Giá vàng tăng cao liên tục, hiện còn là thời điểm đẹp để mua vào?

22/07/2025 - 07:24
(Bankviet.com) Vàng tiếp tục giữ vững vai trò trú ẩn trong năm 2025, nhưng mức giá cao hiện nay buộc nhà đầu tư cần chiến lược mua hợp lý để tránh bắt đỉnh.
Nhận diện cơ hội

Giá vàng tăng cao liên tục, hiện còn là thời điểm đẹp để mua vào?

Hồng Giang 19/07/2025 21:53

Vàng tiếp tục giữ vững vai trò trú ẩn trong năm 2025, nhưng mức giá cao hiện nay buộc nhà đầu tư cần chiến lược mua hợp lý để tránh bắt đỉnh.

Thị trường vàng Việt Nam tiếp tục gây chú ý khi giá vàng miếng SJC vọt lên mức 121 triệu đồng/lượng - xác lập đỉnh cao nhất lịch sử. Diễn biến này khiến không ít nhà đầu tư hoang mang: nên tiếp tục nắm giữ, tranh thủ chốt lời hay dè chừng trước nguy cơ “đu đỉnh”?

Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động, vàng đang là tâm điểm hút dòng tiền. Tuy nhiên, với mức giá kỷ lục như hiện nay, việc quyết định “xuống tiền” đòi hỏi nhiều hơn sự cảm tính - đó là chiến lược, hiểu biết và sự kỷ luật.

gold.jpg
Với mức giá kỷ lục như hiện nay, việc quyết định “xuống tiền” mua vàng đòi hỏi nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm và chiến lược tích lũy

Vì sao vàng tăng mạnh thời gian gần đây?

Trong nửa đầu năm 2025, giá vàng thế giới liên tục đi lên và hiện đang ổn định quanh mốc 3.347-3.350 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, tương đương khoảng 106-108 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC trong nước hiện nay khoảng 13-15 triệu đồng.

Có 4 yếu tố chính thúc đẩy giá vàng toàn cầu tăng cao:

Thứ nhất, chính sách tiền tệ nới lỏng tại Mỹ và châu Âu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất liên tiếp từ cuối năm 2024, khiến lợi suất thực giảm sâu, tạo môi trường thuận lợi cho giá vàng.

Thứ hai, bất ổn địa chính trị toàn cầu ngày càng phức tạp, từ căng thẳng ở Ukraine, Trung Đông cho tới châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, vàng trở thành nơi trú ẩn an toàn truyền thống của dòng tiền.

Thứ ba, các ngân hàng trung ương tiếp tục gia tăng dự trữ vàng. Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và nhiều quốc gia mới nổi đều đẩy mạnh mua vào, tạo lực đỡ dài hạn cho kim loại quý.

Cuối cùng, tâm lý đầu cơ trong nước gia tăng. Người dân Việt Nam từ lâu có truyền thống tích trữ vàng. Khi thấy giá liên tục lập đỉnh, hiệu ứng “sợ bỏ lỡ cơ hội” (FOMO) lan rộng, khiến lực cầu càng thêm mạnh mẽ, đẩy chênh lệch nội - ngoại lên mức bất thường.

Có nên mua vàng lúc này?

Đây là câu hỏi không dễ trả lời, vì nó phụ thuộc vào mục tiêu và thời gian đầu tư của từng cá nhân.

Đối với người đầu tư dài hạn, vàng vẫn là tài sản phòng thủ có giá trị. Nếu bạn đang tìm cách bảo toàn tài sản trước lạm phát, biến động kinh tế hoặc chiến tranh, thì việc tích lũy vàng vẫn có cơ sở.

Tuy nhiên, với mức giá hiện tại quá cao so với trung bình dài hạn, không nên mua dồn toàn bộ tại một thời điểm. Chiến lược chia nhỏ, mua định kỳ theo từng tháng (DCA) có thể là lựa chọn an toàn hơn.

Đối với nhà đầu tư ngắn hạn hoặc đầu cơ, thời điểm này mang lại nhiều rủi ro. Sau chuỗi tăng mạnh, giá vàng có thể điều chỉnh về các vùng hỗ trợ như 3.300 USD/oz (tương đương khoảng 115 triệu đồng/lượng SJC). Nếu mua đuổi ở vùng đỉnh, nhà đầu tư có thể phải “gồng lỗ” trong thời gian dài nếu giá quay đầu.

Một trong những điều cần đặc biệt lưu ý là giá vàng trong nước hiện đang cao hơn giá quốc tế khoảng 13-15 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch rất lớn trong bối cảnh thị trường vàng nội địa vẫn bị kiểm soát nghiêm ngặt về nhập khẩu và thương hiệu (chủ yếu độc quyền vàng miếng SJC).

Nếu Ngân hàng Nhà nước bất ngờ điều chỉnh chính sách, mở lại nhập khẩu vàng nguyên liệu hoặc phá thế độc quyền thương hiệu, mức chênh lệch này có thể thu hẹp nhanh chóng, đồng nghĩa giá vàng SJC giảm mạnh mà không cần vàng thế giới phải giảm theo. Điều này từng xảy ra trong quá khứ và gây thiệt hại cho nhà đầu tư cá nhân mua vàng lúc đỉnh.

Hồng Giang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán