Giá cà phê xuất khẩu quay đầu giảm sốc sau nhiều phiên tăng kỷ lục

19/04/2024 - 20:43
(Bankviet.com) Giá cà phê thế giới giảm mạnh sau nhiều phiên liên tiếp tăng rất mạnh, vượt qua mọi kỷ lục. Giá cà phê Robusta và Arabica quay đầu giảm ngay sau phiên 18/4.
Hơn 3 tháng, giá cà phê Robusta đã tăng gần 50% so với cuối năm 2023 Giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh, cà phê Robusta chính thức vượt ngưỡng 4.000 USD/tấn Tăng 5%, giá cà phê Robusta lập đỉnh cao nhất mọi thời đại

Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/4, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe London quay đầu giảm rất mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2024 giảm 153 USD, giao dịch tại 4.234 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 giảm 133 USD giao dịch tại 4.195 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình cao.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2024 giảm 8,10 Cent, giao dịch tại 239,85 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2024 giảm 9,25 Cent, giao dịch tại 231,10 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.

Giá cà phê trong nước liên tục vượt các kỷ lục vừa đạt được, vượt mốc 110.000 đồng/kg, rồi vượt ngưỡng 122.000 đồng/kg vào ngày 18/4. Giá cà phê nhân xô những ngày đầu tháng 4 ở các vùng thu mua trọng điểm tăng gần 60% so với đầu năm và tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Trên thị trường nội địa, cùng với đà giảm của thị trường quốc tế, giá cà phê tại các tỉnh đồng loạt giảm từ 1.000 – 1.200 đồng/kg. Cụ thể, ngày 19/4, giá cà phê tại Đăk Lăk đạt 121.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng so với ngày trước đó; tại Lâm Đồng đạt 120.600 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg; tại Gia Lai đạt 120.800 đồng/kg, giảm 1.200 đồng/kg. Giá cà phê tại Đăk Nông cũng ghi nhận giảm 1.000 đồng/kg, còn đạt 121.200 đồng/kg.

Hiện tại, hoạt động thu hoạch cà phê của niên vụ 2023 – 2024 đã kết thúc. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường cà phê có thể đang diễn ra nhưng nguyên nhân không đến từ yếu tố chủ quan tại Việt Nam.

Quý I, Việt Nam xuất khẩu 585.696 tấn cà phê với kim ngạch 1,9 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2013 đến nay, trở thành một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong kỳ. Tuy nhiên, giá cà phê liên tục tạo đỉnh mới đã tạo nhiều thách thức cho doanh nghiệp trong ngành. Doanh nghiệp cần huy động vốn lớn để thu mua cà phê, tuy nhiên hạn mức tín dụng không cho phép.

Tại Tây Nguyên, khu vực sản xuất cà phê trọng điểm của Việt Nam, giá cà phê Robusta nhân xô những ngày đầu tháng 4 đã cán mốc gần 110.000 đồng/kg, tăng gần 60% so với đầu năm và tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây đồng thời là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Giá cà phê xuất khẩu giảm mạnh
Quý I, Việt Nam xuất khẩu 585.696 tấn cà phê với kim ngạch 1,9 tỷ USD

Giá cà phê tăng một phần do lo ngại thiếu nguồn cung. Theo các chuyên gia, sản lượng cà phê thế giới niên vụ năm nay giảm khoảng 10 - 15%. Trong khi đó, sản lượng của Việt Nam niên vụ 2023 - 2024 dự báo giảm 10%. Ngoài ra, căng thẳng ở Biển Đỏ đã khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng, qua đó tạo sức ép khiến giá cà phê càng tăng cao hơn nữa.

Quý 1/2024, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang 37 thị trường chính. Trong đó, 12 thị trường xuất khẩu có kim ngạch trên 10 triệu USD với tổng trị giá 1,36 tỷ USD, tương ứng chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý.

Đức là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam ở mức 3.168 USD/tấn đạt 229 triệu USD, tăng tới 56% so với cùng kỳ năm trước. Đứng sau là Italy với 196 triệu USD, Tây Ban Nha với 150 triệu USD, Nhật Bản với 131 triệu USD, Mỹ với 119 triệu USD, Indonesia với 105 triệu USD.

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 tăng 5,8% so với niên vụ trước lên 178 triệu bao. Tiêu thụ dự kiến tăng 2,2% lên 177 triệu bao, thị trường cà phê thế giới sẽ thặng dư 1 triệu bao trong niên vụ 2023-2024.

Trong quý I, xuất khẩu cà phê toàn cầu đang cho thấy sự khởi sắc trở lại sau khi sụt giảm vào niên vụ trước. Giá cà phê Robusta và Arabica đều tăng mạnh kể từ đầu năm. Giá cà phê Robusta phá mức cao kỷ lục kể từ khi hợp đồng cà phê tương lai bắt đầu giao dịch vào năm 2008. Trong khi, cà phê Arabica lên mức cao nhất hơn 2 năm nay.

Những lo ngại về vụ mùa cà phê ở Brazil và Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua cà phê kỳ hạn của các quỹ. Trước đó, lo ngại về vụ mùa và tình hình cây trồng ở Brazil và Việt Nam đã đẩy cà phê tăng sốc trong nhiều ngày liền. Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam dự báo sản lượng niên vụ 2024 - 2025 sẽ giảm 15%.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương