Giá gạo xuất khẩu tăng nhẹ, nhiều doanh nghiệp đàm phán hợp đồng lớn

22/09/2023 - 23:04
(Bankviet.com) Giá gạo xuất khẩu trong tuần này tăng nhẹ sau khi giảm vào tuần trước, đáng chú ý nhiều doanh nghiệp lớn đang chuẩn bị đàm phán đơn hàng cho năm sau.
Sau phiên tăng nhẹ, giá gạo xuất khẩu quay đầu giảm 15 USD/tấn Giá gạo xuất khẩu “tăng nhiệt” trở lại sau 1 tuần điều chỉnh giảm

Hình thành mặt bằng giá mới

Sau 1 tuần giao dịch có phần trầm lắng với xu hướng giảm giá thì trong tuần này giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có khởi sắc.

Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã điều chỉnh tăng nhẹ 5 USD/tấn, lên mức 618-622 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 19/9 vừa qua. Riêng giá gạo loại 25% tấm vẫn giữ ổn định ở mức 603-607 USD/tấn.

Với mức giá hiện nay, gạo của Việt Nam tiếp tục giữ ngôi đầu thế giới khi cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 10 USD/tấn (gạo 5% tấm của Thái Lan hiện có mức 608-612 USD/tấn) và cao hơn gạo cùng chủng loại của Pakistan 20 USD/tấn (gạo Pakistan ở mức 598-602 USD/tấn).

Giá gạo xuất khẩu tăng nhẹ, nhiều doanh nghiệp đàm phán hợp đồng lớn
Doanh nghiệp giới thiệu gạo Việt với nhà nhập khẩu Hồng Kông trong một sự kiện do Bộ Công Thương tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào giữa tháng 9/2023

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp thì mức giá hiện nay khá ổn định và được coi là mức giá mới cho mặt hàng này. “Tôi cho rằng giá gạo đã thiết lập được mặt bằng mới sau những điều chỉnh trong thời gian vừa qua.”- ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH và Phát triển gạo Nhật Thành nhận xét.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời nói rằng, mặc dù so với thời điểm trước giá gạo có giảm khoảng 10% tuy nhiên điều này vẫn tốt cho bà con nông dân và đảm bảo được lượng hàng xuất khẩu ổn định. Về lâu về dài đây đã là một dấu hiệu xác lập cột mốc giá mới cho gạo Việt trên thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp đang có lãi để ký kết đơn hàng mới

Từ cuối tháng 7/2023 ngay khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo thì giá gạo thế giới đã điều chỉnh tăng liên tục. Việc tăng giá quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái, nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký và lâm vào thua lỗ khi “giá nội cao hơn giá ngoại”. Do đó, khi giá gạo xuất khẩu giảm đã kéo theo giá trong nước bắt đầu ổn định hơn, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong thu mua xuất khẩu.

Ghi nhận trong ngày 22/9 cho thấy giá lúa tại nội địa đã ổn định. Đơn cử tại An Giang, theo cận nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này, giá lúa IR 504 dao động quang mốc 7.600 - 7.800 đồng/kg, OM 5451 ở mức 7.700 - 7.800 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 dao động quanh mốc 8.000 - 8.100 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 8.200 - 8.400 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg…

Ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết, mức giá hiện nay đang tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. “Cách đây 2 tháng biến động lớn nên chúng tôi khó khăn rất nhiều bởi đơn hàng cũ đã ký nhưng giá thấp. Thời điểm đó doanh nghiệp buộc phải thu mua lúa giá cao để đáp ứng đủ đơn hàng phải giao. Đáng mừng là hiện tại những đơn hàng mới, công ty không còn phải chịu phần lỗ mà vẫn đảm bảo được mua bán có lời cho cả doanh nghiệp lẫn bà con nông dân”- ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, hiện doanh nghiệp này đang thực hiện một số đơn hàng đi Anh và Đức với giá tương đối cao. Các đơn hàng này đảm bảo “sinh lời” bởi thời điểm ký kết hợp đồng giá gạo xuất khẩu đã thiết lập mặt bằng mới.

Trong khi đó với Lộc Trời, ông Nguyễn Duy Thuận chia sẻ, doanh nghiệp đã ký đơn hàng xuất khẩu đến hết năm. Đồng thời, dự kiến trong tháng 10 hoặc đầu tháng 11/2023 Lộc Trời sẽ tổ chức bán hàng cho cả năm sau. “Chúng tôi kỳ vọng các đơn hàng cho năm sau sẽ đạt khoảng 2 triệu tấn gạo để đảm bảo thu mua hết lúa cho bà con đã liên kết với Lộc Trời”- ông Thuận cho biết.

Còn với Công ty TNHH Cỏ May, ông Đinh Minh Tâm, Giám đốc công ty này cho biết, doanh nghiệp vừa ký kết thêm một số hợp đồng mới với đối tác tại Hồng Kông và dự kiến giao trong tháng 11/2023. Các đơn hàng này có giá tốt, đảm bảo có lãi cho doanh nghiệp.

Ngoài Hồng Kông, theo ông Tâm, Cỏ May đang xuất khẩu gạo chất lượng cao đi nhiều thị trường khó tính như EU, Mỹ… Ở các thị trường này nhu cầu khá lớn song do nguồn cung của Cỏ May “có hạn” nên công ty chưa mở rộng thêm khách hàng mới mà chủ yếu vẫn làm ăn với đối tác truyền thống.

Theo đánh giá của VFA, đến hết tháng 8 năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 5,81 triệu tấn gạo, trị giá 3,16 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu bình quân đạt 543,9 USD/tấn, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Dự báo từ nay đến hết năm 2023 và thậm chí là sang năm 2024 tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn sẽ được thúc đẩy bởi số lượng đơn hàng hàng tốt từ nhiều thị trường mới.

Thùy Dương

Theo: Báo Công Thương