Giá xăng trong nước mất cơ hội giảm lần thứ 6? | |
Giá xăng dầu hôm nay 1/9/2022: Thị trường trong nước kết thúc đà giảm? | |
Giá xăng dầu hôm nay 2/9/2022: Đồng loạt giảm mạnh |
Cụ thể, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 86,03 USD/thùng, tăng 0,03 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 2/9, giá dầu WTI giao tháng 10/2022 đã giảm tới 3,03 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 92,44 USD/thùng, tăng 0,08 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 2,87 USD so với cùng thời điểm ngày 2/9.
Nguồn ảnh: Internet |
Giá dầu tăng nhẹ khi Nga tuyên bố phản đối kế hoạch áp trần giá dầu đối với dầu thô của nước này và sẽ không giao dầu cũng như các sản phẩm dầu khác nhau cho các quốc gia ủng hộ quyết định này.
Thông điệp này của Nga được Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đưa ra vào ngày 1/9, một ngày trước khi G7 dự kiến sẽ họp để bàn về kế hoạch áp trần giá dầu đối với dầu thô của Nga theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trước đó, theo Người phát ngôn của Nhà Trắng Karine Jean-Pierre, việc áp trần giá dầu với dầu thô Nga bên cạnh việc làm giảm nguồn thu của Nga thì còn có thể hạ nhiệt giá năng lượng.
Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, dù xuất khẩu dầu thô của Nga giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021 thì nguồn thu từ dầu thô của nước này trong tháng 7 vẫn tăng tới 700 triệu USD so với tháng 6.
Giá dầu hôm nay còn được thúc đẩy bởi loạt dữ liệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ, qua đó đẩy lùi nguy cơ suy thoái kinh tế ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mặc dù vậy, giá dầu thô vẫn đang chịu áp lực giảm giá lớn bởi đồng USD mạnh hơn nhờ kỳ vọng Fed sẽ sớm thực hiện tăng lãi suất và nhu cầu tiêu thụ yếu hơn trong thời gian tới ở Trung Quốc khi nước này vẫn đang theo đuổi chính sách zero Covid. Đây là 2 nhân tố chính khiến giá dầu thô có xu hướng giảm mạnh trong những phiên gần đây.
Theo các chuyên gia, các diễn biến mới xung quanh thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran khiến giá dầu tăng liên tiếp trong tuần qua. Giá dầu sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu đang tăng cao trở lại trên toàn thế giới.
Trước diễn biến của giá xăng dầu thế giới, lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu dự đoán giá bán lẻ xăng dầu trong nước ở kỳ điều hành tới có thể tăng theo giá xăng dầu thế giới.
Giá xăng trong kỳ tới có khả năng tăng 380-390 đồng/lít. Còn giá dầu sẽ tăng mạnh hơn, ở mức 2.400-2.500 đồng/lít. Song mức tăng cụ thể thế nào còn phụ thuộc vào diễn biến giá xăng dầu thế giới trong vài ngày tới và mức chi/trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Nếu dự đoán này đúng thì sau 5 kỳ giảm giá liên tiếp, giá xăng trong nước đã không có cơ hội giảm lần thứ 6. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 22 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng, 8 lần giảm và một lần giữ nguyên. Hiện giá xăng bán lẻ tương đương mức giá hồi cuối tháng 1.
Tại kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 22/8), giá xăng được giữ nguyên còn giá dầu được điều chỉnh tăng. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 giữ nguyên, giá bán không quá 23.725 đồng/lít; giá xăng RON95 giữ ở mức giá 24.669 đồng/lít.
Ngược lại, giá dầu diesel được điều chỉnh tăng 850 đồng/lít, giá bán không cao hơn 23.759 đồng/lít, giá dầu hỏa không cao hơn 24.056 đồng/lít, giá dầu mazut không cao hơn 16.548 đồng/kg. Cũng tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính trích lập Quỹ Bình ổn giá với xăng E5 là 451 đồng/lít, xăng RON95 là 493 đồng/lít, dầu diesel là 250 đồng/lít.
Thanh Hằng