Tiềm năng lớn
Đây là nội dung được đưa ra tại Hội thảo “Đưa đưa nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài” trong khuôn khổ chuỗi sự kiện kết nối cung ứng hàng hóa quốc tế năm 2023 (Vietnam Sourcing 2023) do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, bất chấp sự khó khăn chung của thị trường và những xáo trộn trong chuỗi cung ứng, xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam những năm gần đây vẫn có nhiều bứt phá.
Với những ưu thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi cùng ưu đãi từ 15 Hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực đang thực hiện với nhiều đối tác trên thế giới mà đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), liên tục trong vài năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản và thực phẩm duy trì tốc độ tăng trưởng trên hai con số. Năm 2022, xuất khẩu nông, lâm thủy sản của Việt Nam đạt 53,2 tỉ USD, tăng gần 10% so với 2021. Trong đó có nhiều nhóm hàng có kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD như gỗ, thủy sản, cà phê, cao su, gạo, rau quả, và điều..
Đặc biệt là trong năm 2022, nhiều loại nông sản của nước ta như chuối tươi, khoai lang, tổ yến, bưởi, nhãn, chanh leo, sầu riêng… được cấp phép xuất khẩu sang các thị trường phát triển và có tiêu chuẩn cao trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu trái cây.
Toàn cảnh hội thảo |
Năm 2023, trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn, đặc biệt là lạm phát tăng cao ở tất cả các thị trường xuất khẩu chủ lực, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam được dự báo vẫn sẽ vượt qua con số 50 tỉ USD. Hiện nay Việt Nam là nhà cung ứng trong top 3 thế giới về cà phê, lớn thứ nhất về hạt điều, lớn thứ nhất về hạt tiêu, lớn thứ ba về gạo, …
Trong số các sản phẩm nông sản, Rau quả là một trong những điểm sáng trong các nhóm ngành hàng xuất khẩu của nước ta. Dự báo cả năm 2023, nhiều khả năng xuất khẩu rau quả sẽ cán đích ở cột mốc lịch sử 5 tỷ USD. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, năm 2023, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường hấp dẫn nông sản Việt Nam nhờ nhu cầu bùng nổ sau hậu Covid-19 cộng với lợi thế về vị trí địa lý gần khiến chi phí logistics và rủi ro về thời gian thấp hơn các thị trường khác.
Mặc dù có nhiều tiềm năng lớn, song theo bà Hiền xuất khẩu nông sản đang đối mặt với nhiều thách thức khi các quốc gia không chỉ điều chỉnh khung khổ pháp lý của mình với hàng loạt các Luật, các quy định mới. Điển hình như, giữa tháng 5 vừa qua, EU cũng đã ban hành đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Quy định này buộc các nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa. Cuối tháng 6/2023, EU đã ban hành Quy định Chống suy thoái rừng (EUDR). Theo đó, các công ty kinh doanh gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ và các sản phẩm phái sinh tại EU phải chứng minh hàng hóa mà họ bán không liên quan đến hoạt động phá rừng từ sau năm 2021. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 4% doanh số hàng năm thu được trên toàn EU.
Các quy định về bảo vệ môi trường tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như EU, Bắc Mỹ và các thị trường Đông Bắc Á ngày càng chặt chẽ hơn. Chính phủ Hoa Kỳ và Canada cũng đang cân nhắc các cơ chế tương tự CBAM và EUDR của EU. EU cũng nêu rõ các nhóm mặt hàng nằm trong CBAM và EUDR sẽ được mở rộng trong tương lai.
Đáp ứng các yếu tố về môi trường
Ông Paul Lê - Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, Central Retail đã hối hợp với Bộ Công Thương tổ chức “Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan” nhằm giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, gia tăng cơ hội bán hàng vào kênh phân phối của Thái Lan. Và muốn xuất khẩu và đưa hàng vào các hệ thống phân phối, doanh nghiệp phải nắm rõ thông tin thị trường. Khi tham dự các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối xuất khẩu, doanh nghiệp nên đem đến câu chuyện sản phẩm thay vì những sản phẩm thông thường.
Chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được cải thiện |
Dẫn ví dụ cụ thể, ông Paul Le cho biết, tại tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan năm 2022, một doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam tại Cà Mau đã thu hút sự quan tâm của khách hàng khi có cách tiếp cận thị trường một cách chủ động.
Theo đó, doanh nghiệp này đem đến hội chợ hai sản phẩm gồm bánh phồng tôm và tôm khô. Sau khi setup gian hàng tại hội chợ, doanh nghiệp này đã chủ động đến các chợ, siêu thị tại Thái Lan để tìm hiểu về nhu cầu các sản phẩm tương tự trước khi tham gia phiên kết nối B2B.
Theo đại diện doanh nghiệp cho biết, khảo sát thị trường, doanh nghiệp nhận thấy tại Thái Lan, các sản phẩm phồng tôm, tôm chỉ chiếm 25% trong thành phần, trong khi đó các sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp có tới 40% tôm. Đáng chú ý, các sản phẩm tôm này là tôm sinh thái… Chính sự chủ động tìm hiểu này đã giúp doanh nghiệp đạt được thành công sau hội chợ bởi có nhiều khách hàng quan tâm và ký kết hợp đồng.
“Khi tham gia hội chợ, doanh nghiệp phải tìm hiểu thị trường, cũng như sự chuẩn bị về nguồn hàng. Ngoài kỹ năng cứng là hồ sơ giấy tờ, doanh nghiệp phải có kỹ năng mềm để tìm kiếm thị trường”, ông Paul Le nhấn mạnh.
Đánh giá tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam, ông Vincent Gothknecht, Trưởng đại diện Công ty I.Schroeder (Đức), cho rằng, Việt Nam đang có lợi thế lớn về xuất khẩu nông sản sang thị trường EU nhờ Hiệp định EVFTA.
Theo ông Vincent, châu Âu là thị trường khó tính với nhiều tiêu chuẩn khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này phải có truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó là đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn về môi trường, lao động.
Nhìn nhận về chất lượng nông sản Việt, ông Vincent Gothknecht cho biết, hiện có khoảng 50 nhà cung ứng tại Việt Nam cung cấp các sản phẩm nông sản như vải, thơm, chanh dây… và hàng thủy sản cho công ty. Theo đó, chất lượng sản phẩm không còn là vấn đề với nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, điểm nghẽn mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải chủ yếu là yêu cầu về môi trường, việc giảm phát thải, trung hòa carbon…
“Nhiều nhà mua hàng muốn những nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của họ phải trung hòa carbon. Do đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam không đạt được tiêu chuẩn này sẽ mất cơ hội”, ông Vincent nhấn mạnh.
Cùng với đó là sự hỗ trợ của Chính phủ với các ngành hàng. Đơn cử như, tại Đồng bằng sông Cửu Long, các sản phẩm cá tra, tôm... xuất khẩu của Việt Nam đã đạt nhiều tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của các quốc gia nhập khẩu, trong đó có tiêu chuẩn ASC (Aquaculture Stewardship Council) xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn với các mặt hàng thủy sản đánh bắt. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia khác như Philippines… các sản phẩm thủy sản đánh bắt đã có chứng nhận MSC (Marine Stewardship Council - MSC) khai thác bền vững nguồn thủy sản. Do vậy, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã mất cơ hội xuất khẩu vào thị trường này.
Cũng theo ông Vincent Gothknecht, muốn xuất khẩu vào EU, sản phẩm phải có chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn môi trường, lao động… Để làm được điều này, doanh nghiệp bắt buộc phải đầu tư nguồn lực khá lớn bởi đây là yêu cầu bắt buộc để thâm nhập thị trường.
“Chiến lược đường xa có thể thua trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn chắc chắn doanh nghiệp sẽ thắng”, Vincent Gothknecht nhấn mạnh.
Hà Duyên