Giá xăng dầu hôm nay 3/2/2023: Giảm nhẹ trên thị trường thế giới | |
Bộ Công Thương đề xuất rút thời gian điều chỉnh giá xăng còn 7 ngày | |
Giá xăng dầu hôm nay 6/2/2023: Có thể giảm trở lại? |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/2, giá dầu thô Brent giao tháng 4 được giao dịch ở mức 80,41 USD/thùng, tăng 0,47 USD, tương đương 0,59% so với phiên liền trước. Cùng thời điểm, giá dầu WTI giao tháng 3 được giao dịch ở mức 73,68 USD/thùng, tăng 0,29 USD, tương đương 0,4% so với phiên liền trước.
Nguồn ảnh: Internet |
Tuần trước (30/1-5/2), giá dầu thế giới giảm mạnh. Dầu WTI "bốc hơi" 7,89% giá trị, có thời điểm xuống mức 73,39 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng giảm tới 7,48%, mất mốc 80 USD/thùng. Giá dầu thế giới vào cuối tuần trước rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 3 tháng qua. Nguyên nhân khiến giá dầu giảm mạnh trong tuần trước được cho là do thông tin thị trường việc làm Mỹ duy trì tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 1, làm dấy lên lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất cao hơn.
Trong một diễn biến khác, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol ngày 5/2 cho biết các nhà sản xuất dầu có thể phải xem xét lại chính sách sản lượng của họ sau khi nhu cầu dầu phục hồi ở Trung Quốc.
Về nguồn cung tại Mỹ, trong tuần trước, các công ty năng lượng đã giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên nhiều nhất kể từ tháng 6/2020. Ngày 4/2, Bộ trưởng Năng lượng Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cho hay, các lệnh trừng phạt và đầu tư kém trong lĩnh vực năng lượng có thể dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung cấp năng lượng.
Năm ngoái, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) đã đồng ý cắt giảm mục tiêu sản xuất 2 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong thời gian từ tháng 11/2022 cho đến cuối tháng 11/2023, nhằm hỗ trợ thị trường.
Ngày 30/1, liên bộ Công Thương - Tài chính công bố điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước từ 18h ngày 30/1 theo hướng tăng giá đồng loạt các mặt hàng. Theo đó, giá xăng RON95 tăng 990 đồng/lít lên 23.140 đồng/lít, xăng E5 RON92 tăng 970 đồng/lít lên 22.320 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 890 đồng/lít, lên 22.520 đồng/lít. Dầu hoả là 22.570 đồng, tăng 770 đồng và dầu mazut là 13.930 đồng/kg, tăng thêm 570 đồng so với kỳ điều hành ngày 11/1. Tại kỳ điều hành này, nhà điều hành không trích lập quỹ Bình ổn giá (BOG) với xăng E5 RON92 và RON95 nhưng chi quỹ lần lượt là 850 đồng và 950 đồng cho mỗi lít xăng E5 RON92 và RON95, đồng thời trích lập quỹ BOG với dầu diesel ở mức 200 đồng/lít.
Kỳ điều chỉnh này sớm hơn 2 ngày so với dự định, do diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới gần đây có nhiều thay đổi thất thường. Trước đó, do trùng ngày Tết Nguyên đán, kỳ điều hành giá xăng dầu được lùi về ngày 1/2, thay vì ngày 21/1 theo quy định.
Bộ Công Thương nói gì về bình ổn giá xăng dầu?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, về giải pháp về bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là bình ổn giá xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá) tại Nghị định số 83/2014/NÐCP và Nghị định 95/2021/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83, các thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt.
Cụ thể, trong công tác điều hành giá xăng dầu trong những tháng đầu năm (khi giá xăng dầu thế giới tăng cao), Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (với mức chi sử dụng từ 33-1.500 đồng/lít tùy loại) để bình ổn giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
Bộ Công Thương cho rằng điều này nhằm giúp hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, để giảm chi phí, bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần (trong năm 2022), thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu và đang xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT.
Cùng với đó, để tháo gỡ khó khăn cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện rà soát, điều chỉnh các chi phí cấu thành trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu (Premium, chi phí vận chuyển xăng dầu...) cho phù hợp với thực tế, đảo bảo tính đúng, tính đủ.
Linh Linh