FED tăng lãi suất thêm 0,25% nhằm đẩy lùi lạm phát

17/03/2022 - 17:27
(Bankviet.com) Kết thúc cuộc họp kéo dài trong hai ngày 15-16/3/2022, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, lần đầu tiên kể từ năm 2018, khi cơ quan này bắt đầu tiến hành chu kỳ giảm lãi suất.

Quyết định tăng lãi suất lần này là động thái đối phó với xu hướng leo thang lạm phát, nhưng được cho là không tác động đáng kể đến nền kinh tế. Với quyết định này, lãi suất cơ bản sẽ dao động trong phạm vi 0,25-0,5%, chi phí vay vốn sẽ tăng dần, kinh tế sẽ giảm tốc trong năm nay. Trước áp lực gia tăng lạm phát, một số quan chức FED đề xuất tăng lãi suất thêm 0,5% lên 0,5-0,75%.

Tại cuộc họp, FED cũng phát tín hiệu về khả năng sẽ tiến hành thêm 6 đợt tăng lãi suất trong năm nay lên khoảng 1,9% vào cuối năm nay, sau đó sẽ tiếp tục tiến hành thêm ba đợt tăng lãi suất lên 2,8% vào cuối năm 2023, và ổn định ở mức lãi suất này trong năm 2024; đồng thời sẽ bắt đầu giảm dần quy mô chương trình mua trái phiếu tại cuộc họp vào tháng 5 tới đây, mục tiêu cơ bản là chống lạm phát.

Cùng với quyết định tăng lãi suất, các quan chức FED đã điều chỉnh giảm dự báo các chỉ số kinh tế cơ bản, trong bối cảnh lạm phát có xu hướng sẽ tăng cao hơn nhiều, chủ yếu là do những tác động tiềm tàng từ cuộc chiến Nga - Ukraina. Cụ thể là, GDP năm 2022 dự kiến chỉ tăng 2,8%, thấp hơn dự báo tăng 4,0% đưa ra vào tháng 12/2021, sau đó giảm xuống mức tăng trưởng 2,2% vào năm 2023 và 2,0% vào năm 2024, ổn định ở mức tăng trưởng 1,8% trong dài hạn; tỷ lệ thất nghiệp năm nay dự báo giảm xuống 3,5% và dao động quanh mức này trong năm 2023, sau đó tăng lên 3,6% vào năm 2024 và 4,0% trong dài hạn; lạm phát cơ bản (được xác định theo chỉ số chi tiêu dùng cá nhân - PCE) sẽ tăng 4,3% trong năm nay (tăng khá cao so với dự báo tăng 2,7% đưa ra hồi tháng 12/2021, sau đó giảm xuống 2,7% vào năm 2023 và 2,3% vào cuối năm 2024; lạm phát lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm) dự kiến tăng lần lượt 2,7% và 2,3% trong 2 năm tới, sau đó giảm xuống 2% trong dài hạn.

Sau đà giảm ban đầu, các thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi trong giờ giao dịch cuối phiên khi một số nhà đầu tư ủng hộ quan điểm tích cực của FED với nhận định, xu hướng chính sách của Fed sẽ giúp ích cho nền kinh tế trong dài hạn. Tại thị trường Phố Wall, sau khi giảm xuống 33.391,24 điểm, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã bật tăng trở lại với mức tăng 518,17 điểm (1,55%) lên 34.063,1 điểm vào cuối phiên, mức tăng cao nhất trong 4 năm qua; chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 487,93 điểm (3,77%) lên 13.436,55 điểm, ghi nhận ngày tăng điểm cao nhất kể từ 11/2020; chỉ số S&P 500 tăng 95,41 điểm (2,24%) lên 4.357,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ trong ngày 16/3 là 15,82 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với trung bình 14,04 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó. 

Trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500, hàng tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ tăng mạnh nhất (trên 3%, dịch vụ viễn thông và tài chính tăng gần 3%. Hai lĩnh vực đóng cửa trong sắc đỏ là năng lượng (giảm 0,4%), và tiện ích (giảm 0,2%).

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2019, các cổ phiếu ngân hàng cũng tăng nhờ lạc quan lợi nhuận sẽ được thúc đẩy từ mức lãi suất cao. Cổ phiếu JPMorgan tăng 4,4%, cổ phiếu Bank of America tăng 3,1%.

(Nguồn: Bloomberg, Fed, Market Watch, Reuters)

Xuân Thanh

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ