Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, là chương trình hành động cụ thể của ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh phối hợp với sở, ngành, quận, huyện và các hiệp hội doanh nghiệp thực hiện theo sáng kiến chỉ đạo của UBND Thành phố. Mục tiêu ban đầu đề ra là đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn vay và giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp khi kinh tế vĩ mô gặp khó khăn, lạm phát và lãi suất tăng cao trong giai đoạn 2008-2013 do tác động ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu.
Từ đó đến nay, chương trình đã được tổ chức triển khai thực hiện thường xuyên và có sự điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế mỗi giai đoạn và trong từng năm. Nhưng tất cả đều vì mục tiêu chung là hỗ trợ doanh nghiệp; kết nối ngân hàng với doanh nghiệp để cùng phát triển, qua đó thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh yêu cầu về thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng trong năm 2022, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 11 (NQ 11) về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội – yêu cầu về đổi mới chương trình kết nối ngân hàng để đưa NQ, các cơ chế chính sách hỗ trợ lãi suất; cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh đi vào thực tiễn cuộc sống càng trở nên cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng:
Thứ nhất, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo các chương trình chuyên đề gắn với thực hiện cơ chế chính sách. Trong đó có các chuyên đề về thực hiện NQ 11 liên quan đến nhiệm vụ của ngành Ngân hàng: Nhóm nhiệm vụ an sinh xã hội do Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện và nhóm nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp (hỗ trợ 2% lãi suất; cơ cấu lại nợ; giảm lãi suất…) do ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện. Việc thực hiện theo chuyên đề sẽ không chỉ trực tiếp thực hiện NQ, mà qua đó phổ biến thông tin về NQ để doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh nắm bắt cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của Ngân hàng Trung ương (NHTW) và sử dụng vốn vay hiệu quả.
Thứ hai, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp với nội hàm rộng hơn, không chỉ ký kết cho vay vốn; giải ngân gói tín dụng hỗ trợ mà còn thực hiện đối thoại doanh nghiệp: thông tin chủ trương chính sách; thông tin về NQ 11 và các văn bản hướng dẫn của NHTW. Từ đó tạo hiệu ứng truyền thông; nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi đơn vị, tổ chức trong thực hiện NQ: không chỉ cơ quan quản lý, các ngân hàng thương mại mà cả chính doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình tạo sự đồng thuận và nhận thức cao, đảm bảo đưa NQ đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả, phát huy và đạt được mục tiêu đề ra về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Thứ ba, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp gắn với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của ngành Ngân hàng trên tất cả các mặt hoạt động: từ việc thực hiện tốt các chương trình tín dụng về cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; cho vay nông nghiệp và phát triển nông thôn; cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay khu chế xuất, khu công nghiệp; cho vay kích cầu đầu tư của thành phố… đến cải cách hành chính để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động, chi phí thời gian tập trung mọi nguồn lực cho phục hồi và tăng trưởng.
Hoạt động này được lồng ghép giữa đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng hỗ trợ thuộc chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2022 và tăng cường ký kết cho vay doanh nghiệp, với tinh thần thiết thực, hiệu quả hạn chế việc tổ chức lễ ký kết mang nặng tính hình thức. Các sở, ngành, quận, huyện đặc biệt là Hiệp hội doanh nghiệp thành phố; các hội ngành nghề, nhất là các ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch (hàng không; vận tải; du lịch, giáo dục y tế… như quy định tại NQ 11) phản ánh kịp thời thông tin doanh nghiệp; những khó khăn của doanh nghiệp đến các NHTM trên địa bàn (thông qua NHNN Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh hoặc sở Công Thương) để chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời và các NHTM xem xét cho vay và hỗ trợ theo quy định.
Các giải pháp kết hợp và đổi mới nêu trên cần được quan tâm thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao của mỗi đơn vị, tổ chức để đưa cơ chế chính sách, đặc biệt là NQ 11 của Chính phủ đi vào thực tế cuộc sống có hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra về phục hồi, tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội trong năm 2022 và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ 2021-2025.
Nguyễn Đức Lệnh
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ