Ga Đà Lạt tăng giá vé tham quan: Cần tạo sự tin tưởng và đồng thuận từ công chúng

14/09/2024 - 01:22
(Bankviet.com) Việc điều chỉnh tăng giá vé tham quan ga Đà Lạt được các chuyên gia nêu ý kiến rằng cần thực hiện minh bạch, công bằng, tạo ra sự tin tưởng và đồng thuận.
Lâm Đồng: Ga Đà Lạt với kiến trúc, công năng đặc biệt, ngày càng hút khách Đơn vị quản lý, vận hành nói gì về việc tăng giá vé vào cổng ga Đà Lạt lên gấp 10 lần?

Ga Đà Lạt tăng phí tham quan, dư luận phản ứng

Mới đây, Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông báo tăng giá vé vào cổng ga Đà Lạt từ ngày 1/10, từ 5.000 lên 50.000 đồng/lượt (tăng gấp 10 lần) cho người từ 6 tuổi trở lên, miễn phí vé cho người khuyết tật và trẻ em dưới 6 tuổi có người lớn đi cùng. Việc điều chỉnh tăng phí tham quan vào ga Đà Lạt ngay khi được công nhận là điểm du lịch đã gây bất ngờ với công chúng và nhận phản ứng trái chiều từ dư luận.

Ga Đà Lạt tăng giá vé tham quan: Cần tạo sự tin tưởng và đồng thuận từ công chúng
Ga Đà Lạt. Ảnh Yiru

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc tăng giá vé tham quan ga Đà Lạt từ 5.000 đồng lên 50.000 đồng sau khi được công nhận là điểm du lịch không chỉ là một con số, mà là một dấu mốc quan trọng cho sự phát triển và bảo tồn của địa phương. Đây là một cơ hội, nguồn lực quan trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ và cải thiện cơ sở hạ tầng, đồng thời bảo vệ những giá trị quý giá của ga Đà Lạt mà chúng ta yêu quý.

Sự điều chỉnh này có thể khiến người dân, đặc biệt là du khách cảm thấy bất ngờ, nhưng PGS.TS Bùi Hoài Sơn tin rằng, đằng sau mỗi đồng tiền tăng thêm là một cam kết vững chắc để giữ gìn vẻ đẹp thiên nhiên và sự độc đáo của ga Đà Lạt. "Đây không chỉ là về giá vé, mà là về việc tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ và bền vững cho tất cả du khách"- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Còn ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á nêu ý kiến rằng, việc tăng giá vé tham quan Đà Lạt lên 10 lần có thể gây ra sự bất đồng ý kiến từ cộng đồng du khách. Tuy nhiên, nếu việc tăng giá nhằm mục đích duy tu, sửa chữa và nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch của địa điểm, đồng nghĩa với việc cải thiện trải nghiệm của du khách thì điều này có thể được chấp nhận. “Với phí tăng từ 5.000 lên 50.000 đồng tuy không cao nhưng liền một lúc mà chưa có kế hoạch hay công báo lộ trình và giải trình cụ thể cũng là một vấn đề khá nhạy cảm dễ nhận được phản hồi không tốt cho việc tăng phí này”- ông Quỳnh nói.

Trước phản ứng của dư luận, Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn đã lên tiếng và cho hay, việc tăng giá vé dựa trên quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng về công nhận ga Đà Lạt là điểm du lịch. Mục tiêu của việc tăng giá vé là đảm bảo nguồn lực duy tu, bảo tồn và nâng cấp cơ sở hạ tầng ga Đà Lạt, đáp ứng tiêu chuẩn di sản quốc gia. Đồng thời, việc nâng cao chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng tại nhà ga Đà Lạt sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho du khách, đồng thời giữ vững hình ảnh của địa điểm du lịch này.

Lý do mà đơn vị vận hành đưa ra cho việc tăng giá vé nhằm huy động nguồn lực bổ sung để duy tu, sửa chữa, và tôn tạo nhà ga Đà Lạt, đồng thời nâng cao hình ảnh và tiện ích phục vụ du khách được cho là một lý do hợp lý và có cơ sở. Đây có thể là một cách tiếp cận thực tế để bảo đảm rằng công trình kiến trúc cấp quốc gia này được duy trì và phát triển đúng tầm với giá trị lịch sử và văn hóa của nó.

Tuy nhiên, ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, trong việc thu phí ở các điểm di tích, di sản, cần có sự cân nhắc tỉ mỉ để đảm bảo rằng việc thu phí không gây áp lực quá lớn đối với du khách, nhất là đối với người dân địa phương. "Việc sử dụng nguồn lực từ việc thu phí cần được quản lý và sử dụng hiệu quả để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản một cách bền vững. Cần phải thiết lập các chính sách quản lý thu phí một cách minh bạch và công bằng để tránh tình trạng tận thu di sản"- ông Quỳnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, chính quyền thành phố Đà Lạt cũng phải công khai, minh bạch những công việc có liên quan để giải trình thích đáng cho việc tăng giá vé để đảm bảo sự tin tưởng và ủng hộ từ du khách cũng như cộng đồng. Làm sao để du khách cần thấy rằng khoản phí họ bỏ ra đang góp phần vào việc bảo tồn, cải thiện và phát triển di sản, và bằng việc chi trả cao hơn, họ cũng đang thể hiện trách nhiệm đạo đức đối với di sản của cha ông.

Thu phí nhưng không tạo gánh nặng cho những người có thu nhập thấp

Việc thu phí thăm quan di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh thuộc địa phương quản lý đã được quy định rõ trong Luật Phí và lệ phí, trong đó quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định thu phí thăm quan di tích lịch sử đối với công trình thuộc địa phương quản lý.

Theo Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, phí thăm quan danh lam thắng cảnh, phí thăm quan di tích lịch sử và phí thăm quan công trình văn hóa, bảo tàng là khoản thu để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí về bảo quản, tu bổ, phục hồi và quản lý đối với danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hoá, bảo tàng và bù đắp chi phí cho hoạt động thu phí.

Trong Luật Phí và lệ phí cũng như trong Thông tư hướng dẫn cũng nêu rõ, căn cứ điều kiện kinh tế, xã hội, quy mô, hình thức hoạt động thăm quan của từng danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hoá, bảo tàng để quy định mức thu phí phù hợp, nhưng phải bảo đảm mức thu được áp dụng thống nhất đối với người Việt Nam và người nước ngoài.

Nhấn mạnh mỗi di sản văn hóa đều chứa đựng một phần hồn cốt của quá khứ, là chứng nhân của lịch sử và văn hóa. PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ, chúng ta cần phải nhìn nhận việc bảo tồn di sản như một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và có rất nhiều ý nghĩa. Theo đó, việc tăng giá vé cần phải được xem là một cách để duy trì và chăm sóc cho những giá trị quý báu này, không phải là sự khai thác vô tận.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, chúng ta không thể quên rằng di sản thuộc về tất cả mọi người. Việc thu phí cần phải được thực hiện một cách công bằng, không tạo gánh nặng cho những người có thu nhập thấp hay các nhóm cộng đồng khác. Cung cấp các chính sách giảm giá cho học sinh, sinh viên, và cư dân địa phương là một cách để đảm bảo rằng di sản vẫn luôn mở cửa cho tất cả mọi người.

Trước phản ứng của dư luận, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã chính thức đề nghị Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn, thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cân nhắc điều chỉnh mức thu phí tham quan tại ga Đà Lạt để phù hợp với du khách. Đề xuất này nhằm xây dựng lộ trình và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, từ đó đề xuất phương án tối ưu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cũng nêu rõ cần tránh những dư luận xấu ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu của di tích kiến trúc ga Đà Lạt.

Ga Đà Lạt đã được xây dựng từ năm 1932 đến năm 1938 nằm trên địa bàn phường 10, thành phố Đà Lạt, với tổng diện tích 43.686m2. Ga đường sắt Đà Lạt được mệnh danh là nhà ga xe lửa cổ đẹp nhất Việt Nam và Đông Dương. Ga Đà Lạt đã được nhà nước xếp hạng là di tích kiến trúc cấp quốc gia vào năm 2001. Tháng 7/2024 ga Đà Lạt được công nhận là điểm du lịch.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương