Gạo Việt tiếp tục “sốt giá” khi tăng lên mốc 663 USD/tấn

07/11/2023 - 05:05
(Bankviet.com) Sau 1 tuần chững lại, đầu tuần này giá gạo Việt tiếp tục tăng thêm 10 USD, lên mốc 663 USD/tấn. Giá tăng nhưng với doanh nghiệp không hẳn là tin vui.
Giá gạo Việt ngược chiều tăng, tiếp tục thiết lập đỉnh mới ở mức 653 USD/tấn Nguyên nhân khiến giá gạo Việt "một mình một chợ"

Liên tục thiếp lập đỉnh giá mới

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo Việt tiếp tục xác lập cột mốc mới khi tăng thêm 10 USD/tấn với cả 2 loại gạo 5% và 25% tấm vào tuần này. Cụ thể, gạo 5% điều chỉnh lên mức 663 USD/tấn; gạo 25% lên mức 648 USD/tấn.

Việc giá gạo trắng tăng cũng kéo theo giá một số chủng gạo phân khúc cao cấp cũng điều chỉnh tăng thêm. Điển hình là gạo Jasmine hiện ở mức 748 USD/tấn - tức là tăng khoảng 60 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 8/2023.

Trong khi giá gạo Việt Nam điều chỉnh tăng mạnh thì gạo loại 5% tấm của Thái Lan tiếp tục giảm nhẹ 3 USD, xuống còn 558 USD/tấn; riêng gạo 5% tấm của Pakistan điều chỉnh tăng nhẹ trở lại sau thời gian giảm, lên mức 568 USD/tấn.

Xuất khẩu gạo
Xuất khẩu gạo Việt Nam liên tục thiết lập cột giá mới

Như vậy, từ giữa tháng 7/2023 tới nay gạo Việt liên tục đón tin vui khi xuất khẩu tăng, giá tăng và liên tục thiết lập kỷ lục mới về giá bán. Theo số liệu của Theo Tổng cục Hải Quan, luỹ kế 10 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu 7,1 triệu tấn, tương ứng gần 4 tỷ USD; tăng 17% về lượng và 35% về giá so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất kể từ khi gia nhập thị trường gạo thế giới hơn 3 thập kỷ trước.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, với mức giá này, gạo Việt tiếp tục thiết lập cột mốc mới khi lần đầu tiên trong lịch sử đạt mức 663 USD/tấn cho gạo 5% tấm, đồng thời bỏ xa gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 105 USD/tấn và Pakistan 95 USD/tấn.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA dự báo, việc tăng giá có thể sẽ còn kéo dài do nguồn cung khan hiếm. Cụ thể, Philippines có nhu cầu nhập thêm 1,1 triệu tấn, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo. Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu gạo từ Trung Quốc dự báo cũng sẽ tăng trong những tháng cuối năm. Điều này cho thấy dư địa xuất khẩu gạo của Việt Nam còn rất lớn khi các thị trường tiêu thụ gạo lớn của Việt Nam liên tục tăng nhu cầu mua vào. Dự kiến trong năm 2023 Việt Nam có thể xuất khẩu đạt 8 triệu tấn gạo.

Doanh nghiệp kém vui

Mặc dù giá tăng nhưng với các doanh nghiệp đây không hẳn là tin vui. Theo các doanh nghiệp, khi giá gạo xuất khẩu càng cao thì việc thu mua và chốt đơn càng khó khăn. Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Vrice Group- chia sẻ, giá gạo hiện quá cao và doanh nghiệp hầu như không bán được hàng. Thậm chí, một số loại gạo ở phân khúc cao cũng tăng theo gạo trắng từ 30-40 USD/tấn khiến doanh nghiệp ở thế khó khi thương thảo hợp đồng. “Giá cao khiến các hợp đồng giao cho tháng 12/2023 và quý I/2024 gần như không ký được bởi khách mua cầm chừng và có khách hàng đã chuyển sang mua của quốc gia khác”- ông Có nói.

Cũng như ông Có, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho hay, việc giá gạo tăng theo ngày như hiện nay khiến giá nội địa tiếp tục được đẩy lên cao.

Thực tế, theo thống kê của VFA, chỉ tính trong tuần từ 26/10 đến 2/11/2023, giá lúa gạo các loại đều đồng loạt điều chỉnh tăng bình quân từ 136-425 đồng/kg, tùy loại so với tuần trước đó. Và giá lúa thường tại ruộng hiện có giá bình quân lên tới 8.757 đồng/kg, tăng 250 đồng/kg; giá lúa thường tại kho ở mức 10.033 đồng/kg, tăng 308 đồng/kg; giá gạo xát trắng loại 1 tăng 425 đồng, lên 15.775 đồng/kg; gạo 5% tấm ở mức 15.636 đồng/kg, tăng 293 đồng/kg… Điều này cho thấy giá lúa gạo nội địa đã tăng tương ứng với giá xuất khẩu, trong khi đó các hợp đồng đã ký từ trước lại không đạt mức như hiện tại khiến doanh nghiệp cứ ký là lỗ, buộc họ phải xem xét lại hợp đồng.

Ngoài vấn đề giá tăng, một khó khăn mà doanh nghiệp gạo đang phải đối mặt là mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức cao. Đồng thời, việc VND duy trì tương đối ổn định trong khi đồng tiền các nước mất giá nhiều đã khiến doanh nghiệp xuất khẩu bị lỗ chêch lệch tỷ giá lớn.

Giá gạo toàn cầu dự kiến sẽ không hạ nhiệt trước năm 2025

Theo báo cáo triển vọng hàng hóa toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, giá gạo toàn cầu dự kiến sẽ không giảm trước năm 2025 do hạn chế xuất khẩu từ các quốc gia sản xuất lớn và mối đe dọa tiếp tục của El Nino.

Báo cáo được công bố gần đây cũng cho biết giá gạo toàn cầu vốn trung bình năm 2023 cao hơn 28% so với năm 2022, dự kiến sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024. Điều này một phần là do mối đe dọa từ El Nino và phản ứng chính sách từ các nhà xuất khẩu và nhập khẩu.

Mai Ca

Theo: Báo Công Thương