Chốt phiên giao dịch 23/8, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji và SJC niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:
Doji Hà Nội: 56,25 triệu đồng/lượng - 57,85 triệu đồng/lượng
Doji TP.HCM: 56,25 triệu đồng/lượng - 57,85 triệu đồng/lượng
SJC Hà Nội: 56,40 triệu đồng/lượng - 57,12 triệu đồng/lượng
SJC TP.HCM: 56,40 triệu đồng/lượng - 57,13 triệu đồng/lượng.
Đêm ngày 23/8 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.804 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.806 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 23/8 thấp hơn khoảng 4,8% (91 USD/ounce) so với đầu năm 2021. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 51,1 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 6,0 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 23/8.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng vọt lên trên ngưỡng cản tâm lý 1.800 USD/ounce trong bối cảnh nước Mỹ chia rẽ và do đó Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể chưa thể sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tâm điểm của thị trường tuần này là hội nghị chuyên đề hàng năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được tổ chức tại Jackson Hole, Wyoming.
Các nhà giao dịch và nhà đầu tư đang đánh giá lại các quan điểm gần đây cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ nghiêng về chính sách diều hâu, theo hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trong hội nghị chuyên đề lần này.
Sự lây lan nhanh chóng của biến thế Delta khiến nhiều người nghĩ rằng Fed sẽ phải duy trì lâu hơn chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Theo Kitco, Chủ tịch Fed Dallas, Rob Kaplan hôm cuối tuần qua cho biết, ông đang cân nhắc lại lời kêu gọi của mình về việc sớm thu hẹp quá trình mua trái phiếu của Fed, do virus lây lan và tác động tiềm tàng của nó đối với nền kinh tế Mỹ.
Vàng tăng giá còn do tình hình tại Afghanistan vẫn hỗn loạn kể từ khi Taliban kiểm soát. Nhiều người vẫn vẫn cố gắng thoát ra khỏi đất nước này.
Giới đầu tư hiện lo ngại thị trường chứng khoán và tài chính thế giới có thể sẽ phải đối mặt những tháng hỗn loạn lịch sử sắp tới, có thể là tháng 9 và tháng 10.
Vàng tăng còn do đồng USD suy yếu trở lại sau khi lên đỉnh 10 tháng rưỡi trong phiên cuối tuần qua.
Mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu cũng tăng mạnh và hiện ở mức 64 USD/thùng. Trong khi đó, lợi tức trái phiếu 10 năm qua Mỹ đang ở mức 1,28%/năm.
Trong một báo cáo được công bố vào tuần trước, nhà kinh tế trưởng của BMO Douglas Porter cho biết, ngân hàng cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống chỉ dưới 6% và nền kinh tế Mỹ sẽ mở rộng thêm 6% trong năm nay, giảm so với ước tính trước đó là 6,7%.
Ông Porter cho hay, đợt thứ tư của đại dịch Covid-19 có thể mang nghĩa là tốc độ tăng trưởng đã đạt đến đỉnh điểm.
Nhà kinh tế này nhấn mạnh: "Hiện khá rõ ràng rằng, nhiều khu vực đang phải đối phó với một làn sóng virus tiếp theo đang bùng phát. Điểm mấu chốt là rủi ro đã chuyển từ tăng sang giảm, với các bản sửa đổi tiếp theo nhiều khả năng sẽ đi xuống".
Ông Porter cũng lưu ý, không chỉ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại mà lạm phát gia tăng có thể còn kéo dài hơn nhiều nhà kinh tế và ngân hàng trung ương đang mong đợi.
Nhà kinh tế Porter bình luận: "Đơn giản, làn sóng kích thích tài khóa nhiều hơn dự kiến đã được chuyển sang tăng giá hơn là tăng sản lượng. Các trường hợp Covid-19 gia tăng cũng có thể dẫn đến gián đoạn nguồn cung tiếp tục gây thêm áp lực giá tăng. BMO hiện đang dự báo lạm phát tăng 4,1% cho năm 2021.
Mặc dù biến thể Delta là một rủi ro đối với tăng trưởng và ít nhất sẽ kéo dài đà phục hồi, nhưng nó cũng gây ra rủi ro ngược lại đối với lạm phát".
Thu Uyên
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam