Đưa thương hiệu Việt ra thế giới, Masan Consumer hướng đến 10 – 20% doanh thu từ thị trường toàn cầu

26/04/2024 - 03:02
(Bankviet.com) CTCP Tập đoàn Masan và hai công ty thành viên Masan Consumer, Masan MEATLife vừa đồng tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024 tại TP.HCM với chủ đề “Consumer of Things – Kết nối vạn nhu cầu”.

Tại sự kiện, chia sẻ thông điệp: “Kiên định hiện thực hóa Tầm Nhìn”, ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group nhấn mạnh cam kết của Masan về vận hành công ty một cách hiệu quả và không ngừng tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận kể từ khi đặt cược vào mạng lưới bán lẻ hiện đại vào năm 2019. Đây cũng là thời điểm khởi đầu hành trình xây dựng nền tảng tiêu dùng – công nghệ của Masan, The CrownX (“TCX”).

“Chúng tôi đã nắm trong tay kế hoạch rõ ràng để khai mở giá trị cổ đông cho Masan Consumer trong ngắn hạn và WinCommerce trong trung hạn. Ở vị thế tập đoàn, chúng tôi không chỉ tập trung vào tăng trưởng mà còn đặt trọng tâm vào gia tăng lợi nhuận trong 18 - 24 tháng tới”, Ông Danny Le chia sẻ thêm.

CTCP Tập đoàn Masan và hai công ty thành viên Masan Consumer, Masan MEATLife vừa đồng tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024 tại TP.HCM
CTCP Tập đoàn Masan và hai công ty thành viên Masan Consumer, Masan MEATLife vừa đồng tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024 tại TP.HCM

Theo Tổng Giám đốc Masan Group, trong năm 2023, Masan vẫn duy trì sự tập trung vào các công thức tăng trưởng, các năng lực cốt lõi và đạt được một số cột mốc quan trọng bất chấp môi trường vĩ mô đầy thách thức: Tăng trưởng mạng lưới – Cơ sở hạ tầng thực chất để tiếp cận 100 triệu người tiêu dùng khi 90%+ tiêu dùng hiện vẫn nằm ở offline. Cùng với đó là tăng trưởng thị phần chi tiêu – Mở rộng thị trường mục tiêu cho những “Thương hiệu mạnh” của Masan. Ngoài ra là tăng trưởng hội viên – Kết nối nhãn hàng, nhà bán lẻ, và người tiêu dùng. Hệ thống hậu cần logistics và Trí tuệ nhân tạo/Công nghệ – Số hóa và làm việc thông minh hơn chính là chìa khóa thành công của doanh nghiệp này.

Trong khi đó, ông Trương Công Thắng, Tổng Giám đốc của Masan Consumer Holdings (“MCH”) đã đưa ra chiến lược của Masan Consumer tập trung vào hiện thực hóa tầm nhìn: Mỗi gia đình Việt Nam, mọi sản phẩm Masan; Mỗi gia đình thế giới, ít nhất một sản phẩm Masan.

Masan Consumer tập trung vào hiện thực hóa tầm nhìn: Mỗi gia đình Việt Nam, mọi sản phẩm Masan; Mỗi gia đình thế giới, ít nhất một sản phẩm Masan
Masan Consumer tập trung vào hiện thực hóa tầm nhìn: Mỗi gia đình Việt Nam, mọi sản phẩm Masan; Mỗi gia đình thế giới, ít nhất một sản phẩm Masan

Vị này cho hay MCH đã gầy dựng thành công 05 thương hiệu mạnh có doanh thu hàng năm từ 150 triệu đến 250 triệu USD: Kokomi, Omachi, CHIN-SU, Nam Ngư và Wakeup 247, đóng góp vào 80% tổng tăng trưởng doanh thu. MCH đặt mục tiêu mở rộng hơn nữa thị trường mục tiêu bằng cách tham gia vào thị trường tiêu dùng bên ngoài, cung cấp các sản phẩm cao cấp thay thế bữa ăn tại nhà (“Home meal replacement” hay “HMR”) và thay thế bữa ăn tại nhà hàng (“Restaurant meal replacement” hay “RMR”) cho người tiêu dùng.

Ông Thắng tin rằng điều này chỉ là bước đầu trong hành trình của Masan Consumer để chiến thắng thị trường FMCG của Việt Nam.

“Mục tiêu chiến lược của Masan Consumer là sở hữu 6 thương hiệu tỷ đô, thực hiện chiến lược “Go Global” và trở thành công ty hàng đầu Đông Nam Á về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận nhờ mô hình FMCG mới”, ông Thắng nhấn mạnh.

Cũng tại sự kiện, bà Nguyễn Trương Kim Phượng - Giám đốc Marketing Cấp cao – Ngành hàng Thực phẩm Tiện lợi (Công ty Masan Consumer) chia sẻ lộ trình để Omachi trở thành thương hiệu tỷ đô bằng cách cao cấp hóa thương hiệu và mở rộng sang thị trường thay thế bữa ăn tại nhà hàng (“Restaurant meal replacement” hay “RMR”).

Tiếp đó, Bà Đinh Hồng Vân - Giám đốc cấp cao ngành hàng gia vị (Công ty Masan Consumer) đưa ra kế hoạch chi tiết để CHIN-SU trở thành thương hiệu tỷ đô bằng cách cao cấp hóa thương hiệu, mở rộng phạm vi danh mục sản phẩm và thực hiện chiến lược “Go Global”.

Trong khuôn khổ của Đại hội đồng cổ đông, Bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc của WinCommerce trình bày những thành tựu đạt được từ giai đoạn tái cơ cấu WCM và công bố mục tiêu đạt lợi nhuận ròng sau thuế là dương trong năm quý I/2025.

“WCM đã sở hữu những mảnh ghép được đặt đúng vị trí để thành công tại thị trường Việt Nam và đặt mục tiêu đạt lợi nhuận ròng sau thuế là con số dương trong năm 2025”, bà Phương nói.

Năm 2024, Masan dự kiến doanh thu thuần hợp nhất nằm trong khoảng từ 84.000 đến 90.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt từ 7% đến 15% so với cùng kỳ năm trước. Các mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi vẫn được kỳ vọng là động lực chính cho tăng trưởng doanh thu. Chương trình Hội viên WIN sẽ tiếp tục tập trung vào việc gia tăng giá trị cho các doanh nghiệp và đối tác của Masan. LNST thuần cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số (Core NPAT Pre – MI) dự kiến sẽ nằm trong khoảng 2.290 đến 4.020 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với 1.950 tỷ đồng trong năm 2023.

PV

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán