Dự báo doanh thu 5 sàn thương mại điện tử tăng trưởng mạnh năm 2024

20/01/2024 - 22:24
(Bankviet.com) Theo báo cáo, mặc dù thị trường có nhiều biến động, song 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất vẫn tăng trưởng mạnh, đạt hơn 230.000 tỷ đồng.
Liên bộ Công Thương - Tài chính đưa giải pháp thu đúng, đủ thuế thương mại điện tử Đà Nẵng: Chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động thương mại

Thị trường bán lẻ tăng trưởng lớn

Đánh giá về hoạt động thương mại điện tử năm 2023, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết, năm qua, hoạt động thương mại điện tử đã có sự phát triển bứt phá, tăng trưởng thuộc top đầu thế giới.

Quy mô thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam năm 2023 dự kiến đạt 20,5 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 4 tỉ đô la Mỹ và tương đương 25% so với năm 2022.

Đặc biệt, thương mại điện tử đã chiếm đến gần 70% tỉ trọng của nền kinh tế số. Điều này chứng minh, thương mại điện tử chính là động lực lớn nhất thúc đẩy nền kinh tế số của đất nước.

Theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce) cho thấy tổng doanh thu 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) năm 2023 cho thấy, 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn, tăng 52,3% so với năm trước, đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.

Doanh thu trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng trưởng mạnh năm 2024

Mặc dù mới đăng ký livetream bán hàng trên Shoppee và Tiktok một thời gian ngắn song lượng đơn hàng "chốt" được của Chợ Tết Online (thuộc Liên minh xúc tiến ACT ONE GLOBAL) ngày một tăng.

Đặc biệt, doanh thu tăng mạnh ở 2 quý cuối năm với mức tăng trưởng cao nhất đạt 89,9% vào tháng 9. Đây cũng là tháng đạt doanh thu cao nhất trong năm với 21.100 nghìn tỷ đồng trên cả 5 sàn.

Tính chung cả năm, thị phần doanh thu 5 sàn bán lẻ trực tuyến dẫn đầu này tăng từ 31,4% năm 2021 lên 46,5% ở năm 2023 so với tổng doanh thu toàn thị trường thương mại điện tử B2C.

So với tăng trưởng doanh thu toàn thị trường thương mại điện tử B2C thì mức tăng trưởng của 5 sàn bán lẻ trực tuyến đang cao hơn và nhanh hơn trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt từ năm 2022 đến năm 2023.

Điều này cho thấy thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam đã có sự chuyển dịch lớn, theo cùng với xu hướng thế giới.

Người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưu tiên mua sắm trên sàn bán lẻ trực tuyến với các sản phẩm ở phân khúc giá thấp – trung bình từ 10.000 đồng – 350.000 đồng. Trong đó, phân khúc giá trị sản phẩm từ 200.000 đồng - 350.000 đồng có doanh số gần 35.000 tỷ đồng, đứng đầu bảng.

Mua sắm online trở thành thói quen của người tiêu dùng

Năm 2023 với sự phát triển mạnh mẽ của những hình thức mua sắm mới điển hình là livestream và bán hàng đa kênh đã đem lại doanh thu khổng lồ cho những nhà bán hàng thương mại điện tử chuyên nghiệp.

Theo Metric hiện có 637.273 shop bán hàng trên 5 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. Tổng doanh thu 5 sàn này đạt 232, 2 nghìn tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022. Kinh doanh thương mại điện tử đặc biệt tăng mạnh ở 2 quý cuối năm với mức tăng, trưởng cao nhất đạt 89,9% vào tháng 8, với doanh thu hơn 21 nghìn tỷ đồng.

Qua 6 năm phát triển của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam, những ngành hàng đứng đầu về doanh thu cũng như sản lượng bán là Làm đẹp, Nhà cửa – Đời sống và Thời trang nữ. Đây là những ngành hàng chiếm ưu thế lớn với tốc độ tiêu dùng nhanh, khả năng lưu kho, vận chuyển dễ dàng. Vì vậy, đây cũng là những ngành hàng có tính cạnh tranh cao nhất trên thị trường bán hàng trực tuyến.

Doanh thu thương mại điện tử Hà Nội đạt 76.665 tỷ đồng, chiếm thị phần 33%, tăng trưởng 44%,TP Hồ Chí Minh 51.230 tỷ đồng, chiếm thị phần 22%, tăng trưởng 31%.

Theo chuyên gia thương mại điện tử, thì đây vẫn sẽ là 2 địa bàn được các sàn thương mại điện tử xem là địa bàn chiến lược, nhất là khi chính quyền Hoàn Kiếm đang tích cực hỗ trợ 6 nghìn doanh nghiệp và 12 hộ kinh doanh kinh doanh trực tuyến.

Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Dự báo doanh thu và sản lượng bán bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm tới có thể đạt 650 nghìn tỷ đồng vào năm 2024.

Bên cạnh những con số tăng trưởng “khủng” là sự cạnh tranh khắc nghiệt trên thị trường. Năm qua, hơn 100.000 nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo rời khỏi thị trường. Tuy nhiên, sàn TikTok Shop xuất hiện thêm hơn 95.000 nhà bán mới.

Doanh thu trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng trưởng mạnh năm 2024
Nhu cầu mua sắm online ngày càng tăng

Tổng số shop có phát sinh đơn hàng trên 5 sàn thương mại điện tử là 637.273, giảm 1,3%, tương đương khoảng 10.000 nhà bán, bất chấp sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của những mô hình và nền tảng thương mại điện tử mới.

Nguyên nhân đến từ các yếu tố khách quan như nền kinh tế còn chưa ổn định, bất ổn địa chính trị, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, cạnh tranh ngày càng gay gắt...

Đặc biệt, sự sụt giảm này còn do yếu tố chủ quan từ doanh nghiệp như lựa chọn sai thị trường mục tiêu, chạy theo sản phẩm xu hướng mà không có kế hoạch sản xuất/ nhập hàng phù hợp…

Dự báo trong năm 2024, doanh thu trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng mạnh ở mức 35%, đạt khoảng 310.000 tỉ đồng.

Đề ra định hướng và giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử và kinh tế số phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2024 và những năm tới, bà Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh: “Cục sẽ tập trung phát triển thương mại điện tử theo các mục tiêu bao gồm: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương và vùng miền thông qua các nền tảng số.

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực của Bộ; xây dựng Chính phủ số theo đúng phương châm 4 không – 4 có; đổi mới căn bản phương thức quản lý, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối liên thông một cách hiệu quả”.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương