Trong phiên giao dịch thứ Năm, thị trường chứng khoán Mỹ đã ghi nhận sự phục hồi, khi các chỉ số Nasdaq và S&P 500 đều tăng điểm nhờ dự báo lạc quan từ Tesla, cùng với việc lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh 3 tháng. Tâm lý nhà đầu tư trở nên phấn chấn hơn bất chấp một số doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh không như kỳ vọng.
Kết thúc phiên, chỉ số S&P 500 tăng 12,44 điểm, tương đương 0,21%, đóng cửa ở mức 5.809,86 điểm, trong khi Nasdaq Composite tăng 138,83 điểm (0,76%) lên 18.415,49 điểm. Ngược lại, chỉ số Dow Jones giảm 140,59 điểm (tương đương 0,33%), xuống 42.374,36 điểm.
VFS và Tesla dẫn đầu đà tăng
Cổ phiếu VFS của VinFast đã tăng 5,81% trong phiên, đạt 4,19 USD/cổ phiếu, nâng vốn hóa thị trường lên mức 9,81 tỷ USD, tiếp tục duy trì đà tăng mạnh mẽ sau phiên tăng gần 12% vào ngày 22/10.
Đặc biệt, cổ phiếu Tesla tăng vọt 21,9%, nhờ lợi nhuận quý 3 vượt kỳ vọng và dự báo doanh số tăng từ 20% đến 30% vào năm tới. Điều này giúp nhóm cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu tăng 3,24%, đạt 1.602,74 điểm.
Trái ngược với đà tăng của các nhóm ngành khác, nhóm nguyên vật liệu giảm 1,42% xuống còn 596,05 điểm, chủ yếu do cổ phiếu của Newmont giảm sau khi công ty báo cáo lợi nhuận thấp hơn dự kiến do chi phí tăng cao và sản lượng giảm tại Nevada. Cổ phiếu Boeing cũng giảm 1,18% khi công nhân tại nhà máy từ chối đề xuất hợp đồng mới, khiến cuộc đình công kéo dài hơn 5 tuần chưa kết thúc.
Cổ phiếu Southwest Airlines giảm 5,56% xuống còn 29,02 điểm sau khi hãng công bố kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng và đạt thỏa thuận với quỹ Elliott Investment Management. Ngược lại, UPS tăng 5,28%, kết thúc phiên ở mức 128,35 điểm nhờ lợi nhuận quý 3 vượt dự báo, được thúc đẩy bởi sự phục hồi đơn hàng và các biện pháp cắt giảm chi phí hiệu quả.
Một số doanh nghiệp lớn công bố kết quả kinh doanh trước khi thị trường mở cửa đã gây áp lực lên chỉ số Dow Jones. Cổ phiếu IBM giảm 6,17% sau khi doanh thu quý 3 thấp hơn dự báo, trong khi Honeywell cũng giảm 5,10% vì dự báo doanh thu cả năm không đạt kỳ vọng của giới phân tích.
Dù S&P 500 đã lần đầu tiên trong tuần ghi nhận mức tăng, thị trường vẫn khá chao đảo do ảnh hưởng từ các báo cáo tài chính và lợi suất trái phiếu Mỹ ở mức cao dù đã hạ nhiệt. Ông Bill Northey - Giám đốc đầu tư cấp cao tại U.S. Bank Wealth Management nhận định: “Yếu tố tác động mạnh nhất đến thị trường trong tháng 10 là sự gia tăng của lãi suất. Việc lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng từ dưới 4% lên mức hiện tại diễn ra khá nhanh chóng”.
Kỳ vọng cắt giảm lãi suất
Thị trường đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau chuỗi phiên tăng điểm, khi nhà đầu tư bắt đầu điều chỉnh lại kỳ vọng về khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Cùng với đó, lợi suất trái phiếu tăng cao, báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp và sự bất định xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới tiếp tục tạo ra áp lực lên thị trường.
Theo số liệu từ LSEG, trong số 159 công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả tài chính quý này, có tới 78,6% doanh nghiệp vượt kỳ vọng của giới phân tích, cho thấy sự khả quan trong hoạt động kinh doanh.
Về mặt kinh tế, chỉ số PMI sơ bộ do S&P Global công bố cho thấy hoạt động kinh doanh tại Mỹ tăng trưởng trong tháng 10, được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ. Đồng thời, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần bất ngờ giảm trong tuần kết thúc vào ngày 19/10, báo hiệu thị trường lao động vẫn vững mạnh.
Cổ phiếu McDonald's và Coca-Cola rớt giá, chứng khoán Mỹ chìm trong "sắc đỏ" Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua một phiên giao dịch đầy biến động khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng vọt, ... |
UBCKNN triển khai Thông tư 68/2024/TT-BTC: Cải cách mạnh mẽ hướng đến nâng hạng thị trường UBCKNN tổ chức Hội nghị triển khai Thông tư 68/2024/TT-BTC, đánh dấu bước cải cách mạnh mẽ nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán và ... |
Cập nhật mới nhất thương vụ lịch sử của Vinhomes: Hoàn thành 7% kế hoạch, thị giá VHM mất hơn 9% Sau 2 phiên tiến hành mua lại cổ phiếu quỹ, Vinhomes đã hoàn thành 7,85% kế hoạch, tuy nhiên, thị giá của VHM bất ngờ ... |
Đặng Hoàng Thái