Hiệp định UKVFTA: Chất xúc tác đẩy nhanh cải cách thể chế Hiệp định UKVFTA: Điểm sáng trong hợp tác Việt Nam - Anh |
Sau gần 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA), xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã có sự tăng trưởng tích cực. Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). |
Sau khoảng 1 năm rưỡi thực thi Hiệp định UKVFTA, bà đánh giá như thế nào về tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh?
Cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định UKVFTA cũng là một hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia với nhiều kỳ vọng khi các đối tác là các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới.
Vương quốc Anh và Bắc Ailen là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu (sau Đức và Hà Lan).
Vương quốc Anh và Bắc Ailen là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 4 thế giới trong khi thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh và Bắc Ailen mới chiếm khoảng 0,9% trong tổng nhập khẩu của Vương quốc Anh và Bắc Ailen, như vậy với dung lượng thị trường còn nhiều dư địa, mức thuế nhập khẩu được xoá bỏ về cơ bản theo cam kết UKVFTA, cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu các ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh và Bắc Ailen là rất lớn.
Thực tế Hiệp định UKVFTA thực thi đến nay đã gần 2 năm, nếu tính cả thời gian được hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định EVFTA thì hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh đã được hưởng ưu đãi thuế quan hơn 2 năm.
Thực tiễn cho thấy, thương mại của Việt Nam với thị trường Anh đã có những tăng trưởng đáng kể sau khi thực thi hiệp định. Năm 2021, thương mại hai chiều giữa 2 nước tăng 17,2% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh đạt 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; nhập khẩu của Việt Nam từ Anh tăng 23,6%. 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 5,14 tỷ USD, ghi nhận mức tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Qua đó, có thể thấy xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đã ghi nhận tăng trưởng tích cực sau khi thực thi hiệp định, tuy vậy vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục thúc đẩy khai thác thị trường trong thời gian tới.
Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt sang Vương quốc Anh trong thời gian qua là các mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh |
Vậy đâu là những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ấn tượng sang Vương quốc Anh sau một thời gian ngắn thực thi UKVFTA, thưa bà?
Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt sang Vương quốc Anh trong thời gian qua là các mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh và được hưởng cam kết ưu đãi thuế quan trong Hiệp định UKVFTA như: Dệt may, da giày, cà phê, hạt tiêu, máy móc thiết bị, đồ chơi, dụng cụ thể thao. Hàng rau quả, bánh kẹo và các sản phẩm ngũ cốc cũng ghi nhận mức tăng cao về kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, hàng dệt, may xuất khẩu sang Anh năm 2021 tăng 6,7% so với năm 2020 và 10 tháng đầu năm 2022 đạt 687 triệu USD, tăng 46,6% so với cùng kỳ; con số tương tự của giày dép lần lượt là 9,2% và 44,9%.
Mặt hàng rau quả năm 2021 xuất khẩu sang Anh đạt 19,4 triệu USD, tăng 66,9% so với năm 2020; 10 tháng năm 2022 đạt 17,5 triệu USD, tăng 14,9%. Cà phê cũng ghi nhận xuất khẩu tăng 16,8% trong năm 2021 và 22,5% trong 10 tháng năm 2022.
Xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang Anh cũng ghi nhận tăng cao, cụ thể năm 2021 đạt 623 triệu USD, tăng 16,4%; 10 tháng năm 2022 đạt 711 triệu USD, tăng 36,6%.
Vương quốc Anh là một trong những thị trường có sức mua lớn, nhưng đây cũng là thị trường có những tiêu chuẩn cao về hàng hoá. Trong bối cảnh đó, theo bà, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tận dụng tốt hơn cơ hội đưa hàng vào thị trường này?
Vương quốc Anh là thị trường còn nhiều tiềm năng, dư địa thâm nhập thị trường cho hàng hoá Việt Nam còn rất lớn. Để vượt qua các khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tập trung vào 3 vấn đề: Thứ nhất, chủ động xây dựng kế hoạch phát triển thị trường của doanh nghiệp cho từng sản phẩm vào thị trường Vương quốc Anh. Theo đó, kế hoạch càng chi tiết, càng gắn với phát huy lợi thế cam kết FTA, đặc biệt là điều chỉnh kế hoạch mua nguyên vật liệu, kế hoạch sản xuất để đáp ứng yêu cầu về xuất xứ và các yêu cầu về an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hoá.
Thứ hai, tăng cường cập nhật thông tin thị trường, chính sách; đặc biệt, chủ động hơn nữa trong nắm bắt thông tin về Hiệp định UKVFTA để tận dụng triệt để các cơ hội và hạn chế các thách thức, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tham khảo tại Cổng thông tin về FTA của Bộ Công Thương ở địa chỉ www.fta.moit.gov.vn có các thông tin về cam kết, các cẩm nang về thương mại của Việt Nam với thị trường Anh.
Thứ ba, tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác thị trường và xúc tiến thương mại, quảng cáo trên website, email... để nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến xuất khẩu tại thị trường Anh.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Nguyễn Hòa (thực hiện)