Giá dầu Brent tăng 96 cent, tương đương 1%, lên mức 85,46 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ tăng 97 cent, tương đương 1,3%, lên mức 78,87 USD/thùng. Nhà phân tích Robert Yawger của Mizuho cho biết, biến động nhiều hơn vào ngày cuối của tháng đã khiến hợp đồng giao ngay chịu áp lực khi các nhà giao dịch đóng các vị thế. Hợp đồng giao ngay ổn định ở mức 84,49 USD/thùng, giảm 41 cent.
Nguồn ảnh: Internet |
Trong phiên giao dịch, cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn Brent và WTI đều chạm mức thấp nhất trong gần 3 tuần do các nhà giao dịch lo lắng về triển vọng các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất và dòng dầu thô dồi dào của Nga.
Hợp đồng Brent giao tháng tháng 4 và WTI của Mỹ đã quay đầu tăng trở lại sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo rằng nhu cầu đối với dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Mỹ đã tăng 178.000 thùng/ngày trong tháng 11-2022 lên 20,59 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 8-2022.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết giá dầu thô chuẩn cũng được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng bạc xanh. Chỉ số USD trở nên tiêu cực sau khi dữ liệu của Mỹ cho thấy chi phí lao động tăng với tốc độ chậm nhất trong một năm trong quý IV năm ngoái do tăng trưởng tiền lương chậm lại, củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.
Các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào hôm nay, và Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tăng 0,5 phần trăm vào ngày mai. OPEC+ sẽ quyết định chính sách sản lượng của mình. Nhiều khả năng sẽ không có bất kỳ thay đổi nào trong chính sách này.
Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy 49 nhà kinh tế và nhà phân tích kỳ vọng trung bình giá dầu Brent sẽ ở mức hơn 90 USD/thùng trong năm nay, lần điều chỉnh tăng đầu tiên kể từ cuộc thăm dò hồi tháng 10, với mức tăng có thể do nhu cầu từ nước tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc.
Theo báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API), tồn kho dầu thô và nhiên liệu của Mỹ trong tuần trước đã tăng. Các con số sơ bộ của API cho thấy dự trữ dầu thô tăng 6,3 triệu thùng; dự trữ xăng tăng 2,73 triệu thùng; và dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 1,53 triệu thùng.
Tại thị trường trong nước, từ 19h ngày 30/1, giá xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) tăng thêm 990 đồng một lít, lên 23.140 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng thêm 970 đồng, có giá mới 22.320 đồng một lít.
Các mặt hàng dầu cũng tăng giá. Mỗi lít dầu diesel đắt thêm 890 đồng, lên 22.520 đồng; dầu hoả là 22.570 đồng (tăng 770 đồng) và dầu mazut là 13.930 đồng một kg, đắt thêm 570 đồng so với kỳ điều hành ngày 11/1.
Ở kỳ điều hành này, nhà điều hành tiếp tục không trích lập vào Quỹ bình ổn giá nhưng tăng mức chi từ quỹ này với xăng. Theo đó, mức chi quỹ với RON 95-III tăng từ 103 đồng ở kỳ điều hành ngày 11/1 lên 950 đồng; E5 RON 92 từ 121 đồng lên 850 đồng. Với các mặt hàng dầu, mức chi sử dụng quỹ vẫn duy trì 0 đồng, và giảm mức trích lập vào quỹ về mức 200 đồng một lít, kg.
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới từ giữa tháng 1 đến nay tăng giá mạnh do chịu ảnh hưởng từ các yếu tố, như Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế, tác động từ động thái áp giá trần dầu Nga của phương Tây và đồng USD yếu cộng với dự báo OPEC+ giữ nguyên việc cắt giảm sản lượng trong bối cảnh nhu cầu tăng...
Đề xuất mới: 7 ngày chỉnh giá xăng dầu/lần, nghỉ lễ vẫn điều hành
Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, thời gian điều hành giữa 2 kỳ được đề xuất sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu từ 10 ngày (như hiện nay) xuống mức 7 ngày, quy định vào 1 ngày cụ thể trong tuần.
Theo dự thảo, thời gian điều hành giá xăng dầu vào ngày thứ Năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ (trừ trường hợp trùng vào ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 tháng 1 âm lịch của Tết Nguyên đán). Trường hợp thứ Năm trùng vào những ngày từ mùng 1 đến mùng 3 tháng 1 âm lịch, kỳ điều hành sẽ được chuyển đến ngày mùng 4 tháng 1 âm lịch. Đây là khác biệt đáng kể với quy định hiện hành khi Nghị định 95 nêu rõ kỳ nghỉ lễ không điều hành giá xăng dầu, dịp Tết Nguyên đán kỳ điều hành sẽ được lùi sang kỳ tiếp theo.
Lý do chọn được Bộ Công Thương lựa chọn phương án trên là nhằm bảo đảm giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới, việc điều hành sẽ được thực hiện kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh những việc giá có biến động lớn trong những dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Liên Bộ Công Thương – Tài chính có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.
Ưu điểm của phương án này là giá xăng dầu trong nước sẽ biến động gần hơn với biến động của giá xăng dầu thế giới. Khi giá tăng sẽ được sự ủng hộ của các doanh nghiệp.
Còn về nhược điểm, Bộ Công Thương cho rằng: Thời gian để thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (từ lúc đặt hàng đến lúc hàng về đến cảng Việt Nam) thường cần khoảng 10-15 ngày. Cho nên khi thị trường có sự bất ổn theo xu hướng bất lợi cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có ý kiến về thời gian điều hành/công bố giá quá ngắn, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp khó đoán định được giá trong nước khi nhập khẩu xăng dầu (đặc biệt khi vào chu kỳ giá đi xuống, ví dụ có thể xảy ra sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine kết thúc).
Linh Linh (T/H)