Giá cau bấp bênh, thị trường phụ thuộc nhiều vào thương lái Trung Quốc

30/10/2024 - 14:04
(Bankviet.com) Giá cau tại Việt Nam biến động mạnh, phụ thuộc vào nhu cầu không chính thức từ Trung Quốc. Dù giá có lúc lên tới 270.000 đồng/kg, thị trường cau trong nước trở nên bất ổn khi thương lái Trung Quốc ngừng thu mua. Việt Nam xuất khẩu cau đạt 21,2 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2024, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro do chưa xuất khẩu chính ngạch.

Tình hình xuất khẩu và biến động giá cau

Trong những năm gần đây, cây cau trở thành loại cây trồng mang lại thu nhập khá cao cho nông dân tại Tây Nguyên và một số tỉnh khác. Một số vựa thu mua cau đã đầu tư vào máy móc hiện đại để gia tăng hiệu suất chế biến. Cau Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng giá cả biến động mạnh. Thời điểm thấp nhất, giá cau chỉ dao động từ 3.000 - 7.000 đồng/kg, nhưng khi nhu cầu Trung Quốc tăng, giá có thể lên đến 60.000 - 90.000 đồng/kg.

Giá cau bấp bênh, thị trường phụ thuộc nhiều vào thương lái Trung Quốc

Theo Tridge - công ty hàng đầu Hàn Quốc về phân tích ngành nông nghiệp, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cau lớn nhất của Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu cau sang Trung Quốc đạt giá trị 5,13 triệu USD. Tuy nhiên, năm nay, do dịch bệnh và bão làm giảm sản lượng cau tại đảo Hải Nam, Trung Quốc gia tăng nhập khẩu từ Việt Nam, đẩy giá cau lên đỉnh 270.000 đồng/kg vào giữa tháng 10. Hiện giá đã giảm xuống còn khoảng 220.000 đồng/kg vào ngày 25/10.

Tuy nhiên, thị trường cau trở nên bấp bênh hơn khi nhiều thương lái Trung Quốc bắt đầu ngừng thu mua và rút khỏi Việt Nam. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), cho biết cau chưa phải là mặt hàng xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc mà chủ yếu là qua hình thức trao đổi cư dân biên giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người trồng cau.

Cau lọt top xuất khẩu và nhập khẩu mạnh tại Việt Nam

Theo VINAFRUIT, tháng 8/2024, xuất khẩu cau của Việt Nam đạt 9,28 triệu USD, tăng 1.240% so với cùng kỳ năm trước, và lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 21,2 triệu USD, tăng 51,3%. Cau đã vươn lên thành mặt hàng xuất khẩu thứ 13 của Việt Nam, vượt qua một số loại quả quen thuộc như hạt hạnh nhân, quả vải, macca, và chôm chôm.

Ở chiều ngược lại, do nguồn cung trong nước hạn chế, Việt Nam cũng tăng cường nhập khẩu cau. Tháng 8/2024, nhập khẩu cau đạt 3,3 triệu USD, tăng 223% so với năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm, Việt Nam chi khoảng 9 triệu USD để nhập khẩu cau, tăng 324% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa cau thành mặt hàng nhập khẩu lớn thứ 15 trong nhóm quả.

Theo khảo sát, giá cau tại các huyện Nghĩa Hành và Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) hiện chỉ dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, trong khi nhu cầu thu mua của thương lái giảm mạnh, khiến nhiều vựa tạm ngừng hoạt động. Tại “xứ ngàn cau” Sơn Tây (Quảng Ngãi) với hơn 1.000 ha, thương lái chỉ chọn cau đẹp để sấy do các lò sấy tạm ngừng hoạt động vì thiếu đơn hàng từ Trung Quốc.

Dù giá cau có thời điểm tăng mạnh, nhưng biến động giá và tính chất không ổn định của thị trường khiến cau vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người trồng. Thị trường cau hiện tại vẫn phụ thuộc vào nhu cầu không chính thức từ Trung Quốc, làm cho giá cau trong nước trở nên thất thường.

Giá cau tươi lao dốc: Người dân "rớt" 50% giá chỉ trong vài ngày

Chỉ trong vài ngày, giá cau tươi bất ngờ giảm mạnh, rớt hơn 50% khiến nông dân hoang mang. Sau khi đạt được giá trị ...

Cơn sốt giá cau và ngành công nghiệp “độc lạ” tỷ USD của Trung Quốc

Giá cau tại Trung Quốc gần đây đã lập đỉnh do nguồn cung thấp, đặc biệt ở đảo Hải Nam - nơi chuyên trồng cau ...

Giá cau tươi hôm nay 29/10: Xuất khẩu cau tăng mạnh, cau non lên giá không ngừng

Giá cau tươi hôm nay 29/10 tiếp tục giảm ở nhiều tỉnh thành sau thời gian đạt đỉnh. Xuất khẩu cau Việt Nam đang tăng ...

Trang Nhi

Trang Nhi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán