Giá xăng dầu hôm nay 9/1/2023: Tuần lao dốc mạnh nhất trong 7 năm qua

09/01/2023 - 14:18
(Bankviet.com) Tuần qua, ghi nhận giá xăng dầu thế giời thì cả dầu Brent và dầu WTI đều giảm hơn 8%, mức giảm tuần lớn nhất vào đầu năm kể từ 2016. Cả hai loại dầu đều đã tăng khoảng 13% trong 3 tuần trước đó.

Giá xăng dầu hôm nay 5/1/2023: Sắc đỏ bao trùm

Giá xăng dầu hôm nay 6/1/2023: Đảo chiều tăng nhẹ

Doanh nghiệp sẽ được tự định giá xăng dầu?

Chốt tuần, giá dầu WTI đạt 73,73 USD/thùng, tăng 0,08%. Trong khi đó, giá dầu Brent đạt 78,6 USD/thùng, giảm 0,11%. Theo Reuters, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm trong tháng 12-2022 do các ca nhiễm Covid-19 gia tăng làm gián đoạn sản xuất và đè nặng lên nhu cầu sau khi Bắc Kinh gỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế dịch. Bên cạnh đó, theo Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, các nền kinh tế Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều đang chậm lại, khiến nền kinh tế toàn cầu năm 2023 trở nên khó khăn hơn so với năm 2022.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Theo Reuters, còn quá sớm để nói liệu giá có nhanh chóng phục hồi hay không. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết, đường cong giá dầu có thể mạnh lên khi nhu cầu phục hồi và khi thị trường hoạt động nhờ công suất dư thừa của OPEC. Ngân hàng dự đoán Brent sẽ ở mức trung bình 90 USD/thùng vào năm 2023, giảm so với mức 110 USD trước đó. Tuần này, nó dự báo giá khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ sẽ giảm xuống còn $4,00-$4,20 trên một triệu đơn vị nhiệt của Anh trong quý hai đến quý ba.

Tại thị trường trong nước, giá xăng tiếp tục điều chỉnh tăng và vượt 22.000 đồng/lít. Cụ thể, sau khi điều chỉnh, giá xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) có mức giá mới 22.150 đồng/lít, tức tăng 350 đồng/lít. Xăng E5 RON92 cũng đắt thêm 350 đồng/lít, lên 21.350 đồng/lít.

Các mặt hàng dầu (trừ dầu diesel) cũng tăng giá. Cụ thể, dầu hỏa tăng 600 đồng/lít, lên 22.760 đồng; dầu mazut là 13.740 đồng/kg, tương đương tăng 110 đồng. Riêng dầu diesel giữ nguyên giá bán 22.150 đồng/lít... Ở kỳ điều hành này, nhà điều hành tiếp tục không chi từ quỹ bình ổn với các mặt hàng xăng, dầu. Về trích lập vào quỹ bình ổn, liên bộ không trích với mặt hàng xăng và dầu mazut. Còn dầu diesel và dầu hỏa có mức trích lần lượt là 605 đồng và 200 đồng mỗi lít.

Bộ Công Thương muốn chuyển việc điều hành giá xăng dầu cho Bộ Tài chính

Bộ Công Thương vừa gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Trong dự thảo Bộ Công Thương đề xuất giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Trước khi lựa chọn phương án này, Bộ Công Thương có đưa ra ba phương án. Phương án 1 là giữ nguyên các quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành trong phân công công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu.

Phân tích, Bộ Công Thương đánh giá phương án này có ưu điểm là việc phân công đã được thực hiện từ nhiều năm và phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành. Trong công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính rà soát và hướng dẫn việc xác định các chi phí để công bố cho Bộ Công Thương tính toán giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, nhằm đảm bảo có sự giám sát, kiểm tra các chi phí một cách chính xác, khách quan, minh bạch, đúng chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, nhược điểm là khi có vấn đề phát sinh cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành để cùng xử lý.

Phương án 2 là việc điều hành giá xăng dầu và rà soát, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu đưa về một đầu mối là Bộ Tài chính thực hiện theo đúng chuyên môn nghiệp vụ và chức năng nhiệm vụ được giao.

Bộ Công Thương cho rằng, phương án này bảo đảm việc phân công công tác quản lý nhà nước về xăng dầu thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành. Bộ Tài chính có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực tài chính sẽ thực hiện chính xác công tác tính toán, hướng dẫn và công bố giá điều hành đối với mặt hàng xăng dầu.

Nhưng nhược điểm là việc điều hành giá tách xa việc điều hành cung cầu xăng dầu nên sẽ có những bất ổn khi lợi ích giữa các chủ thể trên thị trường xăng dầu không được hài hoà, không có sự độc lập khách quan trong việc xác định, phản ánh các chi phí kinh doanh xăng dầu để bảo đảm tính công khai, minh bạch, chính xác trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu.

Phương án 3 là giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu, rà soát, hướng dẫn, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu đưa về một đầu mối là Bộ Công Thương. Phương án này sẽ thống nhất đầu mối quản lý về giá và cung cầu mặt hàng xăng dầu, nhưng nhược điểm là không đảm bảo sự phù hợp, thống nhất trong việc phân công, thực hiện nhiệm vụ theo chuyên môn, nghiệp vụ giữa các bộ, ngành hiện nay, dẫn tới sự chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành. Đồng thời có thể làm phát sinh thêm tổ chức bộ máy, biên chế để thực hiện nhiệm vụ.

Sau khi phân tích ưu, nhược của cả ba phương án, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 2, theo đó giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao. Bộ Công Thương lý giải chọn phương án này là nhằm tập trung việc quản lý điều hành giá về một đầu mối và phù hợp với chức năng nhiệm vụ và chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính.

Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 10/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ đề xuất chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối thống nhất là Bộ Công Thương, gồm việc điều hành giá, chi phí kinh doanh định mức... Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng việc giao về một đầu mối là Bộ Công Thương sẽ đảm bảo nguồn cung thuận lợi hơn.

Nhiều đại biểu Quốc hội, ý kiến chuyên gia cũng đồng tình giao một đầu mối điều hành xăng dầu là Bộ Công Thương.

Hạ Vy (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán