Xuất khẩu cá tra: Kỳ vọng từ thị trường Trung Quốc Xuất khẩu khởi sắc, giá tôm, cá tra tăng khá ngay đầu năm Tháng đầu năm 2024, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của tôm, cá tra Việt Nam |
Tăng trưởng ở các thị trường chính
Sau thời gian suy giảm, tháng đầu năm 2024 thị trường xuất khẩu cá tra được đánh giá khá tích cực khi kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ở hầu hết các thị trường chính.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 1/2024 xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 165 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các thị trường chính tiêu thụ nhiều nhất cá tra đều ghi nhận tăng trưởng dương như: Mỹ, Trung Quốc và Hồng Kông, thị trường EU, khối thị trường CPTPP...
Sản phẩm cá tra chủ lực xuất khẩu trong tháng 1/2024 vẫn là phile đông lạnh với giá trị đạt hơn 131 triệu USD, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 80% tỷ trọng.
Về thị trường tiêu thụ, tháng đầu năm 2024, Trung Quốc và Hồng Kông vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu cá tra nhiều nhất từ Việt Nam. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong tháng 1/2024 đạt 52 triệu USD, tăng gấp gần 4 lần so với tháng 1/2023. Đáng chú ý, tháng đầu năm nay, cá tra đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh gấp 6,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị này thậm chí cao hơn so với kim ngạch xuất khẩu phile đông lạnh - sản phẩm chủ lực sang thị trường này trong tháng 1/2023.
Tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra tăng mạnh ở các thị trường chính |
Với thị trường Mỹ, tháng 1/2024, Mỹ mua 18 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng đầu năm nay, Mỹ tăng nhập khẩu hầu hết các sản phẩm cá tra Việt Nam. Sản phẩm cá tra chế biến mặc dù giá trị xuất khẩu sang Mỹ còn khiêm tốn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này ghi nhận tăng 18 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 295 nghìn USD. Thị trường này tiêu thụ hơn 17 triệu USD phile cá tra đông lạnh trong tháng 1/2024, tăng 81% so với tháng 1/2023.
Khối thị trường EU mua từ Việt Nam gần 13 triệu USD cá tra, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Hà Lan vẫn là quốc gia đứng đầu khối về tiêu thụ cá tra Việt Nam, với gần 4 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Ngoài ra, một số thị trường trong khối cũng ghi nhận tăng trưởng dương nhập khẩu cá tra Việt Nam bao gồm: Hungary tăng gấp 4 lần, Tây Ban Nha, Pháp và Slovenia tăng khoảng 2,5 lần,...
Hướng tới mục tiêu 2 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng đầu năm 2024 được đánh giá là khá tích cực sau khi liên tiếp sụt giảm trong năm 2023. Mỹ và Trung Quốc sẽ là những thị trường có triển vọng phục hồi trong năm 2024 do tồn kho giảm và nhu cầu tiếp tục gia tăng.
Xuất khẩu cá tra hướng tới mục tiêu 2 tỷ USD |
Bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sản xuất và thị trường cá tra đang có dấu hiệu khả quan hơn. Đơn hàng trong tháng 1 và tháng 2/2024 bắt đầu khởi sắc, giá cá tra nguyên liệu đã thoát đáy, tăng từ 25.000 - 26.000 đồng/kg năm 2023 lên 28.000 - 29.000 đồng/kg đầu năm 2024. Tuy nhiên, khách hàng nhập khẩu vẫn thận trọng với giá mua. Do vậy, xuất khẩu cá tra năm nay dự báo sẽ tăng nhẹ so với năm 2023, có thể đạt được 2 tỷ USD, tăng hơn 10% so với 1,8 tỷ USD năm 2023.
Lý giải về cơ sở cho sự tăng trưởng này, bà Hằng cho biết, hiện cầu tiêu dùng ở một số quốc gia nhập khẩu chính cá tra của Việt Nam đang có chiều hướng tăng. Theo đó, lạm phát “hạ nhiệt”, khả năng chi tiêu tại Mỹ được dự đoán sẽ cải thiện hơn so với trước đó. Với thị trường Trung Quốc, tiêu thụ cá tra dự kiến sẽ “sôi động” hơn nhờ các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản và kích thích tiêu dùng của Chính phủ Trung Quốc trong nửa đầu năm 2024.
Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP, để xuất khẩu cá tra tăng trưởng như kỳ vọng trong năm 2024, các doanh nghiệp cần khai thác đa dạng thị trường và sản phẩm tiêu dùng. Mặc dù thị phần cá tra giảm ở một số thị trường lớn, nhưng xuất khẩu cá tra sang các thị trường nhỏ hơn như: Mexico, Canada, Brazil và Anh đều có tín hiệu tốt.
Ông Hòe cũng khuyến cáo doanh nghiệp nên chú trọng sản phẩm có giá cạnh tranh để gia tăng xuất khẩu vào thị trường Đức. Theo dự báo, kinh tế Đức có dấu hiệu khôi phục trong năm 2024 nhưng người dân vẫn chưa mạnh dạn mua sắm. Do đó, các chuỗi phân phối thực phẩm quan tâm nhiều hơn đến mức độ cạnh tranh về giá nhập khẩu, trong đó có giá cá tra.
Ngoài ra, trong nhập khẩu, Đức cũng sẽ chú trọng nhiều hơn đến các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững và phát triển xanh, sạch. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đổi mới quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, tập trung chế biến sâu, trong đó lưu ý tận dụng phụ phẩm chế biến để tạo ra sản phẩm mới, giá trị mới nhằm thúc đẩy thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Hà Linh