàng dồi dào có xu hướng chia sẻ đơn hàng cho doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Một số khác tìm cơ hội ngắn hạn ở thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang thực hiện liên kết để tìm kiếm đơn hàng ở thị trường mới. Chẳng hạn các doanh nghiệp thuộc Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh gần đây có liên kết với các doanh nghiệp tại Ấn Độ, Pakistan nhằm trao đổi đơn hàng vào các thị trường này.
Doanh nghiệp dệt may nỗ lực xoay chuyển đơn hàng |
Tương tự, với ngành thủy sản, bà Nguyễn Thu Sắc - Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cho biết, để giữ đơn hàng, giữ thị trường trong bối cảnh lạm phát, doanh nghiệp đã chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng ở phân khúc trung bình. Đồng thời mở rộng thêm kênh online, tạo điều kiện tốt nhất cho người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành khác thuộc nhóm nông, lâm, thuỷ sản đã nỗ lực vượt bậc để mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng, qua đó góp phần giữ đà tăng trưởng xuất khẩu của cả nước. Tính chung 9 tháng năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2%. Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6,9 tỷ USD, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, và cao hơn cả giá trị xuất siêu tổng thể của tất cả các nhóm ngành.
Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
Nhận định về sức cầu hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong quý cuối năm 2022, Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu tiêu dùng ở những thị trường là đối tác lớn của Việt Nam tuy chậm lại nhưng chưa giảm mạnh. Bởi, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới vẫn sẽ gia tăng dịp cuối năm. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng chung dự báo này.
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê về đơn đặt hàng xuất khẩu, xu hướng quý IV/2022 so với quý III/2022, có 37,1% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng mới; 44,9% số doanh nghiệp dự kiến ổn định; chỉ có 18% dự kiến giảm.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), ông Vũ Đức Giang, kỳ vọng với đà tăng trưởng hiện nay, xuất khẩu dệt may năm 2022 sẽ đạt 42-43 tỉ USD. Trước thực tế thị trường thế giới đột nhiên trở nên "lạnh", cầu của thế giới giảm mạnh do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao…, lãnh đạo Vitas tin tưởng với nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc "trả nợ" đơn hàng theo tiến độ đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, quản trị xanh hóa, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hoàn toàn có thể đạt được.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, những tháng cuối năm Bộ Công Thương sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.
Cụ thể, trong tháng 9, hàng loạt sự kiện xúc tiến thương mại được Bộ Công Thương tích cực triển khai trên khắp các thị trường xuất khẩu. Cụ thể, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ tổ chức đoàn cho các chủ doanh nghiệp Ấn Độ tham dự sự kiện lớn ở Bình Dương. Cục Xúc tiến thương mại còn định kỳ tổ chức hội nghị trực tuyến tham tán thương mại tại các quốc gia và vùng lãnh thổ, đối thoại trực tiếp với đại diện hiệp hội và các doanh nghiệp để cập nhật thông tin mới liên quan đến thị trường xuất khẩu.
Hà Duyên