Trong báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 26/10, GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới ghi nhận tăng trưởng 4,9% trong quý III/2023 (đã hiệu chỉnh theo cơ sở năm), cao hơn mức dự báo 4,7% của các chuyên gia kinh tế phố Wall và cũng cao hơn nhiều so với mức 2,1% của quý II/2023. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ quý IV/2021.
Mức tăng trưởng mạnh mẽ này đến từ chi tiêu tiêu dùng, đầu tư hàng tồn kho, xuất khẩu, mua nhà và chi tiêu của Chính phủ.
Chi tiêu tiêu dùng - được đo lường theo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - tăng 4% trong quý III/2023, cao hơn rất nhiều so với mức 0,8% của quý II và đóng góp 2,7 điểm phần trăm vào tổng mức tăng GDP. Chi tiêu của người tiêu dùng đối với hàng hoá tăng 4.8%, còn với dịch vụ tăng 3,6%. Đầu tư nội địa của khu vực tư nhân vọt 8,4%, chi tiêu và đầu tư Chính phủ tăng 4,6%.
Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh ngay cả khi nhiều chuyên gia kinh tế dự báo ít nhất sẽ có một cuộc suy thoái nhẹ và điều này là nhờ chi tiêu tiêu dùng vượt kỳ vọng. Được biết, chi tiêu tiêu dùng đóng góp 68% GDP quý III/2023.
Ngay cả khi các khoản trợ cấp từ Chính phủ trong thời COVID-19 đã cạn, chi tiêu vẫn rất mạnh vì các hộ gia đình vẫn còn khoản tiết kiệm và họ dùng thẻ tín dụng.
Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đã giảm xuống còn 3,8% trong quý III/2023, so với 5,2% trong quý trước đó. Ngoài ra, thu nhập sau thuế thực tế giảm 1% trong kỳ sau khi ghi nhận tăng 3,5% trong quý II.
Đà tăng trưởng mạnh vẫn diễn ra dù Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất lên mức đỉnh 22 năm, đồng thời báo hiệu sẽ duy trì lãi suất ở mức cao cho tới khi lạm phát trở về mục tiêu 2%. Hiện lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu của FED, nhưng đã hạ nhiệt trong vài tháng gần đây.
Michael Arone, chiến lược gia tại State Street Global Advisors, cho rằng việc người dân chi tiêu mạnh tay trong quý III đã được nhìn thấy từ trước và không có điều bất ngờ nào trong báo cáo GDP vừa được công bố có thể làm thay đổi triển vọng chính sách tiền tệ. Do đó, thị trường tài chính không quá hưng phấn trước thông tin trên.
Mặc dù số liệu kinh tế vĩ mô mới nhất có thể cung cấp cho FED một số động lực để giữ chính sách thắt chặt, theo khảo sát nhanh của CME Group, thị trường vẫn cho rằng cơ quan này ít có khả năng tăng lãi suất trong cuộc họp định kỳ sắp tới.
Còn Jeffrey Roach, chuyên gia kinh tế trưởng tại LPL Financial thì lưu ý, nhà đầu tư không nên ngạc nhiên khi người dân chi tiêu mạnh tay trong những tháng cuối cùng của mùa hè mà câu hỏi thực sự là liệu xu hướng này có thể tiếp tục trong các quý tới hay không. “Tôi cho rằng là không”, Jeffrey Roach nói.
Matthew Ryan, chiến lược gia thị trường tại Ebury, công ty dịch vụ tài chính toàn cầu, cho biết thêm: "Điểm mấu chốt mà FED coi trọng là không xảy ra suy thoái và các nhà hoạch định chính sách hài lòng với việc họ có thể giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn mà không gây ra sự sụp đổ trong nền kinh tế Mỹ. Tôi không nghĩ rằng, dữ liệu GDP ấn tượng này sẽ đủ để khiến FED tăng thêm lãi suất, mặc dù vậy, ít nhất có thể tin tưởng đợt hạ lãi suất đầu tiên trong chu kỳ này vẫn còn xa”.
Bên cạnh lãi suất và lạm phát, vẫn còn nhiều vấn đề khác cần phải đối phó, chẳng hạn như việc chi trả nợ của sinh viên, giá khí đốt cao và thị trường chứng khoán ảm đạm.
Căng thẳng địa chính trị cũng là một nỗi lo, khi xung đột Israel - Hamas vẫn chưa hạ nhiệt, và xung đột Nga - Ukraine chưa thấy điểm kết thúc.
Q.L