Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/3, giá quặng sắt giao ngay ổn định khi dữ liệu hoạt động của Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2 cho thấy sự phục hồi kinh tế một cách chậm rãi đối với nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, theo Reuters.
Giá quặng sắt DCIOcv1 giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Đại Liên (DCE) của Trung Quốc đã chốt phiên ổn định ở mức 926,50 nhân dân tệ/tấn (134,48 USD/tấn), gần mức cao kỷ lục của hợp đồng là 936 nhân dân tệ/tấn. Trên Sàn giao dịch Singapore (SGX), hợp đồng chuẩn tháng 4 của nguyên liệu sản xuất thép SZZFK3 tăng 0,4% ở mức 132,2 USD/tấn.
Giá thanh cốt thép SRBcv1 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 0,9%, sau khi chạm đỉnh 9 tháng trong phiên trước đó, trong khi giá thép cuộn cán nóng SHHCcv1 giảm 0,6%. Giá thép dây SWRcv1 giảm 1,5% nhưng thép không gỉ SHSScv1 tăng 0,4%. Trên Sàn DCE, giá than cốc DJMcv1 và giá than cốc DCJcv1 lần lượt giảm 3,9% và 2,6%.
Tại thị trường trong nước, thương hiệu thép Hòa Phát, dòng thép cuộn CB240 từ 23/2 duy trì bình ổn ở mức 15.960 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.840 đồng/kg. Thép Việt Ý, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 15.910 đồng/kg; thép D10 CB300 có giá 15.810 đồng/kg.
Thép Việt Sing tiếp tục ổn định giá bán, cả 2 dòng thép của hãng là thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 đang duy trì bình ổn giá ở mức 15.830 đồng/kg. Thép Việt Đức, với thép cuộn CB240 ở mức giá 15.710 đồng/kg; với thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.810 đồng/kg.
Thép VAS, hiện dòng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 giữ ổn định ở mức 15.680 đồng/kg. Thương hiệu thép Việt Nhật, với dòng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 đồng giá 15.880 đồng/kg.
Tại miền Trung, thép Hòa Phát không thay đổi giá bán so với ngày 23/2, dòng thép cuộn CB240 ở mức 15.880 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.730 đồng/kg. Thép Việt Đức, dòng thép cuộn CB240 tiếp tục đi ngang ở mức 16.060 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.850 đồng/kg.
Thép VAS bình ổn, với thép cuộn CB240 ở mức 15.680 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.580 đồng/kg. Thép Pomina, hiện dòng thép cuộn CB240 ở mức 16.520 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.580 đồng/kg.
Tại miền Nam, thép Hòa Phát không thay đổi giá bán, với thép cuộn CB240 ở mức 15.980 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.880 đồng/kg. Thép VAS duy trì ổn định giá bán, dòng thép cuộn CB240 ở mức 15.580 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.680 đồng/kg. Thép Tung Ho, với thép cuộn CB240 ở mức 15.530 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.480 đồng/kg. Thép Pomina, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 16.470 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.580 đồng/kg.
Ngành thép đặt kỳ vọng vào đầu tư công
Theo báo cáo mới nhất vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, sản xuất thép thành phẩm tháng 2/2023 đạt 2,35 triệu tấn, tăng 21,91% so với tháng 1/2023 nhưng giảm 8,9% so với cùng kỳ 2022. Tiêu thụ thép các loại đạt 2,08 triệu tấn, tăng 18,13% so với tháng trước nhưng giảm 19% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 4,285 triệu tấn, giảm 16,3%; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 3,851 triệu tấn, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Dự báo về tình hình thị trường thép trong năm 2023, một số chuyên gia cho rằng việc cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành. Bên cạnh đó, nhu cầu thấp của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng, trong đó có thép.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định 235/QĐ-TTg thành lập 5 tổ công tác nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đặc biệt lưu ý trường hợp bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Bên cạnh đó, tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu, đặc biệt nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc - nhà sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất, chiếm hơn 50% tổng nguồn cung và nhu cầu trên thế giới – sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thép Việt Nam.
Theo nhận định VNDIRECT, ngành thép sẽ có tăng trưởng dương về lợi nhuận trong năm 2023 nhờ nền thấp của năm 2022. Tuy nhiên, xét yếu tố tích cực trong ngắn hạn rất ít nên rủi ro nhiều hơn. Do vậy, cần nhìn nhận mô hình kinh doanh của từng doanh nghiệp thế nào, có đáp ứng được thay đổi và rủi ro ở hiện tại hay không. Chẳng hạn như thị trường xuất khẩu gặp khó, nhưng có một vài điểm sáng như Mỹ tốt hơn EU, Indonesia tốt hơn Thái Lan. Vì thế, doanh nghiệp nào có thể chuyển đổi thị trường tốt hơn sẽ có lợi thế.
Thanh Hằng (T/H)