Giá xăng dầu hôm nay 25/3/2024: Xăng tăng vọt, kết thúc tuần biến động

25/03/2024 - 12:41
(Bankviet.com) Tuần qua, giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần và giữa tuần dầu thô quay đầu giảm. Tuy nhiên, thời điểm cuối tuần giá dầu tiếp đà giảm ở đầu phiên và đi ngang ở cuối phiên.

Giá xăng, dầu trong nước bật tăng vượt mốc 24.000 đồng/lít

Giá xăng dầu hôm nay 22/3/2024: Đồng loạt tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong 5 tháng

Cụ thể, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 25/3/2024 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2024 ở mức 80,82 USD/thùng cùng với đó giá dầu Brent giao tháng 5/2024 ở mức 85,58 USD/thùng.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Tuần qua, giá dầu thế giới trong tuần trong phiên giao dịch đầu tuần từ ngày 18/3-19/3 ở mức giao dịch tăng khi xuất khẩu dầu thô từ Iraq và Ả Rập Xê-út giảm và các dấu hiệu đang cho thấy nhu cầu dầu cùng sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Ghi nhận ở mức cao nhất đối với dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2024 là 82,10 USD/thùng và dầu Brent giao tháng 5/2024 ở mức 86,87 USD/thùng.

Iraq - nhà sản xuất lớn thứ hai thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết sẽ giảm xuất khẩu dầu thô xuống 3,3 triệu thùng/ngày trong những tháng tới vượt hạn ngạch OPEC+ kể từ tháng 1. Xuất khẩu dầu thô của Ả Rập Xê-út - nhà sản xuất lớn nhất thuộc nhóm OPEC đã giảm tháng thứ hai liên tiếp.

Tại Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới với sản lượng nhà máy và doanh số bán lẻ đã vượt kỳ vọng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2 đánh dấu sự khởi đầu vững chắc cho năm 2024. Nền tăng trưởng kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến khiến các nhà đầu tư đẩy lùi kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed từ tháng 5 sang tháng 6.

Đến giữa tuần từ ngày 20/3-21/3, giá dầu tăng ở đầu phiên sau đó quay đầu giảm. Và giá dầu thế giới tăng nhẹ khi các nhà giao dịch đánh giá cuộc tấn công gần đây của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu toàn cầu với lượng khá lớn và ghi nhận đối với dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2024 ở mức 82,45 USD/thùng và giá dầu Brent giao tháng 5/2024 ở mức 87,14 USD/thùng.

Nhà phân tích năng lượng Alex Hodes của StoneX cho biết, hoạt động lọc dầu thấp hơn đã dẫn đến xuất khẩu dầu thô của Nga tăng và cũng có thể dẫn đến việc cắt giảm sản lượng dầu thô do nước này phải đối mặt với những hạn chế về dự trữ.

Đến ngày 21/3, giá dầu quay đầu giảm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất ổn định và mối lo ngại về nhu cầu dầu tiếp tục đè nặng tâm lý thị trường và ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2024 ở mức 81,61 USD/thùng trong khi fiá dầu Brent giao tháng 5/2024 ở mức 86,35 USD/thùng.

Kết thúc cuộc họp ngày 20/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ lãi suất ở mức 5,25% đến 5,5% và các nhà hoạch định chính sách cho biết họ vẫn mong đợi giảm 3/4 điểm phần trăm vào cuối năm 2024. Cuộc tấn công của Ukraine vào cơ sở lọc dầu của Nga đã giúp đẩy giá dầu thô lên cao hơn.

Đến cuối tuần giá dầu tiếp đà giảm ở đầu phiên và đi ngang ở cuối phiên. Trong ngày 22/3, giá dầu tiếp tục giảm khi thị trường chịu áp lực bởi dữ liệu nhu cầu xăng dầu yếu hơn của Mỹ và ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2024 ở mức 80,82 USD/thùng và giá dầu Brent giao tháng 5/2024 ở mức 85,6 USD/thùng.

Theo cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tồn kho dầu thô tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới tiếp tục giảm tuần thứ 2 liên tiếp với mức giảm 2 triệu thùng xuống 445 triệu thùng. Trong khi đó, đồng đô la Mỹ được thiết lập cho tuần thứ hai tăng mạnh sau khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ bất ngờ cắt giảm lãi suất vào ngày 21/3 đã củng cố tâm lý rủi ro toàn cầu.

Đồng đô la mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác làm giảm nhu cầu dầu. Tuy nhiên, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ thấp hơn và khả năng Mỹ nới lỏng lãi suất đã giúp hạn chế đà giảm của dầu thô. Theo dữ liệu của Baker Hughes, số giàn khoan dầu của Mỹ giảm 1 giàn xuống còn 509 trong tuần này, cho thấy nguồn cung tương lai thấp hơn.

Xung đột ở Đông Âu đã khiến giá dầu không thể giảm xuống đáy. Nga đã tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái lớn nhất vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Trong nước, chiều 21/3, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định tăng 729 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và giao dịch ở mức 23.219 đồng/lít. Trong khi đó, giá xăng RON95 tăng 741 đồng/lít lên 24.284 đồng/lít. Giá xăng hiện lên mức cao nhất tính từ đầu năm và cao nhất trong vòng 5 tháng qua.

Lý giải về nguyên nhân giảm giá xăng, cơ quan quản lý cho biết thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 14/3 đến ngày 20/3) chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Cụ thể, có sự gia tăng hoạt động quân sự của Ukraine nhắm vào cơ sở hạ tầng lọc dầu của Nga; tồn kho dầu thô của Mỹ tiếp tục giảm, căng thẳng tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn…

"Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua diễn biến tăng, giảm đan xen nhưng xu hướng tăng là chủ yếu", liên Bộ Tài chính, Công Thương đánh giá.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa hai kỳ điều hành giá là 98,3 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 3,9 USD/thùng, tương đương tăng 4,13% so với kỳ trước); 102,4 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 3,6 USD/thùng, tương đương tăng 3,68% so với kỳ trước).

Tại kỳ điều hành này, liên bộ không trích lập, đồng thời không chi quỹ bình ổn đối với tất cả mặt hàng xăng. Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho rằng phương án điều hành giá xăng dầu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới và tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá hợp lý giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.

Ngoài ra, phương án trên bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Thanh Hằng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán