Giá gas hôm nay 14/2: Châu Á tiếp tục giảm; châu Âu xây dựng cảng nhập khẩu mới Giá gas hôm nay 15/2: Giá khí đốt đang nằm trong tầm kiểm soát Giá gas hôm nay 16/2: Trượt dốc tới 2,34% |
Gazprom hiện là công ty sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và cũng là một trong những doanh nghiệp đóng góp nguồn thu thuế lớn nhất cho Nga. Tuy nhiên, việc mất thị trường châu Âu có thể khiến doanh thu quốc tế của Gazprom giảm, làm hao hụt đáng kể nguồn thu thuế cho Nga.
Hệ thống đường ống khí đốt |
Dựa trên số liệu về thuế và khối lượng xuất khẩu, doanh thu của Gazprom từ thị trường nước ngoài có thể chỉ còn 3,4 tỷ USD tháng trước, so với 6,3 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là lượng khí đốt giao đến châu Âu giảm, do xung đột tại Ukraine.
Bộ Kinh tế Nga dự báo giá xuất khẩu của Gazprom năm nay có thể đạt 700 USD với 1.000 m3 khí. Nếu tính toán này là đúng, doanh thu xuất khẩu của Gazprom sẽ vào khoảng 35-46 tỷ USD năm nay. Trước đó, năm 2022, Gazprom cho biết xuất khẩu của họ giảm 46%.
Trong khi đó, theo tổ chức tư vấn Bruegel, khi Nga cắt nguồn cung khí đốt vào năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) đã phải chi đến 792 tỷ Euro giải quyết khủng hoảng năng lượng. Đức đứng đầu danh sách với gần 270 tỷ Euro, tiếp theo là Anh, Ý và Pháp, mỗi nước chi khoảng 150 tỷ Euro. Tính bình quân đầu người, Luxembourg, Đan Mạch và Đức là những nước chi nhiều nhất cho năng lượng.
Tại Mỹ, trước thông tin nhà máy LNG lớn thứ hai của Mỹ - Freeport LNG quay trở lại hoạt động sau nhiều tháng đóng cửa đã tác động đến giá hợp đồng tương lai khí đốt của Mỹ khiến chỉ số này giảm khoảng 5%, mức thấp nhất trong 25 tháng. Ngoài ra, dự báo thời tiết trong hai tuần tới sẽ có xu hướng ôn hòa hơn góp phần làm giảm nhu cầu sưởi ấm của người dân.
Mặt khác, theo Reuters, sự sụt giảm về nhu cầu khí đốt của Trung Quốc là một yếu tố quan trọng giúp kiềm chế giá nguồn năng lượng này neo cao trong thời gian qua. Theo thống kê, nhu cầu khí đốt các năm trước khi xảy ra Covid-19 của Trung Quốc tăng trưởng 26% mỗi năm và chiếm đến 21% lượng nhập khẩu LNG toàn cầu vào năm 2021.
Mức nhập khẩu thấp của Trung Quốc cho phép châu Âu làm đầy các kho dự trữ của mình sớm hơn, nhanh hơn và lâu hơn bình thường trước mùa đông. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, nhu cầu về khí đốt và LNG sẽ tăng trở lại, làm gia tăng sự cạnh tranh giữa châu Á và châu Âu về nguồn cung giao ngay, các nhà phân tích cho biết.
Một mùa Đông ấm áp hơn dự kiến đã giúp châu Âu ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng năng lượng. Mặc dù dự trữ khí đốt tự nhiên trong khu vực châu Âu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, song Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng: "Không bao giờ là quá sớm để chuẩn bị cho mùa Đông tới".
Tại thị trường trong nước từ ngày 1/2, giá gas bán lẻ tăng 5.250 đồng/kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng tăng trung bình 63.000 - 64.000 đồng, loại 45 kg tăng 235.000 - 236.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Cụ thể, với thương hiệu City Petro, từ ngày 1/2, các sản phẩm gas bán lẻ của doanh nghiệp này tăng 5.250 đồng/kg. Bình gas loại 12kg của City Petro tăng 63.000 đồng/bình và loại bình gas 45kg tăng đến 236.000 đồng/bình.
Công ty Saigon Petro thông báo từ ngày 1/2, giá gas của hãng tăng 62.000đồng bình 12kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 477.000 đồng/bình 12kg.
Tương tự, Petrolimex Gas Sài Gòn cũng thông báo tăng 63.000 đồng/bình 12kg, giá bán lẻ đến người tiêu dùng khu vực TP. Hồ Chí Minh là 486.000 đồng/bình 12 kg.
Hiện, nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60% nên giá gas bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới và tỷ giá. Trong khi đó, giá gas thế giới tháng 2/2023 chốt ở mức 790 USD/tấn, tăng 192,5 USD/tấn so với tháng 1, từ đó đẩy giá gas bán lẻ tháng 2/2023 tăng mạnh.
Như vậy, sau lần giảm vào đầu tháng 1/2023, giá gas đã quay đầu bật tăng mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas đã có 1 lần tăng và 1 lần giảm. Hiện, giá loại nhiên liệu này đã lên mức tương đương thời điểm hồi tháng 3 - 4/2022.
Quỳnh Nga