Dữ liệu tồn kho tiếp đà hồi phục, giá cà phê xuất khẩu quay đầu giảm Tồn kho cà phê ở mức thấp tiếp tục đẩy giá cà phê xuất khẩu tăng |
Trong ngày đầu tuần 01/4, thị trường châu Âu đóng cửa để nghỉ Lễ Phục sinh. Giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe London giữ nguyên mức giá chốt phiên giao dịch cuối tháng Ba, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2024 giảm 80 USD, giao dịch tại 3.479 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 giảm 71 USD giao dịch tại 3.396 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US New York tăng mạnh khi giao dịch một mình, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2024 tăng 2,9 Cent, giao dịch tại 191,80 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2024 tăng 3,05 Cent, giao dịch tại 191,10 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.
Thông tin về những cơn mưa quá lớn gần đây có thể đã gây thiệt hại cho cây cà phê tại Brazil đã tác động lên giá cà phê phiên này. Báo cáo của Cơ quan khí tượng Somar Meteorologia ngày 1/4 cho thấy, khu vực Minas Gerais của Brazil đã nhận được lượng mưa 75,4 mm trong tuần qua, tương đương 335% mức trung bình lịch sử.
Quý I/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 600.000 tấn cà phê với kim ngạch khoảng 1,9 tỷ USD, chỉ tăng 3,1% về số lượng nhưng tăng 54,7% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ 2023.
Quý I/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 600.000 tấn cà phê với kim ngạch khoảng 1,9 tỷ USD |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cà phê đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ nhì trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ đứng sau nhóm hàng gỗ và đã vượt qua cả thủy sản. Hiện giá cà phê tăng 43,5% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt trung bình 3.181 đô la/tấn. Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Giá cà phê xuất khẩu trung bình quý I/2024 đạt 2.373 USD/tấn, tăng 6,8%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), thực tế từ đầu năm đến nay, giá cà phê xuất khẩu trung bình ở mức rất cao, lên đến 3.200 USD/tấn.
Giá xuất khẩu tăng cao đã kéo theo giá cà phê trong nước cũng ghi dấu mức cao nhất trong vòng hơn 30 năm qua với hơn 92.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất 102.000 đồng/kg. Như vậy, đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn 30% so với cuối năm 2023.
Giá cà phê trong nước liên tục tăng cao, đạt kỷ lục với mức 100.000 đồng/kg, cao hơn gấp đôi so với cách đây khoảng 1 năm. Nhưng theo các chuyên gia, điều đáng buồn là tuy giá cà phê tăng cao nhưng rất ít nông dân được hưởng lợi, trong khi doanh nghiệp chế biến lại gặp khó khăn, bởi thường sản xuất tới đâu sẽ mua nguyên liệu tới đó, còn nông dân cũng rất ít trữ cà phê, phần lớn sau mùa vụ là bán để trả tiền vật tư nông nghiệp.
Sản lượng tại Việt Nam, nước trồng cà phê Robusta chính trên thế giới, được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự đoán đạt 27,5 triệu bao trong niên vụ 2023/24 thấp hơn nhiều so với mức 31,3 triệu bao được dự báo sơ bộ trước đó.
Giới quan sát phản ánh, đến đầu năm 2024, giá cà phê trong nước tăng 60.000 đồng/kg nên nông dân phấn khởi bán gần hết, vì lúc này cả người trồng cà phê và doanh nghiệp trong nước đều không có thông tin dự báo về giá. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lớn của Pháp và Ấn Độ tại Việt Nam có thông tin dự báo về thị trường, nên đã thu gom một lượng lớn cà phê ở Việt Nam và giờ họ có khả năng chi phối giá.
Những năm mà người trồng trọt Việt Nam có lợi nhuận tài chính thấp đã dẫn đến sự sụt giảm đầu tư và chuyển đổi cây trồng. Hơn nữa, khí hậu khô và nhiệt độ cao trong những năm gần đây đã làm tăng thêm tổn thất sản xuất và làm sản lượng giảm, dẫn đến nguồn cung bị siết chặt, thể hiện qua lượng tồn kho thấp hiện nay.
Nhiệt độ khắc nghiệt và hạn hán ở Đông Nam Á, nơi có nhà sản xuất hạt cà phê lớn thứ hai và thứ ba thế giới, khiến sản lượng thu hoạch thấp hơn. Nguồn cung giảm không chỉ tác động đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến doanh thu của các công ty,
Ngọc Ngân