Giá vàng hôm nay 8/8/2022: Áp lực nặng nề, vàng khó vượt mốc 1.800 USD/ounce | |
Giá vàng trong nước đi xuống ngay khi mở cửa giao dịch sáng ngày 8/8/2022 | |
Giá vàng hôm nay 9/8/2022: USD hồi phục, vàng bất ngờ đảo chiều tăng |
Cụ thể, vàng SJC tăng 100.000 đồng/lượng cho chiều mua và chiều bán tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn và Tập đoàn Doji. Doanh nghiệp Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tăng thêm 100.000 đồng/lượng cho chiều mua và tăng 150.000 đồng/lượng cho chiều bán.
Cùng thời điểm khảo sát, hệ thống PNJ cũng điều chỉnh tăng theo xu hướng thị trường. Cụ thể, giá mua tăng 150.000 - 200.000 đồng/lượng và giá bán tăng 200.000 - 250.000 đồng/lượng lần lượt tương ứng với hai chi nhánh Hà Nội và TP HCM. Hiện tại, giá trần mua vào của vàng SJC đạt mốc 66,50 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra có ngưỡng 67,50 triệu đồng/lượng.
Các loại vàng nữ trang khác trong sáng nay điều chỉnh tăng. Cụ thể, giá vàng 24K tăng 100.000 đồng/lượng, vàng tây 18K tăng 80.000 đồng/lượng và vàng 14K tăng 60.000 đồng/lượng cho cả hai chiều mua - bán.
Nguồn ảnh: Internet |
Trong phiên giao dịch sáng ngày 9/8, giá vàng giao ngay giảm nhẹ 0,02% xuống 1.788,8 USD/ounce vào lúc 6h28 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 12 ổn định ở 1.805,25 USD.
Đồng USD giảm so với các đồng tiền đối thủ, giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua bằng ngoại tệ khác. Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index giảm 0,2% xuống 106,28.
Lợi suất trái phiếu Mỹ cũng giảm, hỗ trợ thêm cho kim loại quý. Vàng được coi là một khoản đầu tư an toàn trong bối cảnh căng thẳng chính trị và lo ngại suy thoái, nhưng lãi suất cao có xu hướng làm giảm sự hấp dẫn đối với vàng, vốn là tài sản không sinh lãi.
Ông Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA, cho biết thị trường dường như đã đặt cược trước vào cú sốc từ thị trường lao động. Tuy nhiên, vàng sẽ gặp khó khăn nếu Fed thắt chặt hơn nữa.
"Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm kiếm những khoản đầu tư thay thế và vàng là một lựa chọn phù hợp với tình hình đang diễn ra ở Đài Loan và Ukraine", ông Moya nói thêm.
Nhà phân tích Rupert Rowling của Kinesis Money cho hay với đà tăng của vàng bị giới hạn bởi tiềm năng lãi suất lên cao hơn nữa, sức mạnh của mức hỗ trợ kỹ thuật xung quanh 1.700 USD sẽ được kiểm tra khi quyết định tiếp theo của Fed được công bố.
Trên các thị trường kim loại khác, giá bạc giao ngay tăng 3,7% lên 20,60 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,5% lên 937,0 USD. Giá palladium đã tăng 5,6% lên 2.245,68 USD.
Giá vàng tăng khi USD và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ giảm
Giá vàng thế giới tăng cao hơn vào phiên giao dịch thứ Hai đầu tuần khi đồng USD và lợi tức trái phiếu kho bạc giảm, thị trường tập trung sự chú ý vào số liệu lạm phát của nước Mỹ dự kiến được công bố trong tuần này. Các nhà đầu tư dự đoán lạm phát Mỹ trong tháng 7 có thể tiếp tục tăng và sẽ ảnh hưởng đến đợt tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Han Tan, nhà phân tích thị trường trưởng tại Exinity cho biết: "Đồng USD và lợi tức trái phiếu kho bạc đang giảm nhẹ vào đầu tuần, sau cú nhảy vọt vào thứ Sáu tuần trước trong bối cảnh bảng lương phi nông nghiệp giảm sút".
Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích đối ngoại của Kinesis Money, cho biết: "Có thể họ vẫn đang nghĩ rằng đỉnh điểm của lạm phát không còn quá xa và áp lực lên Fed sớm hay muộn cũng có thể chậm lại".
Các nhà giao dịch hiện nhận thấy xác suất khoảng 70% Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong quyết định chính sách tiếp theo vào ngày 21/9 tới để kiềm chế lạm phát tăng vọt sau khi tăng trưởng việc làm của Mỹ bất ngờ tăng nhanh vào tháng 7.
Trọng tâm thị trường hiện chuyển sang báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế số 1 thế giới dự kiến được công bố vào thứ Tư tuần này. Theo thăm dò ý kiến của Reuters, các nhà phân tích kỳ vọng lạm phát hằng năm giảm xuống 8,7% trong tháng 7/2022 từ mức 9,1% trong tháng 6.
Lãi suất cao hơn của Mỹ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lợi.
"Ngoài ra, chỉ số CPI nóng hơn dự kiến cũng sẽ buộc những người đầu cơ giá phải tính đến việc Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất siêu tốc hơn trong những tháng tới, và một câu chuyện như vậy sẽ làm giảm đà tăng của vàng", chuyên gia Tan nói thêm .
Trong một diễn biến liên quan tới thị trường vàng thế giới, cuối tuần trước, Hội đồng vận động hành lang trong lĩnh vực vàng của Thụy Sỹ đã kêu gọi làm rõ về cách thức thực hiện lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga của chính phủ.
Tuần trước, chính phủ Thụy Sỹ đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) về cấm mua, nhập khẩu hoặc vận chuyển vàng và các sản phẩm vàng từ Nga, nhằm trả đũa việc Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Hiệp hội các nhà sản xuất và kinh doanh kim loại quý của Thụy Sỹ (ASFCMP) hoan nghênh động thái này, đồng thời cho rằng, quyết định trên sẽ chỉ có tác động nhẹ đến hoạt động và kinh doanh của các nhà sản xuất vàng nước này.
Hiệp hội cho biết: "Về vấn đề này, ASFCMP hoan nghênh bất kỳ biện pháp nào nhằm đảm bảo thực hiện rõ ràng và chính xác quyết định của chính phủ". Theo dữ liệu từ hải quan, Thụy Sỹ đã nhập khẩu 284 kg vàng trị giá khoảng 16 triệu USD từ Nga trong tháng 6, giảm so với hơn 3 tấn, trị giá khoảng 200 triệu USD trong tháng 5.
Thanh Hằng