ESG và những cơ hội, thách thức, định hướng cho các ngân hàng Việt Nam

28/12/2023 - 18:07
(Bankviet.com) Trong phiên thảo luận tại Hội thảo:“Thực thi ESG trong ngành Ngân hàng: Cơ hội, thách thức và giải pháp” do Tạp chí Ngân hàng tổ chức ngày 21/12/2023, các đại biểu đã chia sẻ, thảo luận sâu và có những đánh giá đa chiều về chủ đề ESG đối với ngành Ngân hàng, chỉ ra những thách thức mà các ngân hàng Việt Nam phải đối mặt cũng như các cơ hội, lợi thế nếu các ngân hàng Việt Nam đạt được các tiêu chí ESG...
Trong phiên thảo luận tại Hội thảo:“Thực thi ESG trong ngành Ngân hàng: Cơ hội, thách thức và giải pháp” do Tạp chí Ngân hàng tổ chức ngày 21/12/2023, các đại biểu đã chia sẻ, thảo luận sâu và có những đánh giá đa chiều về chủ đề ESG đối với ngành Ngân hàng, chỉ ra những thách thức mà các ngân hàng Việt Nam phải đối mặt cũng như các cơ hội, lợi thế nếu các ngân hàng Việt Nam đạt được các tiêu chí ESG... Kết luận Hội thảo, TS. Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN đã nhấn mạnh một số định hướng, chủ trương và giải pháp của NHNN đối với việc thực thi ESG trong ngành Ngân hàng.

Việt Nam đã vào cuộc mạnh mẽ và nhanh chóng
 

 
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại Hội thảo

Theo chia sẻ của TS. Lại Văn Mạnh - Trưởng Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc thực hiện các mục tiêu cam kết với quốc tế các vấn đề liên quan đến ESG. Đã có nhiều nghị quyết của Trung ương ban hành đề cập hoặc chỉ đạo về các vấn đề bảo vệ môi trường như: Chỉ thị số 36/1998/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; và đến thời điểm hiện nay, đang tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường… Mặc dù ở thời điểm trước các tiêu chí về ESG chưa được nêu cụ thể, nhưng những nội dung chỉ đạo triển khai trong các văn bản chính sách của Việt Nam đã thể hiện các yếu tố rõ ràng sự lồng ghép về ESG.
 
TS. Lại Văn Mạnh - Trưởng Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu trong phiên thảo luận

Đặc biệt là thời điểm gần đây, các văn kiện chỉ đạo của Đảng cũng như hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và các nghị quyết được ban hành gần đây của Trung ương, đều lồng ghép các yếu tố về vấn đề môi trường, xã hội. Điều đó cho thấy, môi trường đã trở thành trung tâm trong các quy định phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ở khía cạnh pháp luật, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng đã lồng ghép các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; đã xây dựng ban hành Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có rất nhiều quy định nhằm khuyến khích các hành vi bảo vệ môi trường, như quy định về ưu đãi hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia vào bảo vệ môi trường, các quy định về phát triển các lĩnh vực, các hoạt động kinh tế như tín dụng xanh, trái phiếu xanh, phát triển các sản phẩm hàng hóa phục vụ thân thiện với môi trường hoặc phát triển các công nghệ thiết bị để hỗ trợ cho bảo vệ môi trường.

Nếu sử dụng lăng kính ESG để nhìn vào hệ thống các văn bản chỉ đạo điều hành cũng như hệ thống khung khổ pháp luật của Việt Nam cho thấy, Việt Nam đã vào cuộc mạnh mẽ và nhanh chóng, khẳng định sự nỗ lực của Đảng, Chính phủ trong định hướng và chỉ đạo điều hành phát triển tăng trưởng kinh tế luôn gắn với bảo vệ môi trường.

Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang rất quan tâm đến các vấn đề liên quan đến ESG. Nhiều doanh nghiệp đã có những sáng kiến mới trong kinh doanh về bảo vệ môi trường; có những nghiên cứu đã được sản xuất ra sản phẩm liên quan đến tuần hoàn, thậm chí được công nhận trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một số điểm sáng, còn rất nhiều thách thức phía trước để chúng ta đạt được các tiêu chí về ESG. Vì vậy, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để ngày càng có nhiều sáng kiến, mô hình mới lồng ghép yếu tố môi trường, xã hội, từ đó có thể từng bước tạo ra sự chuyển dịch toàn bộ nền kinh tế…
 
 Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN 
phát biểu trong phiên thảo luận

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN chia sẻ, với góc độ là cơ quan quản lí nhà nước về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, ngay từ năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đặt ra vấn đề về ESG trong Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; và mới nhất là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 của Thống đốc NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của NHNN đã dần mang tính pháp lí nhiều hơn để phù hợp với quy định của pháp luật, hướng hoạt động của tổ chức tín dụng tiệm cận gần hơn thông lệ quốc tế và ngày càng thể hiện nhiều hơn trách nhiệm của ngành Ngân hàng đối với các vấn đề về xã hội, môi trường.

Qua quá trình theo dõi cho thấy, các TCTD đã có nhiều chuyển biến rõ rệt trong các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn 2017 - 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Tính đến ngày 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564 nghìn tỉ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh mà NHNN hướng dẫn các TCTD cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).

Người lãnh đạo là chìa khóa để đẩy nhanh việc thực hiện ESG
 
Ông Kojima Masao - Tổng phụ trách Ngân hàng MUFG Việt Nam,
Tổng Giám đốc Ngân hàng MUFG Chi nhánh Thành phố Hà Nội phát biểu trong phiên thảo luận

 
Đề cập đến một số yêu cầu đặt ra để đẩy nhanh việc triển khai ESG và vai trò của các lãnh đạo ngân hàng là gì? Ông Kojima Masao, Tổng phụ trách Ngân hàng MUFG Việt Nam, Tổng Giám đốc Ngân hàng MUFG Chi nhánh Thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Một là, đào tạo để nâng cao nhận thức về ESG trong cộng đồng là cực kì quan trọng. Doanh nghiệp cần phải tham gia, trao đổi và tiêu chuẩn hóa ở tất cả các cấp độ nhân viên về ý nghĩa của ESG và cách thức thực hiện nó. Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, Ngân hàng MUFG đã đầu tư hơn 4.000 giờ đồng hồ vào việc đào tạo nhân viên ở mọi cấp độ, bao gồm nhiều chủ đề khác nhau trong lĩnh vực ESG. Nhóm Phát triển xanh bao gồm các nhân viên Ngân hàng MUFG thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau để đẩy nhanh trong Ngân hàng MUFG, giúp củng cố tư duy và kĩ năng ESG trong đội ngũ nhân viên của Ngân hàng MUFG. Bên cạnh đó, sử dụng các ấn phẩm tự phát hành, Ngân hàng MUFG góp phần nâng cao nhận thức về ESG, đưa ra đánh giá về thị trường, môi trường và các thách thức về việc giảm phát thải ở các nước châu Á, đồng thời đề xuất các giải pháp hữu hình từ góc độ của một tổ chức tài chính; Hai là, vai trò của người lãnh đạo là chìa khóa để đẩy nhanh việc thực hiện ESG, tiếp cận theo phương pháp từ trên xuống: (i) Các nhà điều hành cấp cao nhất nên ủng hộ các sáng kiến ESG và đưa ESG vào tầm nhìn chiến lược của công ty. Khi phát triển các chiến lược ESG, một lộ trình với các mục tiêu có thể đo lường được và các chính sách ESG minh bạch sẽ rất quan trọng cho việc thực hiện và đánh giá; (ii) Để triển khai ESG, thời gian là thứ chúng ta không có nhiều. Vì vậy, việc thực hiện có trọng tâm là rất quan trọng. Từ quan điểm của doanh nghiệp, ESG nên được đưa vào chiến lược cơ bản của công ty và không nên được xem như một “nhiệm vụ bổ sung cần được thực hiện”; (iii) Ngân hàng MUFG đã đặt quản lí bền vững là một trong những sáng kiến quan trọng nhất cho kế hoạch kinh doanh trung hạn này và thực hiện các biện pháp trên toàn tập đoàn, đặc biệt là sau khi đưa ra Tuyên bố trung hòa carbon vào năm 2021 để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, để đẩy nhanh việc triển khai ESG, theo ông Kojima Masao, tương tác với khách hàng trong hành trình ESG là rất quan trọng. Bằng cách kết hợp ESG vào quá trình ra quyết định, Ngân hàng có thể tác động đến khách hàng của mình để thực hiện cam kết bền vững hơn nữa. 

Khi đề cập tới việc vẫn còn khoảng cách lớn từ cam kết đến thực hiện vì còn nhiều rào cản, khó khăn trong quá trình thực hiện, qua đó đề xuất các giải pháp rút ngắn khoảng cách giữa cam kết thực hành ESG cho các doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam, ông Kojima Masao nhấn mạnh đến vai trò của Chính phủ. Theo ông, các cơ quan quản lí và hoạch định chính sách của Việt Nam đưa ra những giải pháp rõ ràng về danh mục phân loại xanh và các lĩnh vực trọng tâm cho tài chính xanh. Việc xây dựng năng lực cũng cần được ưu tiên cùng với sự hỗ trợ về mặt pháp lí để đẩy nhanh việc thực hiện ESG.

Khi có những chính sách và quy định rõ ràng về ESG, Chính phủ Việt Nam sẽ khuyến khích được nhiều doanh nghiệp hơn trong việc tích hợp các biện pháp thực hành ESG vào hoạt động kinh doanh của họ. Bên cạnh đó, ông Kojima Masao cho biết, khu vực tư nhân bao gồm sự tham gia của Nhóm đối tác quốc tế (IPG) là cần thiết. Các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn để tài trợ cho các dự án có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Ước tính sẽ cần khoảng 700 tỉ USD đầu tư trong ba thập kỉ tới để đạt được mục tiêu mức thải ròng bằng 0. Ngân hàng MUFG tích cực tham gia vào việc xây dựng quy định quốc tế và phổ biến ý kiến thông qua việc tham gia vào tổ chức toàn cầu bao gồm GFANZ Nhật Bản, AZEC, JETP…


Ông Trần Phương  - Phó Tổng Giám đốc BIDV (bên trái) phát biểu trong phiên thảo luận

 
Đánh giá về việc coi ESG là tiêu chí xét cấp tín dụng, ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, tiêu chí này cần được áp dụng chủ động ở cả khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng của ngân hàng. Cần đặt ra tiêu chí riêng cho từng nhóm ngành có tác động đến môi trường nhiều nhất trong quá trình xét duyệt cấp tín dụng. Ông Trần Phương cho biết thêm, hiện nay, trong nhóm khách hàng của BIDV, các doanh nghiệp dệt may ở phía Nam đã có báo cáo khá chi tiết về các tiêu chí bền vững. Thông qua các hoạt động quản trị rủi ro như vậy giúp cho mục tiêu xanh hóa bảng tổng kết tài sản của BIDV sẽ sớm đạt được. Đây cũng là xu hướng hành động của các ngân hàng trong thời gian tới. Ông Trần Phương nhấn mạnh, cần thiết phải có một cơ quan đánh giá tác động môi trường một cách độc lập.
 
Ông Phạm Đỗ Nhật Vinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty KPMG Việt Nam phát biểu trong phiên thảo luận
 
Tại phiên thảo luận, khi được hỏi về những khuyến nghị thúc đẩy thực hành ESG trong ngành Ngân hàng, góp phần hướng tới sự phát triển bền vững hệ thống ngân hàng và nền kinh tế Việt Nam? Ông Phạm Đỗ Nhật Vinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty KPMG Việt Nam cho biết: Tín dụng xanh nói riêng và chuyển đổi ESG nói chung là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu và cũng là xu thế hiện nay của ngành Ngân hàng ở Việt Nam. Thực thi ESG giúp ngân hàng hấp dẫn nhà đầu tư ngoại và kích thích khơi thông nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực phát triển công bằng. Ông Phạm Đỗ Nhật Vinh nêu một số khuyến nghị cho các NHTM như sau:

Thứ nhất, xây dựng các chính sách và khung quản trị ESG, cũng như các chính sách riêng cho hoạt động tín dụng xanh, quản lí rủi ro khí hậu gắn với mục tiêu xanh gồm năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, vệ sinh nước sạch...; Thứ hai, đẩy mạnh phát triển sản phẩm tín dụng xanh, tín dụng bền vững, các khoản vay liên kết bền vững sử dụng hợp lí nguồn vốn từ các ngân hàng hay các chương trình dự án của Nhà nước cho các dự án “xanh” nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường; Thứ ba, tổ chức, đào tạo, tăng cường năng lực cho các tổ chức tín dụng, các cá nhân tham gia xây dựng và triển khai cơ chế chính sách cho sản phẩm tín dụng xanh, tín dụng bền vững, các khoản vay liên kết bền vững nhằm nâng cao năng lực của toàn ngân hàng trong việc thực hiện; Thứ tư, nâng cao nhận thức của mọi người dân, cơ quan, tổ chức về tầm quan trọng và vai trò của tăng trưởng xanh. Đồng thời, các nhân viên ngân hàng cũng phải được tập huấn thường xuyên để nâng cao hiểu biết về các sản phẩm tín dụng mới này, từ đó có thể hỗ trợ khách hàng tốt hơn; Thứ năm, đẩy mạnh công tác truyền thông bằng việc tuyên truyền về tín dụng xanh tại các hội thảo, hội nghị để có thể tiếp cận với nhiều khách hàng; từ đó, cung cấp thông tin để khách hàng nắm bắt và hiểu rõ hơn về tín dụng xanh cũng như lợi ích của tín dụng xanh.
 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
 
Định hướng của NHNN về thực thi ESG trong ngành Ngân hàng thời gian tới

Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN đánh giá, Hội thảo đã tạo ra một diễn đàn trao đổi có tính tương tác cao giữa các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lí nhà nước, các tổ chức quốc tế, các vụ, cục, đơn vị chức năng thuộc NHNN, các NHTM, ngân hàng nước ngoài, các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học… cùng thảo luận, đánh giá về những cơ hội, thách thức trong việc thực thi ESG trong ngành Ngân hàng; phân tích các mô hình, tác động việc thực thi ESG của các nước trên thế giới đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, từ đó đưa ra những tham mưu chính sách đối với NHNN và khuyến nghị đối với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và đề xuất các giải pháp để thực thi có hiệu quả ESG đối với các TCTD trong thời gian tới.

Thông qua các bài tham luận, các ý kiến đóng góp tại Hội thảo cho thấy, rõ ràng ESG là một vấn đề mới, rất rộng và rất khó, có tính chất cấp bách, tính xu hướng của thế giới, cần thiết phải triển khai tại các quốc gia hiện nay. Đánh giá kết quả, nhận thức, trách nhiệm và hành động của Chính phủ và NHNN trong thời gian qua; khẳng định việc thực thi ESG trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, để hướng đến toàn diện các mục tiêu ESG trong lĩnh vực ngân hàng đang đặt ra rất nhiều thách thức. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lí và nỗ lực của chính các ngân hàng, mục tiêu ESG đặt ra tại các ngân hàng Việt Nam có thể thực hiện được.

Những nỗ lực tích cực và đồng bộ của các bên liên quan sẽ giúp ngành Ngân hàng Việt Nam dần khắc phục được các thách thức và đưa mục tiêu ESG trở thành trọng tâm trong chiến lược phát triển trong thập kỉ sắp tới. Với chiến lược có chủ đích và nỗ lực phối hợp, các ngân hàng có thể vượt qua những trở ngại để hoàn toàn tích hợp các yếu tố ESG như một ưu tiên cốt lõi trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh.

Đối với hoạt động ngành Ngân hàng thì ESG càng đặc biệt quan trọng vì nó đảm bảo sự bền vững trong nền kinh tế, phát triển tài chính, nguồn lực để đầu tư cho những mục tiêu. Về phía các NHTM cũng đã nhận thức, đã đưa ESG vào trong chương trình hành động của mình và triển khai xây dựng cơ chế tổ chức, điều hành hoạt động quản trị, nhận thức của lãnh đạo các NHTM, xác định rõ đây là vấn đề bắt buộc phải đối mặt để đạt được các tiêu chí ESG, từ đó có được các cơ hội, lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế.

TS. Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN đưa ra một số định hướng, chủ trương và giải pháp của NHNN đối với việc thực thi ESG trong ngành Ngân hàng, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu, các chương trình cam kết của Chính phủ.

Trước hết, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2018. Đây chính là căn cứ pháp lí để tổ chức triển khai những giải pháp, lộ trình thực hiện, trong đó có bao gồm cả những nội hàm về tín dụng xanh, tài chính xanh.

Thứ hai, ngành Ngân hàng đã và đang làm tốt về nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với ESG; đồng thời, xác định rõ đây là vấn đề trách nhiệm của toàn cầu, toàn xã hội, của cả nền kinh tế, trong đó có ngành Ngân hàng; thấy được thời cơ, thách thức và giải pháp triển khai thực hiện. Tất cả các TCTD đều phải nhận thức được vấn đề này và bắt buộc phải triển khai thực hiện. Nội dung Hội thảo này cũng chính là một trong những nội dung đặt ra trong những giải pháp của ngành Ngân hàng.

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện về khung khổ pháp lí cũng như khung quản trị để các TCTD triển khai thực thi an toàn, mạnh mẽ và có căn cứ rõ ràng. Trên cơ sở chờ Chính phủ ban hành Danh mục xanh chung cho các lĩnh vực,  ngành nghề, NHNN sẽ hoàn thiện và làm rõ hơn Danh mục mà trước đây cũng đã đặt ra để thuận lợi cho việc triển khai của các TCTD…

Thứ tư, NHNN sẽ có những chính sách để động viên thu hút, tạo nguồn lực cho ngành Ngân hàng trong việc thực thi ESG.

Thứ năm, xây dựng các cơ chế tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực tín dụng xanh để đạt được những khuôn khổ, tiêu chí của ESG; làm rõ hơn các đối tượng, các lĩnh vực, chương trình các dự án xanh để tạo điều kiện cho các TCTD triển khai thực hiện.

Thứ sáu, tiếp tục đưa vấn đề ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động ngân hàng để tạo ra hiệu quả cao hơn, đặc biệt là trong bối cảnh cả thế giới và cả nước, cả nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ và ứng dụng rất nhanh về công nghệ số.

Thứ bảy, chỉ đạo các TCTD, xác định trách nhiệm của các TCTD trong việc tiếp cận và triển khai ESG. Có những chính sách động viên các TCTD làm tốt việc thực thi ESG thông qua việc đánh giá, xếp loại hằng năm; tạo điều kiện về nguồn vốn, tăng trưởng tín dụng, coi đây là một chỉ tiêu để khuyến khích trong việc phân bổ hạn mức tín dụng hằng năm; khẩn trương thực hiện để đảm bảo được các mục tiêu trong cơ chế thị trường cạnh tranh./.

Xuân Mai - Phúc Lâm
(Ảnh: P.Trang - Đ.Thuận)
 
 

Theo: Tạp chí Ngân hàng