Độc đáo ngôi nhà được dựng bằng vỏ bom

29/04/2023 - 20:01
(Bankviet.com) Căn nhà độc lạ được dựng lên từ những vỏ bom mà ông Trần Công Chức đã dày công sưu tầm với mong muốn để người xem ghi nhớ 1 thời kỳ oanh liệt trên đất Quảng Trị
Quảng Trị: Có dự án nhà ở xã hội đầu tiên với số vốn 700 tỷ đồng Quảng Trị: Nhiều hoạt động diễn ra chào mừng mùa lễ hội năm 2023

Căn nhà "độc lạ" được dựng lên từ những vỏ bom, mảnh đạn mà ông Trần Công Chức, 54 tuổi, sống tại thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đã dày công sưu tầm với mong muốn để người xem ghi nhớ một thời kỳ oanh liệt trên "đất lửa" Quảng Trị.

Căn nhà độc đáo bằng vỏ bom chiến tranh

Quảng Trị, vùng đất lửa khốc liệt, nơi Vĩ tuyến 17 phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom của quân xâm lược dội xuống, sau khi chiến tranh kết thúc vẫn còn số lượng vỏ bom, đạn dày đặc rải khắp mảnh đất này.

Độc đáo ngôi nhà được dựng bằng vỏ bom
Cận cảnh một vỏ bom làm trụ cột nhà bom của ông Trần Công Chức

Từ yếu tố lịch sử để lại, ngày nay, tại tỉnh Quảng Trị, nhiều người dân đã sưu tầm "đặc sản" các loại vỏ bom, đạn để trang trí hay làm các vật dụng thường ngày.

Độc đáo hơn cả, là công trình ngôi nhà bằng vỏ bom của ông Chức nằm ngay tại cổng vào Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.

Ngôi nhà đang trong giai đoạn hoàn thiện, được dựng lên bởi gần 300 vỏ bom đạn các loại, được kết nối với nhau rất tỉ mẩn để tạo thành một căn nhà vỏ bom độc đáo: "Nhà bom của kỷ vật - Ký ức chiến tranh".

"Ngôi nhà bom" rộng gần 200 m2, được thiết kế theo lối kiến trúc nhà rường cột phương Đông với 4 mái, 18 cột. Mỗi cột được kết nối, hàn lại chắc chắn bởi 4 quả bom các loại có kích thước từ lớn cho đến nhỏ với tổng chiều cao gần 6m; mỗi cột nặng gần 2 tấn. Để dựng hoàn thành bộ khung ngôi nhà, chủ nhà đã mất một thời gian cùng với sự hỗ trợ của nhiều thợ lành nghề và máy móc.

Ông Chức cho biết để có được những cốt nhà bằng vỏ bom, ông đã tỉ mẩn từ đánh bóng hoen rỉ, rồi tỉ mỉ hàn, gò, chắp, nối các vỏ bom lớn nhỏ lại với nhau.

"Nghĩa trang Trường Sơn là nơi thiêng liêng, ngày ngày có nhiều người đến thăm viếng để thực hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Ngôi nhà được dựng lên ở đây mong muốn sẽ là một "mảnh ghép" kết nối ký ức chiến tranh với hòa bình, để ai đến đây cũng có cái nhìn trực quan hơn về bom đạn chiến tranh" - ông Chức chia sẻ.

Cất công đi tìm từng mảnh ghép chiến tranh

Chia sẻ với phóng viên, ông Chức cho hay, ý tưởng làm nhà bom được "nhen nhóm" khi ông mới ngoài 20 tuổi. Từ đó đến nay, khi có thời gian rảnh, ông lại đi sưu tầm các loại phế liệu chiến tranh. Sau khi xử lý an toàn hàng trăm vỏ bom, đạn các loại ông thuê xe mang về cất giữ để "ấp ủ" thực hiện ý tưởng của mình. Đã có hàng nghìn phế liệu chiến tranh được ông Chức sưu tầm từ nhiều vùng đất, địa lý khác nhau, rồi từ những cửa hàng thu mua phế liệu.

Độc đáo ngôi nhà được dựng bằng vỏ bom
Ngôi nhà bom được xây dựng lên từ hàng trăm vỏ bom đạn sót lại trong chiến tranh

"Tôi sinh ra và lớn lên trên miền đất lửa, ký ức về chiến tranh còn hằn sâu. Ngôi nhà bom là nơi lưu giữ những ký ức lịch sử của đất nước, nhắc nhở các thế hệ không bao giờ quên" - ông Chức chia sẻ.

Ngôi nhà làm bằng vỏ bom độc đáo này nằm trong quần thể Khu du lịch ký ức Trường Sơn, ngoài việc ngôi nhà bom, khuôn viên khu du lịch còn có những kiến trúc khác cho mọi người tham quan, tìm hiểu khi đến đây.

"Tôi muốn khi đến đây, mọi người được hồi tưởng, hiểu hơn về cuộc chiến tranh mà đất nước trải qua bằng những dấu tích sót lại, để thấu hiểu hơn về những gian khổ mà bộ đội ta ròng rã giữa rừng sâu thời kỳ kháng chiến để đi đến thắng lợi"- ông Chức bày tỏ.

Khu du lịch ký ức Trường Sơn và ngôi nhà bom sẽ được khánh thành và đưa vào phục vụ người dân và du khách dịp ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7) năm nay. Đây là dịp để mọi người dân đến đây được tham quan khu nhà làm bằng vỏ bom và các công trình tái hiện thời kỳ bộ đội ta kháng chiến chống quân xâm lược.

Ngôi nhà độc đáo bằng vỏ bom sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong thời gian tới, đây sẽ là một địa chỉ để các cựu chiến binh khi về Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn viếng đồng đội ghé lại để nhớ về một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Còn với các thế hệ trẻ, thông qua nhà bom và các kỷ vật trưng bày ở đây sẽ thêm hiểu và trân quý hơn về giá trị có được hòa bình.

Thành Long

Theo: Báo Công Thương