Lạm phát không quá lo, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Lạm phát tại Mỹ tác động đến giá vàng như thế nào? |
Dự báo lạm phát toàn cầu giảm
Mặc dù, tình hình lạm phát đang có xu hướng hạ nhiệt. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định vẫn có nguy cơ xảy ra một làn sóng lạm phát tăng mạnh do xung đột địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng. Thêm vào đó, thị trường lao động mạnh hơn dự kiến có thể thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, đẩy mức giá leo thang.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, lạm phát toàn cầu trung bình sẽ giảm xuống từ mức 4% năm 2023 còn 2,8% vào cuối năm 2024 và xuống còn 2,4% vào năm 2025.
Quỹ Tiền tệ quốc tế tại trụ sở chính ở Washington, Hoa Kỳ. (Ảnh: Reuters) |
IMF nhận định, áp lực giá cả trên thế giới sẽ giảm bớt khi các quốc gia duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, giá năng lượng giảm, cùng với thị trường lao động mạnh. Tuy nhiên, báo cáo của IMF cũng mô tả một "tình huống tiêu cực" trong đó cuộc leo thang ở Trung Đông sẽ dẫn đến việc giá dầu tăng 15% và chi phí vận chuyển cao hơn sẽ làm tăng lạm phát toàn cầu khoảng 0,7%.
Dự báo biến động kinh tế năm 2024
Các tổ chức quốc tế (UN, WB, OECD và EU) đều cho rằng, tăng trưởng kinh tế (GDP) toàn cầu năm 2024 sẽ thấp hơn năm 2023, riêng IMF dự báo bằng với năm 2023.
IMF nhận định, áp lực giá cả trên thế giới sẽ giảm bớt khi các quốc gia duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, giá năng lượng giảm, cùng với thị trường lao động tăng mạnh. Cùng với đó, IMF dự báo tăng trưởng GDP thực toàn cầu là 3,2% trong năm 2024 - tỷ lệ tương tự như năm 2023. Dự báo năm 2024 đã được điều chỉnh tăng 0,1% với ước tính của triển vọng kinh tế thế giới trước đó vào tháng 1, do kinh tế Hoa Kỳ có triển vọng tăng đáng kể.
Bà Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết: “Bộ Tài chính Hoa Kỳ chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran trong những ngày tới có thể hạn chế khả năng xuất khẩu dầu của nước này”.
Tình hình kinh tế toàn cầu dự báo còn nhiều biến động. (Ảnh: Reuters) |
Dự báo tăng trưởng của Hoa Kỳ tăng, châu Âu giảm
IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Hoa Kỳ năm 2024 một cách đột ngột lên 2,7% từ mức 2,1% được dự kiến vào tháng 1, nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn dự kiến của việc làm và mức độ chi tiêu của người dân.
Quỹ dự kiến tác động chậm trễ của chính sách tiền tệ và tài khóa chặt chẽ sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của Hoa Kỳ xuống 1,9% vào năm 2025.
Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu đã chỉ ra sự khác biệt rõ ràng giữa Hoa Kỳ và châu Âu, nơi đang phải đối mặt với tăng trưởng chậm lại và lạm phát giảm nhanh hơn. Các dự báo mới nhất của IMF đã chứng minh điều này, với việc điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của khu vực đồng Euro năm 2024 xuống 0,8% từ mức 0,9% vào tháng 1, chủ yếu do tình hình tâm lý tiêu dùng sụt giảm tại Đức và Pháp. Dự báo tăng trưởng của Anh năm 2024 đã được điều chỉnh giảm đi 0,1% xuống còn 0,5% do lãi suất và lạm phát vẫn ở mức cao đáng kể.
Trung Quốc cần tái cấu trúc toàn diện bất động sản
IMF vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng của Trung Quốc năm 2024, cụ thể giảm xuống còn 4,6% từ mức 5,2% vào năm 2023, với sự suy giảm tiếp theo xuống còn 4,1% cho năm 2025. Tuy nhiên, báo cáo của IMF nhấn mạnh về việc thiếu một gói tái cấu trúc toàn diện cho lĩnh vực bất động sản. Lĩnh vực này gặp khó khăn có thể kéo dài sự suy thoái trong nhu cầu nội địa và giảm triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.
IMF khuyến nghị Trung Quốc nên tăng cường loại bỏ các nhà phát triển không khả quan và khuyến khích hoàn thành các dự án nhà ở chưa hoàn thiện, đồng thời hỗ trợ người dân khôi phục nhu cầu tiêu dùng.
Nga - Ukraine ảnh hưởng nhiều từ chiến tranh
Dự báo tăng trưởng của Nga trong năm 2024 đã tăng lên 3,2% từ mức 2,6% được dự kiến vào tháng 1. Báo cáo cho biết, mức tăng này một phần phản ánh doanh thu xuất khẩu dầu tiếp tục mạnh mẽ. Giá dầu thế giới tăng cao hơn mặc dù cơ chế giá cả được áp đặt bởi các nước phương Tây, cũng như Chính phủ đầu tư liên quan đến sản xuất và lượng tiêu dùng trực tiếp của người lao động. Bên cạnh đó, IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng của Nga vào năm 2025 lên 1,8% từ 1,1% vào tháng 1.
Dự báo tăng trưởng của Ukraine phụ thuộc nhiều vào viện trợ kinh tế từ phía phương Tây. Theo đó, IMF dự báo sẽ giảm xuống còn 3,2% vào năm 2024 và tăng tốc lên 6,5% vào năm 2025.
Những điểm sáng ở một số quốc gia mới nổi
Ngoài ra, IMF ghi nhận những điểm sáng ở một số quốc gia mới nổi lớn, nâng dự báo tăng trưởng cho Brazil vào năm 2024 lên 2,2% và dự báo Ấn Độ tăng lên 6,8%.
IMF cũng lưu ý rằng các quốc gia mới nổi này thuộc nhóm 20 nước đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thương toàn cầu và có khả năng chịu gánh nặng tăng trưởng hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, IMF dự báo các quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp vẫn tiếp tục đối mặt với việc điều chỉnh khi dự báo tăng trưởng của họ vào năm 2024 giảm xuống 4,7% từ ước tính 4,9% vào tháng 1.
Trước tình hình kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng bởi biến động chính trị, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng quy tắc và thỏa thuận thương mại quốc tế, cũng như cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nền kinh tế.