Dòng chảy năng lượng bị chặn ở Ukraine, kinh tế Nga liệu có ‘đóng băng’?

17/09/2024 - 18:53
(Bankviet.com) Thị trường năng lượng của châu Âu được dự báo biến động mạnh nếu dòng chảy khí đốt Nga không còn được trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine từ đầu năm 2025.
Nỗi lo thiếu khí đốt: Ukraine nắm giữ ‘chìa khóa’ năng lượng châu Âu Tiết kiệm trên 5,7 tỷ đồng mỗi năm nhờ sử dụng năng lượng hiệu quả Cơ hội nhận 10.000 USD từ chương trình khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng

Với hơn 22.000 km đường ống dẫn khí đốt tự nhiên, Ukraine đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của châu Âu trong nhiều thập kỷ. Nhưng dòng chảy khí đốt của Nga khó có thể chảy qua “lục địa già” trong mùa Đông năm nay nếu thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Moscow và Kiev không được gia hạn vào tháng 12 tới.

Điều này sẽ ngăn chặn dòng chảy nhiên liệu của Nga đến các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đúng vào thời điểm quan trọng.

Ông James Hill, CEO của MCF Energy (Anh) nhận định: “Tổng thống Ukraine Zelensky cuối cùng cũng đã cắt đứt sự phụ thuộc vào Nga bằng cách chặn đường ống dẫn khí đốt”.

Dòng chảy năng lượng bị chặn ở Ukraine, kinh tế Nga liệu có ‘đóng băng’?
Mạng lưới đường ống dẫn khí Nga qua Ukraine. Ảnh: Viện Năng lượng Oxford

Mặc dù đây là động thái mạnh mẽ và đúng hướng của ông Zelensky, nhưng nó cũng đặt ra một thách thức lớn mà châu Âu phải đối mặt trước ngày hết hạn hợp đồng vào tháng 12”, ông Hill cho biết. Đồng thời nói thêm, nguồn cung khí đốt của châu Âu có thể gặp rủi ro.

Theo ước tính của nhà phân tích Mykhailo Svyshcho tại công ty tư vấn ExPro Consulting có trụ sở tại Kiev, lượng khí đốt chảy qua Ukraine chỉ cung cấp chưa đến 5% nguồn cung cho châu lục này, nhưng việc không gia hạn thoả thuận không chỉ làm ảnh hưởng đến vị thế là đường ống dẫn khí đáng tin cậy của Ukraine mà còn có nguy cơ mất 800 triệu USD/năm tiền phí vận chuyển.

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko cho biết, nước này đã tổ chức các cuộc đàm phán về vận chuyển với Azerbaijan, quốc gia cung cấp khí đốt cho 8 nước châu Âu, nhưng hiện vẫn chưa có đề xuất cụ thể nào từ các thương nhân.

Các thoả thuận với Azerbaijan và các nhà cung cấp khác ở Trung Á cũng có thể khả thi, nhưng thời gian không còn nhiều trước khi năm kết thúc.

Theo ông, Ukraine và châu Âu cần thực hiện một cách tiếp cận mạnh mẽ trước và sau khi hợp đồng hết hạn để đảm bảo an ninh năng lượng và sự ổn định, đồng thời bảo vệ chính mình khỏi sự trả đũa của chính quyền Moscow nếu không được gia hạn.

Dòng chảy năng lượng bị chặn ở Ukraine, kinh tế Nga liệu có ‘đóng băng’?
Thỏa thuận quá cảnh khí đốt hiện tại giữa công ty năng lượng quốc gia Naftogaz (Ukraine) và tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom được ký vào năm 2019 và sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Ảnh: RIA

Trong bối cảnh cung cầu trên thị trường đang cân bằng, việc mất tuyến đường dẫn khí đốt Nga qua Ukraine gần như chắc chắn có nguy cơ gây ra tình trạng biến động về giá năng lượng tại châu Âu.

Sự gián đoạn nguồn cung của các nhà cung cấp năng lượng khác cho châu Âu, như Na Uy, hoặc các vấn đề vận chuyển khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) có thể kết hợp với một đợt lạnh giá khiến giá khí đốt tăng vọt.

Ông Frank van Doorn, Giám đốc giao dịch tại Vattenfall Energy Trading GmbH cảnh báo: “Châu Âu có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng trong mùa Đông năm nay. Thực tế là chúng tôi vẫn chưa được thử thách vì hai mùa đông vừa qua thời tiết khá ôn hòa”.

Kể từ khi chiến sự Nga-Ukraine bùng phát, châu Âu đã tìm ra các phương án nhằm “cai” khí đốt Nga, trong đó có việc chuyển nhà cung cấp sang Na Uy và tăng nhập LNG từ Mỹ.

Lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu từ Nga đã giảm hơn 90% và Moscow đã mất đi thị trường sinh lợi hàng đầu của mình. Tập đoàn Gazprom, bao gồm các doanh nghiệp dầu mỏ và điện, đã công bố khoản lỗ ròng năm 2023 là 7 tỷ USD, lần đầu tiên trong một phần tư thế kỷ.

Năm ngoái, Nga đã vận chuyển 14,6 tỷ m3 khí đốt qua Ukraine, giảm gần 2/3 so với mức 41,6 tỷ m3 trung chuyển vào năm 2021.

Theo ước tính của Bloomberg, lượng khí đốt Nga chuyển qua Ukraine sang châu Âu mang lại cho Moscow 6,5 tỷ USD tính theo thời giá hiện tại.

Gazprom đã gặp khó khăn về tài chính kể từ khi EU, khách hàng lịch sử của họ, giảm đáng kể việc nhập khẩu khí đốt của Nga, thậm chí còn tuyên bố muốn từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga vào năm 2027.

Về phần mình, Ukraine sẽ mất khoảng 720 triệu Euro doanh thu hàng năm (gần 0,5% GDP của nước này), ngay cả khi số tiền này chủ yếu được dùng để chi trả cho chi phí vận hành mạng lưới khí đốt.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương