Báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý IV ước tính tăng 5,22% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính năng cả năm 2021, GDP Việt Nam năm 2021 tăng 2,58% (quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%).
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.
Riêng trong quý IV/2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,61%; khu vực dịch vụ tăng 5,42%.
Về sử dụng GDP quý IV/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,37%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,28%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,36%.
Mặc dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến – tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản, kết quả hoạt động năm 2021 của ngành nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, tăng 3,18%, đóng góp 0,29 điểm % vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; Ngành lâm nghiệp tăng 3,88%, đóng góp 0,02 điểm và ngành thủy sản tăng 1,73%, đóng góp 0,05 điểm.
Tại báo cáo Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 27- 31/12/2021 vừa được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) công bố cho biết, thêm một dấu hiệu tích cực của nền kinh tế những tháng cuối năm là sản xuất công nghiệp trong quý IV/2021 phục hồi với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 6,52% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82% so với năm 2020. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%; Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%. Trong khi đó, ngành khai khoáng giảm 6,21% do sản lượng dầu mỏ thô khai thác giảm 5,7% và khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 19,4%.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, mặc dù số thống kê mới nhất tốt hơn so với tốc độ tăng 4,61% trong quý IV/2020 nhưng vẫn thấp hơn 2,5 điểm % so với mức trung bình 6,77% của quý IV trong giai đoạn 2011-2019, cho thấy rằng, hoạt động kinh doanh - đặc biệt lĩnh vực dịch vụ - tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Điều này được phản ánh trong sản lượng của các ngành dịch vụ chỉ tăng 1,22% trong năm 2021, chậm hơn so với mức tăng 2,34% vào năm 2020, do phân khúc dịch vụ lưu trú và thực phẩm giảm gần 21% từ mức giảm 15% năm 2020, mặc dù một số phân khúc khác như giáo dục, viễn thông và các dịch vụ tài chính đã tăng trưởng tốt trong năm nay.
Hoạt động bán lẻ là một trong những lĩnh vực tăng trưởng kém trong năm 2021 khi du lịch và chi tiêu tiêu dùng thấp tiếp tục là lý do dẫn đến thiệt hại lớn trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Tổng doanh thu bán lẻ giảm 3,8% vào năm 2021, sâu hơn so với mức tăng 2,6% vào năm 2020 do các phân khúc liên quan đến du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là trong nửa cuối năm.
Dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2022, Báo cáo Tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý IV/2021 của Ngân hàng UOB vừa công bố nhận định, với khoảng 70% trên mức tổng dân số 98 triệu của đất nước đã được tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin và các cơ quan chức năng có ý định triển khai các mũi tiêm nhắc lại cho người trưởng thành vào cuối quý I/2022, các hoạt động nội địa của Việt Nam sẽ ở vào vị thế tốt hơn nhiều hỗ trợ tăng trưởng vào năm 2022.
Tuy nhiên, biến thể Omicron tiếp tục là một thách thức chính, làm gia tăng những rủi ro ảnh hưởng phục hồi kinh tế toàn cầu và trong nước, đặc biệt là trong quý I/2022. Do đó, UOB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 6,8% (từ 7,4% báo cáo trước đó) cho năm 2022, cao hơn con số Quốc hội chính thức thông qua là 6,0%-6,5%.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, mục tiêu đưa tăng trưởng GDP của Việt Nam về mức 6,0-6,5% là hoàn toàn khả thi nếu Việt Nam đáp ứng được 2 điều kiện, cụ thể:
Điều kiện đầu tiên là kiểm soát tốt đại dịch. Mặc dù đây không phải nhiệm vụ dễ dàng bởi các quốc gia trên thế giới đều đang bị ảnh hưởng bởi virus SARS-CoV-2 và sắp tới có thể sẽ xuất hiện các biến thể mới, nhưng bước đầu tiên là làm tất cả những gì có thể để kiểm soát đại dịch.
Điều kiện thứ hai là cải thiện cán cân cung - cầu. Theo chuyên gia, Chính phủ Việt Nam đã triển khai rất hiệu quả việc khôi phục các khu vực sản xuất, xuất khẩu và đã đạt được những kết quả ấn tượng. Do vậy, có thể nói phía cung đã phát đi những tín hiệu tích cực và vấn đề đang nằm ở phía cầu. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang xem xét triển khai các biện pháp kích cầu mạnh mẽ hơn, ví dụ như ban hành các gói tài khóa như nhiều quốc gia khác đã thực hiện. Việc triển khai gói tài khóa này hoàn toàn khả thi vì Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa, với tỷ lệ nợ công trên GDP mới chỉ ở mức 44% trong khi trần nợ công đã được Quốc hội thông qua ở mức hơn 60%, Việt Nam vẫn còn dư địa để vay vốn.
Ngoài ra, với lượng dự trữ tiền mặt ở mức cao, Việt Nam cũng có thể tăng chi ngân sách bằng cách khởi động lại các chương trình đầu tư công như đã triển khai trong năm 2020, đồng thời hỗ trợ cho những người dân bị mất việc làm, giảm thu nhập hay đã cạn sạch tiết kiệm do đại dịch.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng có thể thực hiện giảm thuế và giảm phần đóng góp của người dân để thúc đẩy chi tiêu. Tuy nhiên, chuyên gia của WB cũng lưu ý rằng chính phủ không nên quá lạm dụng công cụ này mà chỉ sử dụng khi cần thiết để kích thích tăng trưởng và đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng vốn có từ trước thời kỳ đại dịch.
Thanh Hải
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ