Xây dựng kịch bản phát triển cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát Điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành rượu bia: Cần cân nhắc thời điểm |
Doanh thu ngành bia và rượu trên sàn thương mại điện tử tăng mạnh
Theo dữ liệu về doanh số của các sản phẩm đồ uống có cồn trên "chợ mạng": Shopee, Lazada, Tiki... mới được công bố gần đây cho thấy doanh thu của ngành bia và rượu trên các sàn thương mại điện tử tăng mạnh thời gian qua.
Báo cáo chỉ ra doanh thu nhóm ngành hàng đồ uống có cồn tăng trưởng 12% trong 6 tháng cuối năm 2023.
Trong đó, riêng các doanh nghiệp bia kinh doanh trên các sàn đạt tổng doanh thu 351 tỉ đồng trong năm 2023. Tuy con số này còn khiêm tốn so với tổng dung lượng thị trường bia nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng doanh thu 11% trong nửa cuối năm 2023 so với nửa đầu.
Nếu chỉ tính riêng sàn Shopee, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng bia lên đến 154%, từ 34,9 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, vọt lên 88,7 tỉ đồng trong 6 tháng cuối năm 2023.
Nhiều mặt sản phẩm đồ uống có cồn được bán tràn lan trên mạng |
Nguyên nhân cho sự tăng trưởng này được các chuyên gia cho biết, là do nhiều nhãn hàng bia mùa cuối năm đã nỗ lực tìm ra kênh tăng trưởng bù cho kênh truyền thống. Các nhãn hàng đã đẩy mạnh hơn hoạt động quảng bá, khuyến mãi trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là trên Shopee Mall.
Thêm nữa, hiện nay người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm khi mua sắm. Họ muốn mua từ các shop chính hãng vì nỗi lo hàng giả hoặc hàng quá hạn.
Đây là tín hiệu cho các nhãn hàng đẩy mạnh shop chính hãng ở trên sàn thương mại điện tử vì dữ liệu cho thấy người tiêu dùng đang rất tin tưởng lựa chọn mua sắm từ các kênh này.
Ngoài ra, các chương trình khuyến mãi lớn của sàn, của nhãn hàng trên sàn đang tạo lực hấp dẫn cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, hiện nay đối tượng khách hàng Gen Z, Gen Y đã quá quen với việc mua sắm trên thương mại điện tử.
PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, trong những năm gần đây, mua sắm hàng hóa qua các trang thương mại điện tử đã trở thành một xu hướng tiêu dùng mới, đem lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và người bán hàng.
Trước xu thế đó, Luật Phòng chống tác hại rượu bia được Quốc hội thông qua năm 2019 và Nghị định 24/2020/ND-CP hướng dẫn thực hiện Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã chính thức cho phép kinh doanh rượu bia theo hình thức thương mại điện tử, kèm theo các quy định nhằm đảm bảo kinh doanh rượu hợp pháp, an toàn trên nền tảng thương mại điện tử.
Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp ngành đồ uống có cồn và thương nhân kinh doanh nhóm mặt hàng này, bởi các quy định pháp lý trên mở ra cơ hội mở rộng kênh kinh doanh, đồng thời đòi hỏi doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, tuân thủ pháp luật.
Khó kiểm soát đối tượng khách hàng dưới 18 tuổi
Bên cạnh những lợi thế, điều kiện thuận lợi giúp các nhãn hàng tiêu thụ được sản phẩm sau khoảng thời gian “ế” hàng. Tuy nhiên, việc buôn bán, tiêu thụ sản phẩm đồ uống có cồn trên mạng sẽ khiến các nhà quản lý khó quản lý nhóm độ tuổi chưa đủ 18 tuổi mua, bán trên các sàn.
Không chỉ vậy, nhiều mặt hàng quy định độ tuổi người mua hàng như thuốc lá, dược phẩm, game, sản phẩm người lớn... cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Theo số liệu thống kê của các sàn, hơn 500 nhãn hàng bia rượu các loại đang được đăng bán trên các sàn thương mại điện tử, trong khi con số này ở các hệ thống siêu thị chỉ vào khoảng 60 nhãn hàng.
Việc mua bán các loại đồ uống này cũng tiện lợi, đơn giản như các loại đồ uống thông thường khác.
Thông tin về các quy định hiện nay trong quản lý đối với lĩnh vực này, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội cho biết, tại Điều 6 Nghị định 24/2020/NĐ-CP quy định: “Tổ chức, cá nhân bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác bán rượu, bia phải thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia".
Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý người mua rượu trên sàn giao dịch thương mại điện tử đang gặp khó khăn trong việc xác định người đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua bia, rượu.
Phải áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nhằm kiểm soát hoạt động mua và nhận hàng đối với người chưa đủ 18 tuổi. |
Về hình thức thanh toán đối với kinh doanh rượu, bia trên sàn, Khoản 4 Điều 16 Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử bao gồm: “Áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt”.
Tuy nhiên, với cơ chế thông qua bên vận chuyển để giao hàng, việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ không áp dụng được triệt để, không đảm bảo xác định được người mua có đủ 18 tuổi hay không.
Mặt khác, hiện nay, các sản phẩm rượu được làm giả, nhái rất tinh vi, xuất hiện nhiều và được phân phối qua các sàn thương mại điện tử. Do đó, việc quản lý đầu vào chất lượng sản phẩm này gặp rất nhiều khó khăn đối với cơ quan quản lý nhà nước.
“Các quy định về quản lý kinh doanh rượu và thương mại điện tử cơ bản đã có, tuy nhiên, cần rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật khác có liên quan (quảng cáo, bưu chính,…) để quy định đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức kinh doanh rượu qua thương mại điện tử” - luật sư Tiền nhấn mạnh.
Đại diện Shopee cũng cho biết, sàn này đang áp dụng các hình thức kiểm soát đối với cả người mua lẫn người bán các sản phẩm đồ uống có cồn.
Theo đó, khi người mua tìm kiếm các sản phẩm thuộc ngành hàng "đồ uống có cồn", hệ thống sẽ tự động hiển thị thông báo yêu cầu xác nhận độ tuổi, phải trên 18 tuổi mới đủ điều kiện đặt mua các sản phẩm có cồn.
Người mua cũng được cảnh báo rằng đây là sản phẩm dành cho người trên 18 tuổi và khuyến cáo không được lái xe khi đã uống bia, rượu.
Với người bán, sàn sẽ tiến hành kiểm duyệt thông tin về nồng độ cồn và hạn sử dụng. Đối với rượu có nồng độ từ 5.5 trở lên, người bán cần cung cấp đủ hai loại chứng từ: giấy đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh rượu.
Chị Nguyễn Hà Thu - Đại lý chuyên cung cấp hàng sỉ tại Hà Nội cho biết, để đảm bảo an toàn và kiểm soát việc mua sắm trên sàn thương mại điện tử với những mặt hàng không được bán cho người dưới 18 tuổi, hơn hết cần tăng cường các biện pháp kiểm soát tuổi để đảm bảo rằng chỉ những người đủ tuổi mới có thể truy cập và mua các sản phẩm có cồn.
Đặc biệt, cần có các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để ngăn chặn việc bán hàng cho nhóm độ tuổi không phù hợp. Ưu tiên hàng đầu của các nhà quản lý kênh thương mại điện tử là tạo ra một môi trường mua sắm an toàn, đặc biệt là đối với người mua dưới 18 tuổi. Và quy trình hiện nay là chưa đủ đảm bảo yêu cầu trên.
Ngọc Linh