Giá phân bón gặp áp lực, DCM và DPM tìm động lực từ vụ Đông Xuân

28/11/2024 - 22:15
(Bankviet.com) Giá phân bón tại thị trường Việt Nam tiếp tục giảm nhẹ trong tuần qua, phản ánh nguồn cung lớn từ cả sản xuất nội địa và nhập khẩu, trong khi nhu cầu tiêu thụ chưa khởi sắc. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ nội địa có thể tăng vào Q4/2024 và Q1/2025 khi bước vào vụ Đông Xuân, tạo kỳ vọng cho các doanh nghiệp lớn như DCM và DPM trong thời gian tới.

Nguồn cung nhập khẩu tăng gây áp lực nhẹ lên giá phân bón

Theo dữ liệu từ Agromonitor, thị trường phân bón trong nước tuần qua chứng kiến lượng nhập khẩu tăng đột biến, đặc biệt là phân Ure và Kali. Đối với phân Ure, chỉ trong một tuần gần đây, trong nước đã nhập khẩu 1 tàu gần 30 nghìn tấn từ Brunei và 2 tàu từ Indonesia, tổng lượng gần 10 nghìn tấn đã cập cảng Sài Gòn/Long An (13-21/11).

Với Kali, hơn 25.000 tấn được nhập khẩu từ Nga và Canada, tập trung về các cảng miền Nam. Tương tự Ure, nhu cầu tiêu thụ chưa được cải thiện dù diện tích gieo sạ đã gia tăng nhưng chủ yếu mới có nhu cầu tiêu thụ Ure và DAP, chưa có nhu cầu tiêu thụ Kali.

Giá phân bón gặp áp lực, DCM và DPM tìm động lực từ vụ Đông Xuân
Thị trường phân bón trong nước tuần qua chứng kiến lượng nhập khẩu tăng đột biến, đặc biệt là phân Ure và Kali.

Trong khi đó, các nhà máy trong nước tiếp tục sản xuất và ra hàng đều đặn, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Các nhà máy phía Nam (như Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ) đã có lệnh mới ra hàng ure trong tuần này. Với các nhà máy phía Bắc (như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc) tập trung làm hàng trả đơn xuất khẩu. Ure sản xuất tại các nhà máy trong nước nhìn chung ổn định hoặc giảm nhẹ.

Sản lượng DAP sản xuất trong nước dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu. Các nhà máy DAP (như Đình Vũ, Lào Cai, Đức Giang, Vân Thiên Hóa) tiếp tục sản xuất và cung cấp nhiều chủng loại DAP khác nhau ra thị trường.

Trước diễn biến đó, nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước vẫn duy trì ở mức thấp. Tại ĐBSCL nước lũ đã gần rút hết, một số khu vực đang dần xuống giống lúa Đông Xuân, diện tích gieo sạ tăng, và nhu cầu chăm bón cho lúa đang tăng. Nhưng hoạt động mua bán phân bón Ure và DAP vẫn còn chậm do lo ngại giá giảm, chủ yếu nhập hàng lại rai lượng nhỏ. Trong khi tại các khu vực khác, nhu cầu tiêu thụ đều ở mức thấp do trái vụ lúa, chủ yếu có ít nhu cầu cho hoa màu.

Riêng với Kali, dù diện tích gieo sạ đã gia tăng nhưng chủ yếu mới có nhu cầu tiêu thụ Ure và DAP, chưa có nhu cầu tiêu thụ Kali.

Tình hình giá phân bón trong nước

Nguồn cung dồi dào từ cả nhập khẩu lẫn sản xuất nội địa, trong khi nhu cầu chưa khởi sắc, đang tạo sức ép lên giá phân bón trong nước. Tuần qua, giá phân bón trong nước ghi nhận xu hướng giảm nhẹ ở nhiều loại, đặc biệt là Ure và DAP, trong khi Kali duy trì mức ổn định.

Giá phân bón gặp áp lực, DCM và DPM tìm động lực từ vụ Đông Xuân
Chuỗi giá trị ngành phân bón tại Việt Nam

Cụ thể, giá Ure tại các nhà máy sản xuất trong nước có xu hướng giảm, dao động từ 9.900 đến 10.800 đồng/kg tùy loại và khu vực. Ure Cà Mau và Phú Mỹ đều giảm nhẹ 50 đồng/kg, với giá lần lượt là 10.750-10.800 đồng/kg tại kho trung chuyến Tây Nam Bộ và 10.150-10.300 đồng/kg tại Sài Gòn/Long An. Trong khi đó, Ure Ninh Bình giảm mạnh hơn, tới 175 đồng/kg, còn 9.900-10.000 đồng/kg tại các kho phía Nam. Giá Ure nhập khẩu từ Brunei và Malaysia giữ ổn định ở mức 10.000-10.200 đồng/kg.

Thị trường DAP trong nước cũng chứng kiến mức giảm từ 50 đến 350 đồng/kg, tùy nhà máy và chủng loại. DAP Đình Vũ và Lào Cai dao động từ 14.500-15.500 đồng/kg, trong khi DAP Đức Giang giữ mức ổn định từ 15.800-16.000 đồng/kg. Riêng DAP Vân Thiên Hóa giảm nhẹ từ 50 đến 100 đồng/kg, giá hiện tại dao động từ 16.500-19.200 đồng/kg. Với DAP nhập khẩu, giá chào bán trên thị trường nội địa nằm trong khoảng 15.700-24.000 đồng/kg, tùy nguồn gốc và chất lượng.

Giá Kali vẫn giữ mức ổn định dù nguồn cung nhập khẩu tăng mạnh. Kali Canada tại kho Vũng Tàu dao động từ 8.500-8.600 đồng/kg (miếng) và 7.800-8.000 đồng/kg (bột đỏ). Kali có nguồn gốc từ Lào hiện có mức giá tương đối ổn định tại Sài Gòn là 7.200-7.300 đồng/kg (bột trắng) và 8.100-8.200 đồng/kg (miếng).

Nhìn chung, xu hướng giảm giá phân bón chủ yếu phản ánh sự dư cung trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, giá ổn định ở một số loại cho thấy thị trường đang dần tìm đến điểm cân bằng khi vụ Đông Xuân bắt đầu tăng diện tích gieo sạ.

Dự phóng doanh thu từ mảng Ure của DCM và DPM

Giá phân Urê thế giới dự báo cải thiện trong Q4 và giữ ổn định trong năm 2025, và vẫn duy trì mức cao so với giai đoạn trước năm 2021 sau khi giảm từ mức cao năm 2022.

Giá phân bón gặp áp lực, DCM và DPM tìm động lực từ vụ Đông Xuân
Dự báo giá phân bón Ure thế giới (Nguồn: VCBS Research)

Nhu cầu tiêu thụ phân bón thế giới năm 2024 và 2025 được dự báo tăng nhẹ. Nhu cầu tiêu thụ nội địa kỳ vọng tăng vào Q4/2024 và Q1/2025 khi bước vào vụ Đông Xuân.

Theo dự báo của IFA, tiêu thụ phân bón toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2% trong năm tài chính 2024 lên 195,4 triệu tấn, và tiếp tục tăng trong trung hạn, nhưng với tốc độ giảm từ 2,2% trong năm tài chính 2025 xuống 1,5% trong năm tài chính 2028.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa kỳ vọng tăng vào Q4/2024 và Q1/2025 khi bước vào vụ Đông Xuân. Agromonitor dự báo nhu cầu tiêu thụ Urê trong nước đạt 2,05-2,11 triệu tấn, tăng khoảng 13%, 1,74-1,93 triệu tấn so với giai đoạn 2022-2023. Xuất khẩu Urê của Việt Nam năm 2024 dự báo sẽ tăng nhẹ hoặc ổn định so với năm 2023.

Nguồn cung tại khu vực Châu Á dự kiến sự gia tăng sản lượng từ các nhà máy Urê mới, đặc biệt ở Ấn Độ và Bangladesh. Điều này sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường mà Việt Nam xuất khẩu. Tuy nhiên thị trường Campuchia vẫn mang lại tiềm năng xuất khẩu. Dự kiến xuất khẩu Urê của Việt Nam năm 2024 ở mức 550-570 nghìn tấn.

Tại thị trường Việt Nam, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) là 2 cái tên nổi bật với sản phẩm chủ lực là phân Ure (nguyên liệu từ khí thiên nhiên).

Giá phân bón gặp áp lực, DCM và DPM tìm động lực từ vụ Đông Xuân
Dự phóng giá bán và sản lượng tiêu thụ mảng Ure của DCM (Nguồn: VCBS Research)
Giá phân bón gặp áp lực, DCM và DPM tìm động lực từ vụ Đông Xuân
Dự phóng giá bán và sản lượng tiêu thụ mảng Ure của DPM (Nguồn: VCBS Research)

Theo đó, VCBS Research đưa ra dự phóng đối với sản lượng tiêu thụ trong năm 2024 của DCM và DPM bằng nhau với 890.000 tấn, mức giá bán lần lượt là 9.500 đồng/kg và 9.300 đồng/kg. Theo đó, doanh thu từ mảng phân Ure của DCM và DPM được kỳ vọng lần lượt đạt khoảng 8.455 tỷ đồng và 8.277 tỷ đồng trong năm 2024.

VHMVIC gặp áp lực chốt lời, VN-Index bất ngờ đảo chiều

Trong phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng khoán tiếp tục gặp phải áp lực chốt lời với thanh khoản có phần tăng dần.

Cắt giảm sản lượng liên tục, OPEC+ gặp áp lực lớn

Kể từ khi thế giới mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 đến nay, OPEC+ đã 4 lần cắt giảm sản lượng để hỗ ...

Triển vọng giá phân bón phục hồi, Đạm Phú Mỹ (DPM) đặt kế hoạch lãi 542 tỷ đồng

Với triển vọng giá phân bón hồi phục sau giai đoạn khó khăn, ông lớn Đạm Phú Mỹ được kỳ vọng sẽ đem về khoản ...

Tiến Nam

Tiến Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán